“Đây chính là lúc dồn nguồn lực để nuôi ý chí”
Không né tránh bất cứ câu hỏi nào khi trao đổi với VnEconomy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Máy và Thiết bị phụ tùng, nhà thầu cơ - điện lạnh với thương hiệu SEATECH, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng Lê Văn Hiểu nói rằng, người Đà Nẵng thẳng thắn và hồn hậu.
Không giấu sự xót xa khi nhìn nhận về một nguồn lực to lớn của đất nước đã và đang bị tổn hao, vị doanh nhân khá từng trải này cũng không nhiều lạc quan về tương lai gần. Còn với cộng đồng doanh nghiệp, ông Hiểu quả quyết, ở hoàn cảnh hiện tại, bất cứ doanh nhân nào nói là không gặp khó ông đều không tin. Song, điều quan trọng nhất, theo ông chính là “khó mà không sờn lòng”.
Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng Lê Văn Hiểu.
|
Sống bất an, “chết” oan ức
Thưa ông, trong môi trường của một thành phố được tiếng là năng động, doanh nghiệp Đà Nẵng có gặp nhiều khó khăn?
Từ đầu năm 2011 trở lại đây, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã ngấm một liều thuốc mà họ không cần phải uống nên họ cảm thấy bất an. Những ai đã “chết” rồi thì thấy oan ức. Còn lại số đang cố gắng để tái lập tình trạng ban đầu của hơn một năm trở lại đây thì dường như không còn mấy tin tưởng nữa.
Có lẽ cũng nên nói lại chuyện từ Nghị quyết 11 với việc siết tín dụng khu vực “phi sản xuất”. Nói thật là tôi không hiểu được “phi sản xuất” là cái gì, và thấy nó rất kỳ lạ vì không thể tách bạch được rõ ràng giữa sản xuất và dịch vụ trong hoạt động của doanh nghiệp. Với quy định này thì các cơ quan trực tiếp thực hiện rất dễ lợi dụng. Ví dụ ngân hàng nào đó gặp khó khăn, họ sẽ vin vào đó để cắt hợp đồng tín dụng của doanh nghiệp nếu thấy có lợi cho họ.
Theo tôi hiểu thì ở Nghị quyết 11, Chính phủ chỉ muốn chỉnh câu chuyện đầu tư địa ốc, đầu tư ngoài ngành tràn lan của khu vực doanh nghiệp nhà nước thôi. Nhưng kinh doanh hiện đại là hoạt động chuỗi chứ không có ai đơn lẻ hết, ở các tỉnh, thành lớn thì điều này càng rõ. Nên “siết” bất cứ chỗ nào cũng có thể chết cả chuỗi. Hơn nữa mình còn siết nhầm chỗ. Trong hệ thống ly hợp của ôtô, người ta hướng dẫn: thả ly hợp thật êm, thật chậm và cắt ly hợp thật nhanh, thật dứt khoát. Nên chăng có “nghị quyết” với thời điểm áp dụng thật “êm dịu” và thời điểm kết thúc thật dứt khoát...
Vì thế mới nói liều thuốc mà doanh nghiệp bị uống có lẽ không phải chỉ quá liều mà còn hơi độc, nên nền kinh tế suy yếu là tất yếu. Và liều “độc dược” này đã khiến cộng đồng doanh nghiệp mất đi một lượng lớn quân số. Mất quân cũng có nghĩa là mất đi nguồn lực vô cùng lớn, xót xa lắm chứ.
Cụ thể ở Đà Nẵng thì sao, thưa ông?
Ở đây số doanh nghiệp đăng ký là gần 14 ngàn, đang đóng thuế là hơn 9 ngàn. Có lẽ quan chức hiểu khác, doanh nhân hiểu khác, với doanh nhân thì doanh nghiệp không đóng thuế nếu chưa chết hẳn thì cũng là yếu lắm rồi.
Kết quả điều tra tháng 5/2012 cho thấy khoảng gần một nửa số doanh nghiệp đang nợ. Từ nợ quá hạn ngân hàng đến nợ lương, và quan trọng nhất là nợ các khoản như bảo hiểm, thuế…
Cũng cần nói đến một thực tế ở 50% được coi là vững vàng là một số doanh nghiệp đã thay ngôi đổi chủ, nhiều anh em phải bán cổ phần cho nước ngoài, mất nhân lực vào tay nước ngoài…
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín cũng đã từng nói với VnEconomy rằng, bất cứ chuyện gì làm được tạo ra cho mình cơ hội sống, con đường sống thì các doanh nghiệp đều đã thử hết rồi. Thậm chí có những doanh nhân còn định dẹp bớt cơ ngơi ở Việt Nam và chuẩn bị cho họ một quốc tịch khác…
Đó là chuyện đang xảy ra, khi hấp lực tại một số nước vô cùng lớn.
Vậy từ nay đến cuối năm, với tác động từ gói hỗ trợ, điều hành lãi suất, theo ông sức khỏe của doanh nghiệp sẽ diễn biến theo chiều hướng nào?
Tôi nghĩ là tệ hơn, số đang thoi thóp rất nhiều, tất nhiên là tình hình có sáng lên với một số anh em, nhưng khoảng 50% vẫn bế tắc. Bất kể doanh nghiệp nào tại thời điểm này mà nói không khó khăn thì tôi không tin. Nghị quyết 13 cũng ít nhiều có dinh dưỡng, nhưng mà ít quá, nhất là không có phần bơm trực tiếp vào doanh nghiệp. Hàng tồn kho, dở dang cao và thiếu vốn, đó vẫn là hai chuyện rất nan giải với doanh nghiệp hiện nay.
Vâng. Vừa qua khi đến Quảng Trị, tôi có chứng kiến cảnh một doanh nghiệp chế biến gỗ đang đứng bên bờ vực phá sản vì không thể vay được vốn lưu động, sau khi đã đầu tư nhà xưởng khá hiện đại, vì không còn tài sản để thế chấp…
Nhiều doanh nghiệp như thế chứ không phải ít đâu. Ở nhiều nước tiên tiến, thường có cơ quan đứng ra thu xếp những chuyện đó, và nhà nước sẽ không mất cái gì cả. Thắng lợi nhất của việc này là làm cho những doanh nghiệp tích cực không bị rơi vào tình cảnh không thể hoạt động. Bởi nếu điều đó xảy ra, sẽ mang lại hậu quả vô lường đối với quốc gia. Tiếc là Việt Nam chưa có cơ quan như vậy.
Nhưng vẫn cần có cơ quan đứng ra giải quyết chứ, theo ông thì nên đặt trọng trách này vào tay ai?
Mỗi tỉnh thành có một nhà nước nhỏ, đó chính là UBND tỉnh, thành phố, nhưng phải nắm doanh nghiệp cho kỹ, thì giúp họ mới có hiệu quả. Chứ còn như hiện nay doanh nghiệp thành lập nhiều, nhưng thông tin về họ được nắm quá ít. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì đầu tiên là phải bắt đầu lại từ việc nắm thông tin về họ. Sau đó thì phải có tổ chức lúc họ khó có thể giúp được họ. Bên cạnh đó cũng cần tìm cách hỗ trợ thông qua hội doanh nghiệp cho tốt. Ở Việt Nam hiện nay mình thành lập hội nhiều nhưng hoạt động còn chưa tốt.
Nhưng, cũng đừng nhìn sự việc tối tăm quá. Vẫn có nhiều cách để doanh nghiệp dễ thở hơn. Như ở thành phố này, Hội Doanh nhân trẻ rất mạnh và đoàn kết, họ đã tự hào vì sát cánh bên nhau lúc khó khăn.
Đoàn kết để cầm cự
Ở thời điểm hiện tại thì sức mạnh của sự đoàn kết đó được thể hiện cụ thể thế nào, thưa ông?
Không đợi đến bây giờ mà cách đây khoảng 9 tháng, chúng tôi đã ngồi lại bàn với nhau rất cặn kẽ về cách ứng phó với khó khăn.
Khi đó, chúng tôi có đưa ra một số giải pháp. Thứ nhất là ban bố tình trạng báo động trong toàn doanh nghiệp. Việc này rất quan trọng để chuẩn bị tâm lý cho người lao động vì không có gì cản được khó khăn sẽ đến thì thà mình báo động trước. Cũng giống như báo bão vậy, mình thông báo cho toàn thể anh em là “rủi ro” sắp diễn ra để có thể chuẩn bị tinh thần chống chọi tốt nhất.
Thứ hai là ban bố tình trạng tiết kiệm, cái gì không thực sự quá cần thiết là cắt giảm hết. Khi đã ban bố tình trạng khẩn cấp thì có quyền cắt đi các khoản đã thành chính sách của doanh nghiệp, thậm chí có thể chậm lương một chút. Nhưng nếu không ban bố thì nhân viên sẽ không ở tư thế sẵn sàng, thậm chí họ còn oán giận và tưởng là doanh nghiệp chết đến nơi.
Rồi chúng tôi góp tiền, mỗi anh em vài trăm triệu đồng để giúp nhau qua câu chuyện đáo hạn, tuy có “phạm luật” đôi chút nhưng phải cứu nhau trước đã, dù số tiền không lớn nhưng quý như máu ấy bạn ạ.
Tiếp theo là thu xếp tài chính, tương trợ lẫn nhau để “giải hạn”, thậm chí là cầm cự cho qua hạn này rồi sẽ tính chuyện đầu tư tiếp. Bên cạnh đó là mở rộng thông tin, bên cạnh được lãnh đạo thành phố mời tham dự các cuộc giao ban định kỳ để kịp thời đề xuất, kiến nghị, Hội Doanh nhân trẻ còn đứng ra tổ chức đối thoại giữa đoàn đại biểu Quốc hội với doanh nhân.
Tại đây, Bí thư Thành ủy đồng thời là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh đã giải quyết ngay nhiều đề xuất của doanh nghiệp. Thành phố cũng dốc hầu bao vào quỹ đầu tư phát triển để cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp.
Nói thẳng, nghe thẳng, thực hiện thẳng, ứng cứu nhanh… là những việc mà Đà Nẵng ít nhiều đã làm được cho doanh nghiệp địa phương.
Có quỹ để cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp có lẽ là mong mỏi của tất cả các địa phương, trong khi điều hành lãi suất thời gian qua nhận được chê nhiều hơn khen. Ý kiến riêng của ông về câu chuyện lãi suất thế nào?
Không phải là chê, nhưng đặt trong sự so sánh với các nước thì tôi thấy điều hành của ngân hàng hiện nay đang ở mức dưới trung bình. Cách điều hành vĩ mô qua hệ thống ngân hàng không ổn, độ tuân thủ rất ít. Những câu chuyện liên quan đến ngân hàng không thấy đâu là kinh tế thị trường, nhiều anh em còn có cảm giác là giới ngân hàng liên kết lại với nhau để có lợi ích lớn nhất và Ngân hàng Nhà nước ít nhiều có bảo trợ cho việc này.
Cách cho ra đời quá nhiều ngân hàng rất không ổn, nhân viên quá nhiều, chi phí lớn. Với ngân hàng lãi là câu chuyện còn nhỏ, mà phí mới là đáng quan tâm. Tôi thấy ở nhiều nước phí của họ thấp lắm. Ngân hàng giống như cái bình điều hòa trong hệ thống bơm của doanh nghiệp. Không có cái bình này thì coi hoạt động giật cục, chập chờn trong khi thực trạng lại đang là vậy.
Mới đây thì lãi suất có hạ dần, nhưng có xuống đến dưới 10% thì vẫn cao hơn nhiều nước. Ngay cả việc khuyến khích tất cả các ngân hàng giảm đều các khoản vay xuống 15% thì tôi cũng không thích cách đó. Theo tôi nên thị trường thực sự, tự do hóa lãi suất.
Quan trọng hơn là Chính phủ cần tìm ra quy luật và phải vận hành theo quy luật, mà hay nhất là quy luật của thị trường, công bằng trong hành xử giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và ngân hàng, còn như bây giờ tôi thấy không công bằng. Ví dụ, ngân hàng kém phải để phá sản chứ, giống như bài học cho ngân hàng khác, chứ không thể “đỡ” cho họ mãi được.
Bên cạnh điều hành lãi suất, thay đổi nào đang được ông mong chờ ở các chính sách vĩ mô để có thể tăng sức mạnh cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế?
Tình hình từ đây đến cuối năm có thể sẽ được cải thiện, nhưng tôi vẫn đang hồi hộp, sợ một cơn bão khác. Vì như đã nói, gọi là “cơn bão” vừa rồi còn khiên cưỡng quá, tôi thấy tiếc cho sự mất mát của đất nước, mất nhiều lắm, đâu chỉ có doanh nghiệp mà nhiều ngành liên quan mật thiết đến doanh nghiệp cũng bị tổn thương nặng nề.
Bạn hỏi về sự thay đổi? Điều tôi mong chờ nhất, là một nền kinh tế phải có “hộp đen” chứa các bộ não siêu việt về kinh tế, đừng phân biệt nhiều quá, miễn là họ yêu đất nước này, và có như thế đất nước mới phát triển được.
Vậy trong khi chờ đợi điều này thành hiện thực, thì doanh nghiệp nên ứng xử như thế nào để chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo bớt bấp bênh hơn, thưa ông?
Đây chính là lúc doanh nghiệp nên dồn nguồn lực để nuôi dưỡng ý chí.
Để ổn định doanh nghiệp thì phải kết hợp nhiều yếu tố, nhưng mấu chốt nhất là phải bảo toàn lực lượng. Tôi vừa quyết định tăng lương 10% cho toàn bộ nhân viên trong công ty. Cũng cần phải nói thêm là nhiều doanh nghiệp trước khó khăn lập tức giảm lương và bớt lao động, điều đó nguy hiểm vô cùng. Bởi khi hồi phục thì anh lấy đâu nhân lực để hoạt động? Tại sao anh không bán bớt vài chiếc ôtô, vài lô đất, thậm chí bán luôn văn phòng đi rồi đi thuê cũng được.
Lâu nay không nhiều doanh nghiệp chú trọng sự chuyên nghiệp trong công tác tài chính. Thường thì kế toán trưởng chỉ xoay quanh thuế má đã hết mất thời gian. Chuyên nghiệp là phải quản trị rủi ro, bổ nhiệm giám đốc tài chính, có kế hoạch tài chính dài hạn, không phải chỉ tìm vốn qua ngân hàng mà còn từ quỹ đầu tư và các nguồn khác. Cán bộ công nhân viên đóng góp cũng là một nguồn, qua cái đận này theo tôi các doanh nghiệp cần phải suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề tài chính để giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân hàng như hiện nay.
Đấy là trong nội bộ, còn với bên ngoài thì anh phải chăm sóc hình ảnh, bản sắc công ty, làm sao để khó nhưng không sờn lòng, mọi thứ vẫn phải sạch sẽ tinh tươm. Bên cạnh đó trách nhiệm xã hội vẫn phải giữ. Mà một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội là phải tham gia phản biện, thấy khó khăn mà anh không bàn và tìm giải pháp thì liệu có xứng là doanh nhân nước mình?
Nguyên Thảo
tbktvn
|