Bí ẩn hạn ngạch nhập khẩu đường
Dư luận sẽ chưa hết băn khoăn về việc cấp hạn ngạch nhập khẩu đường, khi danh sách doanh nghiệp được cấp hạn ngạch, như những năm trước, vẫn nằm trong vòng bí mật.
Cuộc khẩu chiến giữa doanh nghiệp ngành thực phẩm và doanh nghiệp mía đường vừa qua, dù bất phân thắng bại, song được coi là đã “mở đường” dư luận cho Bộ Công thương cấp hạn ngạch nhập khẩu 70.000 tấn đường. Đề nghị về việc cấp hạn ngạnh nhập khẩu này vừa được Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất kiến nghị Chính phủ.
Theo lý giải của Bộ Công thương, tính đến ngày 15/7/2012, tồn kho tại các nhà máy đường là 240.000 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 54.000 tấn. Do đó, nếu không nhập khẩu, có khả năng thiếu đường, nhất là đường tinh luyện chất lượng cao (đường RE) vào tháng 9 và tháng 10, là những tháng giáp vụ mới.
Chuyện thiếu đường, buộc phải nhập khẩu là đương nhiên. Vấn đề đặt ra ở đây là việc áp dụng cơ chế xin - cho trong cấp hạn ngạch nhập khẩu đường. Cho đến nay, danh sách những đơn vị cấp hạn ngạch nhập khẩu đường vẫn nằm trong vòng bí mật.
Ông Đỗ Thành Liêm, Giám đốc Công ty Đường Khánh Hòa, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng: “Bộ Công thương không công bố doanh nghiệp nào được cấp hạn ngạch, nên thực tế không biết được doanh nghiệp nào nhập khẩu và sau khi nhập sẽ bán ra để bình ổn thị trường hay tạm nhập, tái xuất để kiếm lợi”.
Thực tế, đã có tình trạng doanh nghiệp xin cấp hạn ngạch nhập khẩu đường rất nhiều trong khi nhu cầu sử dụng rất ít. Ví dụ, năm 2011, Bộ Công thương đã thu hồi giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan 850 tấn đường thô, đường tinh luyện của Công ty cổ phần Thực phẩm quốc tế và Công ty liên doanh Orana Việt Nam.
Theo tính toán của một lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chênh lệch tiền thuế của 70.000 tấn đường nhập khẩu trong hạn ngạch (có mức thuế nhập khẩu chỉ 15%) với đường nhập khẩu ngoài hạn ngạch (thuế nhập khẩu 80-100%) lên tới vài chục tỷ đồng. Đây là lý do khiến các doanh nghiệp thực phẩm năm nào cũng tranh nhau xin được cấp hạn ngạch nhập khẩu đường.
Để tránh những khuất tất trong cấp hạn ngạch nhập khẩu đường, đồng thời tránh tái diễn tình trạng khẩu chiến giữa doanh nghiệp mía đường và doanh nghiệp thực phẩm, ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã kiến nghị Bộ Công thương áp dụng cơ chế đấu thầu đường nhập khẩu từ năm tới. Thay vì cấp hạn ngạch cho các doanh nghiệp, Bộ sẽ tổ chức đấu thầu các lô đường Chính phủ nhập về dựa trên cân đối cung cầu cả nước. Doanh nghiệp bỏ thầu cao nhất sẽ trúng thầu.
Nhiều doanh nghiệp mía đường cho hay, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã vài lần đề xuất ý tưởng trên với Bộ Công thương, song đều nhận được câu trả lời là: “Điều kiện của Việt Nam chưa thích hợp”. Tuy nhiên, ông Đỗ Thanh Liêm cho rằng, cơ chế đấu thầu này đã được Philippines thực hiện từ lâu, vừa công khai, minh bạch, vừa đáp ứng nhu cầu đường của doanh nghiệp. “Cách làm như Philippines cũng rất đơn giản, hoàn toàn có thể áp dụng được ở Việt Nam”, ông Liêm nói.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cũng hoàn toàn ủng hộ đề xuất trên và cho rằng, việc ban hành một cơ chế nhập khẩu minh bạch, rõ ràng cho doanh nghiệp là rất cần thiết.
Không chỉ chê cơ chế quản lý nhập khẩu đường bằng hạn ngạch là quá lạc hậu, các doanh nghiệp mía đường còn cho rằng, Bộ Công thương cũng phải đưa ra cơ chế minh bạch và linh hoạt hơn trong xuất khẩu đường, tránh tình trạng thừa đường - không cho xuất khẩu, thiếu đường - chậm cho nhập khẩu.
Hà Tâm
đầu tư
|