Thứ Sáu, 03/08/2012 21:56

Nghịch lý chính sách nhìn từ việc tăng giá

Từ đầu năm đến nay tình hình sản xuất gặp khó khăn rất lớn ở cả đầu ra và đầu vào. Đối với đầu vào, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rất khó tiếp cận vốn, những doanh nghiệp tiếp cận được vốn thì khó với lãi suất cao chóng mặt, dù gần đây lãi suất có về mức 15% thì cũng là quá cao đối với một doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc.

Một nền kinh tế tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn thì việc không tiếp cận được vốn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của nền kinh tế. Đối với đầu ra, sản phẩm tồn kho tăng cao, sức mua của người dân giảm sút. Xuất khẩu thì chủ yếu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, mà xuất khẩu của khu vực này thực chất không có nhiều ý nghĩa đối với nền kinh tế trong nước do thường là xuất khẩu tài nguyên, sức lao động. Bởi, hầu hết các doanh nghiệp loại này làm gia công hoặc hàm lượng nhập khẩu (nguyên vật liệu) trong xuất khẩu rất cao khiến giá trị gia tăng thấp. Đầu vào và đầu ra ảm đạm khiến động cơ sản xuất của các doanh nghiệp suy giảm hoặc phá sản. Khi doanh nghiệp như vậy thì thu nhập chung của người lao động – người dân suy giảm là điều tất yếu.

Tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam (bảng dưới) cho thấy rằng đòi hỏi về sản lượng khi tăng lên một đơn vị của sử dụng cuối cùng trong giai đoạn 2006 – 2010 cao hơn rất nhiều so với giai đoạn 2000 – 2005. Chẳng hạn, giai đoạn trước, khi tăng lên 1 đơn vị tiêu dùng cuối cùng thì đòi hỏi về sản lượng là 1,49 trong khi giai đoạn hiện nay, nó tăng lên 1,8 lần (tăng 22%). Bình quân chung, đòi hỏi về sản lượng khi tăng một đơn vị sử dụng cuối cùng trong giai đoạn hiện nay cao hơn giai đoạn trước xấp xỉ 14%. Từ kết quả này có thể nhận xét:

– Nếu sản xuất trong nước là vững chắc và hiệu quả thì sự thay đổi về cầu sẽ có độ nhạy và lan toả đến sản xuất rất tốt trong giai đoạn 2006 – 2010, thậm chí có thể là bước ngoặt về tăng trưởng vượt bậc.

– Nhưng nếu nền sản xuất yếu kém và không hiệu quả thì với độ nhạy cao như vậy sẽ chỉ dẫn đến tăng giá mà thôi.

– Khi phía cầu suy giảm sẽ kéo theo sự suy trầm mạnh mẽ ở phía cung.

– Phía cung suy trầm sẽ dẫn đến thu nhập giảm sút và tiêu dùng lại càng giảm và đời sống của người dân càng lúc càng khó khăn hơn.

Với thu nhập giảm sút, đời sống của người dân ngày càng khó khăn thì mới đây (chiều 1.8), chỉ chưa đầy 12 ngày sau đợt tăng giá 400 đồng/lít, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại đồng loạt tăng giá 500 – 900 đồng/ lít tuỳ loại. Cùng ngày, giá gas cũng tăng 52.000 đồng/bình 12kg. Giá các dịch vụ khác như viện phí và học phí cũng đang tăng theo lộ trình. Trước đó, (1.7), giá điện tăng 5%.

Điện, xăng, gas đều là những mặt hàng thiết yếu không thể không dùng. Không một ai trong cuộc đời mà lại không cần đến dịch vụ y tế. Không một gia đình nào mà không có con cái đi học! Điều kỳ lạ là việc tăng giá lại toàn rơi vào những mặt hàng, dịch vụ mang tính độc quyền Nhà nước hoặc còn do Nhà nước quản lý giá; nghĩa là Nhà nước có quyền tăng hoặc giảm tuỳ thuộc vào chính sách “an sinh xã hội” của mình. Trong khi chủ trương của Chính phủ đưa ra hiện nay là an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô thì việc tăng giá cùng lúc nhiều mặt hàng giữa lúc sức mua toàn xã hội đang giảm sút nghiêm trọng là điều thật khó hiểu. Người dân cũng thấy bất ngờ vì những loại hàng hoá mang tính thị trường thực sự thì chỉ số giá lại có xu hướng giảm.

Từ số liệu về chỉ số giá nhập khẩu và chỉ số giá tiêu dùng (CPI), có thể nhận thấy CPI giảm chính là do nhập khẩu. Như vậy, khi giá thế giới tăng trở lại cộng với việc tăng giá xăng dầu liên tục rất có thể lạm phát sẽ tăng lên bất cứ lúc nào.

Một câu hỏi mà người dân đặt ra là phải chăng hệ thống ngân hàng thương mại và các ngành kinh doanh có tính độc quyền, để tăng lợi nhuận của mình, đã đẩy khó khăn về phía người dân vốn đã rất khó khăn? Và khi những mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, gas, dịch vụ y tế, giáo dục tăng lên, người tiêu dùng sẽ phải tiết giảm chi tiêu các hàng hoá mang tính thị trường khác, điều này sẽ ảnh hưởng ngược đến sản xuất.

Một vòng xoáy theo kiểu xoắn ốc lại bắt đầu và đương nhiên, vòng sau sẽ nhỏ hơn vòng trước, tức là dư địa của tăng trưởng ngày càng nhỏ đi.

Đành rằng chủ trương chung của Nhà nước là hướng giá cả hàng hoá, dịch vụ theo cơ chế thị trường nhưng đây là việc có lộ trình và cần phải song hành với lộ trình cạnh tranh hoá thị trường (mà đến nay chưa đâu tới đâu). Lộ trình nào thì cũng do Nhà nước đặt ra, nên việc điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, mục tiêu an sinh xã hội và ổn định vĩ mô vào từng thời điểm là việc nằm trong tầm tay của Nhà nước.

Bùi Trinh

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Sản lượng hàng cơ khí, điện, điện tử giảm mạnh (03/08/2012)

>   Nguồn cung dồi dào nhưng sức mua hàng vẫn chậm (03/08/2012)

>   "Hiến kế" gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (03/08/2012)

>   Than tồn kho nhiều, tiêu thụ khó (03/08/2012)

>   Nhật có thể mua 49% cổ phần nhiều dự án dầu khí VN (03/08/2012)

>   Bí ẩn hạn ngạch nhập khẩu đường (03/08/2012)

>   Tái cơ cấu doanh nghiệp, phải thay CEO (03/08/2012)

>   Tập đoàn Sông Đà thiếu năng lực tài chính làm nhiệt điện (03/08/2012)

>   Nhượng quyền thức ăn nhanh: Sẵn sàng cho trận đại chiến mới (03/08/2012)

>   Ông Lê Đăng Doanh: Tập trung giải cứu DN bị “chết oan” (03/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật