Thứ Hai, 06/08/2012 08:38

Lạ kỳ: Thua lỗ vẫn đua nhau mở siêu thị

Mặc dù kinh doanh hết sức khó khăn, nhiều siêu thị điện máy đã phải đóng cửa, phá sản, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục mở rộng chuỗi siêu thị điện máy mới vì cho rằng đây là cơ hội có một không hai.

Thê thảm về sức mua

Nhận định về thị trường điện máy trong 6 tháng đầu năm 2012, ông Nghiêm Xuân Thắng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh, cho biết, sức mua trên thị trường điện máy đã sụt giảm từ giữa năm 2011; đến hai quý đầu năm nay, sức mua giảm mạnh ở tất cả các ngành. Trong khi đó, điện máy, máy tính, điện thoại lại là những mặt hàng xa xỉ đối với người tiêu dùng thời buổi khó khăn. Do vậy, doanh thu của các doanh nghiệp bán lẻ điện máy càng thê thảm. Có thể nói đây thực sự là thời điểm khó khăn cho tất cả các doanh nghiệp bán lẻ điện máy.

Tại Trần Anh, nửa đầu năm nay, doanh thu của siêu thị này chỉ tăng hơn 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế hết quý II/2012 bằng 67% so với cùng kỳ 2011. Mức tăng trưởng doanh thu trên được cho là rất thấp, mặc dù đầu năm nay Trần Anh đã mở thêm một siêu thị điện máy tại Long Biên, Hà Nội. Lợi nhuận trước thuế cũng giảm sút do sự gia tăng chi phí bán hàng khi mở thêm địa điểm kinh doanh mới.

Hàng loạt các doanh nghiệp bán lẻ trong lĩnh vực điện máy khác như Pico, Media Mart, Top Care, Việt Long, Nguyễn Kim, Best Carings... đều gặp phải khó khăn do tiêu thụ giảm sút. Trong đó không ít các siêu thị đang thua lỗ và hàng tồn kho chất đống, phải đóng cửa hàng.

Trao đổi với PV, không doanh nghiệp điện máy nào không lắc đầu ngao ngán khi thừa nhận chưa bao giờ có tình trạng bi đát như vậy. Nhu cầu về hàng điện máy hiện giảm từ 50- 70% so với cuối năm 2011. Doanh thu các mặt hàng điện máy của nhiều siêu thị tại Hà Nội chỉ ở mức 100 triệu đồng/ngày, trong khi trước kia không ít siêu thị có doanh thu tới cả chục tỷ đồng/tuần.

Theo tính toán, chi phí từ khâu nhập hàng đến phân phối, bán lẻ, các mặt hàng điện máy hiện nay cần phải tăng giá từ 15-20% doanh nghiệp mới trang trải đủ chi phí. Song ngược lại, trong tình cảnh hiện nay, các siêu thị đã phải liên tiếp tung chiêu khuyến mãi khủng, giảm giá tới 50% mà vẫn không có khách hàng.

Sức mua giảm sút nhưng chi phí đầu vào tăng cao, hàng hóa tồn đọng "khủng" là áp lực rất lớn mà các doanh nghiệp điện máy đang phải đối mặt. Hậu quả, đã có hàng loạt các siêu thị điện máy từ Nam ra Bắc đã phải ngừng hoạt động, đóng cửa hàng trong thời gian qua. Đầu năm 2012, siêu thị điện máy của Best Carings tại Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM đóng cửa. Media Mart đã phải dừng hoạt động điểm bán hàng ở đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Tại Pico Mall (229 Tây Sơn, Hà Nội) nhiều gian hàng vẫn bỏ trống. Ngoài ra, nhiều trung tâm điện máy, điện tử nhỏ khác ở Hà Nội, Cần Thơ... cũng đang ngắc ngoải.

Vẫn đua mở mới siêu thị

Thừa nhận kinh doanh khó khăn, ít nhất phải đến cuối năm 2013 thị trường mới có hy vọng khởi sắc, nhưng không ít doanh nghiệp điện máy vẫn tiếp tục mở thêm các siêu thị, trung tâm thương mại trong thời gian này.

Từ đầu năm nay, riêng ở Hà Nội, Media Mart đã khai trương siêu thị thứ 5 tại số 3 đường Nguyễn Văn Linh, với tổng diện tích sàn kinh doanh lên đến 10.300 m2. Bán lẻ Top Care mới đây cũng chính thức khai trương siêu thị điện máy thứ 3 tại Mê Linh Plaza (Hà Đông) và LG Brand Shop tại 23 Láng Hạ.

Trong tháng 8 này, Trần Anh tiếp tục khai trương siêu thị điện máy tại Đại Cồ Việt, với diện tích 2.500m2. Tới cuối năm, công ty này còn mở thêm 1 siêu thị điện máy nữa tại quận Thanh Xuân.

Pico cũng không chịu lép vế khi mở rộng thị trường tại TP.HCM với trung tâm thương mại rộng 55.000 m2, trong đó có siêu thị điện máy trên đường Cộng Hòa, tuyến đường trung tâm nhất của quận Tân Bình. Nguyễn Kim cũng cho biết, theo kế hoạch sẽ khai trương 2 siêu thị điện máy, một tại Hà Nội và một ở Hải Phòng vào cuối năm nay.

Rõ ràng, bất chấp kinh doanh gặp khó, số siêu thị đóng cửa không ngừng tăng nhưng các siêu thị điện máy mới vẫn liên tiếp khai trương.

Theo ông Ngô Thành Đạt, Giám đốc Marketing công ty Trần Anh, trong cái khó cũng có nhiều cơ hội. Cụ thể, với điều kiện hiện nay, việc tìm kiếm địa điểm bán hàng dễ dàng hơn rất nhiều. Chi phí thuê mặt bằng cũng thấp hơn trước, ở mức dưới 20 USD/m2/tháng, trong khi trước đó phải 30 USD. Việc thuê nhân viên cũng thuận lợi hơn, lại được các nhà sản xuất hỗ trợ rất nhiều.

Chẳng hạn, việc công ty này thuê được mặt bằng kinh doanh tại Đại Cồ Việt là một thuận lợi lớn mà trước kia khó có thể làm được. Đây là vị trí đắc địa trong khu vực nội đô, tiếp giáp với các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Đống Đa... dân cư đông đúc, tập trung nhiều trường đại học nhưng lại chưa có siêu thị điện máy lớn nào được mở tại khu vực này. Không những thế toàn bộ phần nội thất siêu thị được các nhà sản xuất như Samsung, LG, Sony, Panasonic... hỗ trợ toàn bộ, nên chi phí giảm nhiều.

Ông Ngô Việt Dũng, Phó tổng giám đốc Hệ thống siêu thị điện máy Topcare, nhận xét, phía tây Hà Nội là khu vực đang phát triển mạnh mẽ, với nhiều dự án xây dựng lớn, dân cư đông đúc, rất nhiều tiềm năng nhưng lại chưa được khai thác một cách hiệu quả. Việc Topcare mở siêu thị thứ 3 ở Mê Linh Plaza Hà Đông không nằm ngoài mục đích "đón đầu" những điều kiện thuận lợi này. Thậm chí, thời gian tới, đơn vị này còn nâng các điểm bán hàng lên con số 10, chứ không chỉ là 3 hay 4 như hiện nay.

Còn theo ông Nghiêm Xuân Thắng, thì thực tế, sức mua trên thị trường điện máy đã sụt giảm, tuy nhiên, không nên nhìn vào bức tranh ảm đạm như vậy để sợ hãi. Trong khó khăn vẫn có điểm sáng. Việc mở rộng quy mô với giá cả đầu vào, chi phí đầu tư giảm, cũng chính là một cơ hội rất tốt.

Vấn đề quan trọng, theo các doanh nghiệp là cần phải có cách làm khoa học. Chẳng hạn như tìm mặt bằng phải quan tâm đến sự thuận tiện của giao thông, mật độ dân cư, thu nhập của dân cư khu vực mở bán cũng như tính toán được doanh số cho từng mét vuông mặt bằng đi thuê, quản lý tồn kho tốt, vòng quay tốt, tiết kiệm được chi phí mặt bằng... thì hoàn toàn có thể đứng vững và phát triển.

Trần Thuỷ

diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   “Phác đồ” điều trị cho doanh nghiệp thủy sản (06/08/2012)

>   Đấu thầu qua mạng: Nghẽn từ hạ tầng mạng (06/08/2012)

>   Vinacomin đang tồn kho trên 10,2 triệu tấn than (05/08/2012)

>   Tìm “con đường sống còn” cho ngành titan trong nước (05/08/2012)

>   Bán 1 triệu tấn titan thu 4.000 tỷ đồng (04/08/2012)

>   Tham ô tại công ty con Vinashin: Giám đốc lập hóa đơn khống chi tiêu riêng (04/08/2012)

>   Suy thoái vẫn đua làm bánh trung thu bạc triệu (04/08/2012)

>   Bị "treo" nợ trên 2.000 tỷ đồng, Vinacomin dọa cắt cung (03/08/2012)

>   Nghịch lý chính sách nhìn từ việc tăng giá (03/08/2012)

>   Sản lượng hàng cơ khí, điện, điện tử giảm mạnh (03/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật