Chủ Nhật, 19/08/2012 14:21

Quốc tế: "Lạm phát ở Việt Nam vẫn có thể tái diễn nếu..."

“Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm và nỗ lực hơn nữa nếu không muốn vòng xoáy mất ổn định của kinh tế vĩ mô sẽ lặp lại…”. Đó là đánh giá của các tổ chức quốc tế vào lúc này.

Gần 2/3 chặng đường của năm 2012 đã qua đi, nhiều chính sách kinh tế vĩ mô được ban hành trước đó đã bắt đầu phát huy tác dụng, một trong số đó phải kể đến là chính sách tiền tệ. Một loạt những kết quả có thể nhìn thấy rõ như lạm phát giảm mạnh, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối gia tăng đáng kể và lãi suất đã được cắt giảm về mức hợp lý hơn. Dưới góc nhìn độc lập và khách quan, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế cũng đã nâng triển vọng đánh giá của Việt Nam từ “không ổn định” sang “ổn định”…

Là người chứng kiến toàn bộ các chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua, ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam đã thẳng thắn cho rằng, những kết quả đạt được hiện đang chiếm ưu thế.

“Điểm quan trọng khi xem xét hiệu quả điều hành là chúng ta nên so sánh tình hình trước đó với hiện tại. Vào lúc này chúng ta thấy tỷ giá rất ổn định, lạm phát giảm rất mạnh từ mức rất cao trên 20% vào tháng 8 năm ngoái đã giảm xuống dưới 5,5% vào tháng 7 vừa qua. Đó là những kết quả rất tốt đã đạt được, đồng thời dự trữ ngoại tệ quốc gia cũng đã tăng rất mạnh trong 7 tháng đầu năm nay, đây là những thành tựu quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được dựa trên tinh thần của Nghị quyết 11. Và cơ quan trực tiếp thực thi chính sách tiền tệ là NHNN đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc đạt được những thành tựu này”.

Tương tự, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã đưa ra những ghi nhận tích cực về những thay đổi rõ rệt của nền kinh tế Việt Nam.

“Sự ổn định của kinh tế Việt Nam đã được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm của quốc tế điều chỉnh từ “không ổn định” sang “ổn định”. Các chỉ số kinh tế vĩ mô của các bạn như: Lạm phát, tỷ giá, dự trữ ngoại tệ và đặc biệt là lãi suất đã được cắt giảm tới 5 điểm phần trăm, một mức cắt giảm tương đối lớn. Tuy chúng tôi nhận thấy quá trình cắt giảm này có phần hơi nhanh, nhưng tất cả đều đang diễn biến theo hướng phù hợp. Do vậy, nếu so sánh một cách tổng thể và dựa trên những kết quả có được thì rõ ràng là các biện pháp đã thực hiện là đúng đắn và đúng hướng”, bà Victoria Kwa Kwa, Trưởng đại diện Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam nói.

Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế cũng thẳng thắn cho rằng, Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức mà đáng kể nhất là nợ xấu đang tăng lên và khó khăn trong tái cấu trúc khu vực tài chính - ngân hàng.

“Chúng tôi nhận thấy nợ xấu đang tăng lên, đó chính là do các doanh nghiệp đã vay quá nhiều trong quá khứ. Điều quan trọng nhất khi gặp phải những vấn đề như vậy là phải kiên nhẫn, tuy nhiên cũng cần đưa ra quyết định nhanh chóng, cần có hành động cụ thể, và kết quả của các quyết định và hành động đó cần có thời gian mới có thể thấy rõ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, không thể xử lý được các vấn đề mang tính cơ cấu thông qua các biện pháp chính sách kinh tế vĩ mô. Cải cách khu vực ngân hàng và cải cách khu vực DNNN là những điều cần thiết phải thực hiện”, ông Sanjay Kalra khuyến cáo.

Còn theo bà Victoria Kwa Kwa, yêu cầu đầu tiên là phải hiểu được bản chất và qui mô mức độ của vấn đề, hiểu rõ về số liệu và định lượng được nợ xấu, qua đó mới giúp ước tính được chi phí xử lý. Tiếp đó, ta phải nhìn vào bức tranh toàn cảnh về tài khóa của Chính phủ rồi quyết định về việc xử lý vấn đề này như thế nào và cơ cấu, khuôn khổ nào cần phải xây dựng và áp dụng để xử lý. Một số nước sử dụng công ty mua bán nợ và cách thức xử lý các khoản nợ này có thể khác nhau nhưng tôi nghĩ, điều rất quan trọng là phải có một sự thống nhất, thống nhất về mục tiêu và quyết tâm mạnh mẽ. Vấn đề là không phải chỉ một mình NHNN, mà còn cần có cả vai trò của chính sách tài khóa. Hãy phát huy cả vai trò Bộ Tài chính cùng tham gia.

Các tổ chức quốc tế cũng cho rằng, trong thời gian tới, điều quan trọng là sự ổn định đã đạt được trong 7 tháng đầu năm phải được duy trì, nếu không lạm phát có thể sẽ quay trở lại và vòng xoáy mất ổn định kinh tế vĩ mô rất dễ tái diễn.

Chí Sơn

VTV

Các tin tức khác

>   Xác định "toạ độ" đầu tư công (19/08/2012)

>   Bài toán ODA (18/08/2012)

>   'GDP Việt Nam năm nay chỉ khoảng 5,1%' (18/08/2012)

>   Lãi suất thấp tiếp thêm sức cho đầu tư công tại VN (17/08/2012)

>   Hà Nội “xin” Trung ương hàng nghìn tỷ làm dự án (17/08/2012)

>   Lương tối thiểu dự kiến tăng 35% (16/08/2012)

>   Chỉ thị cải thiện môi trường đầu tư đã thực hiện đến đâu? (16/08/2012)

>   Nợ công: Rủi ro không nằm ở các con số báo cáo (16/08/2012)

>   Chuyên gia ANZ: Có dấu hiệu nới lỏng tiền tệ, tài khóa (16/08/2012)

>   Một năm nhiệm kỳ Thống đốc: "Hãy tin tôi"? (16/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật