“Phác đồ” điều trị cho doanh nghiệp thủy sản
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và XK thủy sản VN (VASEP) trao đổi với DĐDN xung quanh đề án "Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các DN" của Bộ Công Thương.
- Nhiều chuyên gia cho rằng, Đề án mới đi vào những khó khăn của DN lớn mà chưa nói nhiều tới các DN nhỏ, ông nghĩ sao về điều này ?
Trong lúc khó khăn như hiện nay, DN nào cũng đều khó khăn hết. Về cơ bản, đề án đã đi vào đúng trọng tâm mà cộng đồng DN đang cần giúp đỡ. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là đề án và đang lấy ý kiến từ các DN nên sẽ cần phải hoàn chỉnh, bố sung và đưa ra những chương trình cụ thể. Thị trường thay đổi thường xuyên, nên đề án cũng cần phải cập nhật thường xuyên tình hình của DN để có những “phác đồ” điều trị cho chuẩn bệnh. Tình hình đang rất cấp bách, nếu triển khai sớm, nhanh sẽ giúp hoạt động của DN đi vào ổn định.
- Nhiều DN cho biết, việc tiếp cận vốn đang rất khó khăn, đặc biệt là vốn vay dài hạn để phát triển sản xuất kinh doanh. Xin ông cho biết, vấn đề này ở các DN thuỷ sản như thế nào ?
Hiện các DN thuỷ sản phần lớn là tiếp cận vốn vay ngắn hạn, chưa tiếp cận vốn vay dài hạn, các DN cũng đang phải thuyết phục các ngân hàng bằng các dự án cụ thể để có thể tiếp cận được nguồn vốn. Tôi cho rằng, tình hình hiện nay là khó khăn chung chứ không phải bên nào làm khó dễ cho bên nào, mặc dù vậy cũng phải thừa nhận còn nhiều DN chưa tiếp cận được vốn.
Theo tôi, hiện nay, mỗi DN, lĩnh vực... lại có những khó khăn riêng do vậy cần có sự đồng thuận giữa ngân hàng và DN thì mới giải quyết được vấn đề. Việc ngân hàng bắt buộc mọi DN phải có thế chấp đang thực sự gây khó cho DN.
- Cụ thể, các DN thuỷ sản kiến nghị gì với Bộ Công Thương nhằm tháo gỡ khó khăn hiện nay?
Để tháo gỡ khó khăn cho XK thủy sản, nhất là XK tôm, Bộ Công Thương cần kiến nghị với các cơ quan chức năng Nhật Bản tăng hàm lượng chất Ethoxyquin trong tôm như quy định của EU và Hoa Kỳ, cũng như sẵn sàng hỗ trợ DN XK tôm kiện ra WTO để thay đổi quy định hàng rào kỹ thuật này.
Đối với việc XK cá tra, hiện cung cầu đang mất cân đối và thị trường bị thu hẹp, bất ổn do có quá nhiều DN (khoảng 150 đơn vị) tham gia XK, Bộ Công Thương cần sớm ban hành quy định việc XK cá tra có điều kiện nhằm giảm số lượng đầu mối xuất khẩu quá nhiều mà tạo ra cạnh tranh không cần thiết.
Hiện nay, với tình hình khủng hoảng kinh tế chung, các nước xuất khẩu tôm trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đã tích cực XK vào các thị trường giống với VN. Với lợi thế về giá thành thấp hơn, hiện DN của các nước này đang chào giá thấp hơn. Điều này sẽ gây không ít trở ngại cho VN. Vì vậy, nhà nước nên có những chính sách khuyến khích đầu tư cho hoạt động nuôi, thâm canh cũng như nuôi khép kín dây chuyền từ sản xuất con giống, thức ăn, nuôi, sản xuất và tiêu thụ nhằm góp phần làm giá thành tôm tốt hơn. Đồng thời cần thiết xem xét xây dựng và phát triển chợ tôm ở Đồng bằng Sông Cửu Long để giảm bớt trung gian, quản lý chất lượng...
- Xin cảm ơn ông !
Quốc Anh
Diễn đàn DN
|