Thứ Hai, 06/08/2012 06:24

Đấu thầu qua mạng: Nghẽn từ hạ tầng mạng

Hình thức đấu thầu qua mạng đã rất phổ biến và trở thành hình thức đấu thầu chủ yếu của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, qua đợt thí điểm đấu thầu qua mạng 200 gói thầu của Bộ KH-ĐT từ năm 2009 đến nay đã cho thấy, triển khai hình thức đấu thầu này tại VN không đơn giản. Ông Lê Văn Tăng – Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT) trao đổi cùng DĐDN xung quanh vấn đề này.

Theo ông Tăng, về cơ bản, hệ thống đấu thầu qua mạng đã đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật để tiếp nhận việc thực hiện đăng tải thông tin kế hoạch đấu thầu (gần 800), thông báo mời thầu (hơn 20.000) với sự tham gia đăng ký của hơn 1100 bên mời thầu và hơn 400 nhà thầu.

- Tuy nhiên, nhiều gói thầu được tổ chức thực hiện theo hình thức đấu thầu qua mạng có số lượng nhà thầu tham gia chưa được nhiều như mong muốn, rào cản ở đây là gì, thưa ông?

Trước tiên, do thiếu sự phối hợp của chủ đầu tư, bên mời thầu trong việc cung cấp danh sách các nhà thầu thường tham gia các gói thầu của đơn vị đó và sự phối hợp với Bộ KH-ĐT để đào tạo các nhà thầu này chưa cao, dẫn đến tình trạng nhiều gói thầu được tổ chức thực hiện theo hình thức đấu thầu qua mạng có số lượng nhà thầu tham gia chưa được nhiều như mong muốn.

Phải nói rằng, ưu điểm vượt trội của hình thức đấu thầu qua mạng là tính công khai, minh bạch. Tuy nhiên, điều này cũng khiến không ít chủ đầu tư và cả nhà thầu phải e ngại. Khi mọi việc trở nên công khai minh bạch thì không còn chỗ cho sự ưu tiên, ưu đãi cá biệt nào. Những nơi có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân sẽ bị lung lay và chắc chắn họ sẽ tạo lực cản cho việc triển khai.

Rào cản lớn nhất hiện nay là hạ tầng mạng còn chưa đáp ứng được đầy đủ các điều kiện để đấu thầu qua mạng. Việc thí điểm đấu thầu qua mạng thời gian qua đã chỉ ra, nhiều gói thầu lớn chứa đựng nhiều bản vẽ, tài liệu gặp rất nhiều khó khăn khi gửi qua mạng. Cùng với đó, mỗi gói thầu thường có nhiều nhà thầu tham gia nên rất dễ nghẽn mạng. Đây cũng là lý do để nhiều chủ đầu tư vin vào, không tổ chức đấu thầu qua mạng.

- Được biết, Bộ KH-ĐT đang triển khai một dự án hợp tác công tư PPP đấu thầu qua mạng về phát triển hạ tầng mạng phục vụ đấu thầu, thưa ông?

Ban đầu đã có phương án đầu tư 200 tỉ đồng từ vốn ngân sách cho dự án phát triển hạ tầng mạng phục vụ đấu thầu. Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT đã đề nghị phương án xã hội hóa. Bộ sẽ tổ chức đấu thầu lựa chon nhà đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống hạ tầng mạng này. Nhà thầu sẽ quản lý vận hành và thu phí để bù đắp chi phí mà không cần vốn ngân sách phải bỏ ra. Dự kiến trong năm 2013 - 2014 hệ thống hạ tầng trên sẽ đi vào vận hành.

Bộ đã lựa chọn được một nhà thầu tư vấn nước ngoài viết dự án khả thi đấu thầu qua mạng. Khi dự án được viết xong sẽ tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư.

- Kể cả khi dự án trên thành công, thì với những rào cản như ông vừa nói ở trên, một, hai năm tới, chủ đầu tư và nhà thầu có lẽ vẫn khó sẵn sàng cho hoạt động đấu thầu qua mạng ?

Tính đến thời điểm này đã có khoảng trên 3.500 DN và hàng ngàn chủ đầu tư đăng ký chữ ký số cũng như chế độ bảo mật email để đáp ứng yêu cầu đấu thầu qua mạng. Tuy nhiên, có một nghịch lý đang diễn ra là số lượng nhà thầu đăng ký chữ ký số hiện còn thấp hơn cả chủ đầu tư.

Các DN cần phải xác định đây là một xu thế tất yếu. Đấu thầu qua mạng sẽ giúp các DN có cơ hội cạnh tranh hoàn toàn bình đẳng. Họ có thể đấu thầu ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào. Việc đấu thầu qua mạng cũng hết sức đơn giản, hầu như tự động hướng dẫn và hoàn thiện hồ sơ.

Các DN muốn tham gia thị trường đều phải nhanh chóng hoàn thiện mình.

- Việc chỉ định thầu vẫn đang chiếm ưu thế trong nhiều năm qua cũng khiến DN không kỳ vọng vào hình thức đấu thầu qua mạng, thưa ông ?

Năm 2008 – 2009, kinh tế thế giới rơi vào khùng hoảng. Chính phủ đã phải tung ra gói kích cầu 8 tỉ USD. Để đẩy nhanh tiến độ của gói kích thích kinh tế này, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 229 đầu năm 2009. Qua đó, rất nhiều dự án được phép chỉ định thầu. Tuy nhiên, chỉ sau khi triển khai gói kích thích kinh tế khoảng 1 năm thì nền kinh tế lại rơi vào lạm phát. Chính phủ lại phải ban hành Nghị quyết 11 để hạn chế đầu tư công, kiềm chế lạm pháp. Tính đến thời điểm này, công văn số 229 đã không còn hiệu lực nhưng dư âm của nó thì vẫn còn khá rõ nét.

Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ hạn chế tối đa hình thức chỉ định thầu. Thậm chí cả cấp Thủ tướng Chính phủ cũng không chỉ định thầu. Dự thảo luật giao toàn quyền cho chủ đầu tư tổ chức đấu thầu.

- Theo ông, cần phải làm gì để nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của hoạt động đấu thầu qua mạng ?

Dự thảo Luật sửa đổi cũng dành một chương cho đấu thầu tập chung. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia đi trước cho thấy, để nâng cao tính chuyên nghiệp thì nên xây dựng những trung tâm đấu thầu (các quốc gia khác thường gọi là đại lý đấu thầu). Thông qua các trung tâm này việc quản lý hoạt động đấu thầu cũng thuận lợi hơn rất nhiều.

Không chỉ chuyên nghiệp hóa hoạt động đấu thầu, các trung tâm đấu thầu có thể tập trung một lúc nhiều gói hàng, gói thầu cùng trủng loại để đấu thầu. Ví dụ mỗi đơn vị đấu thầu mua sắn 2 - 3 chiếc xe ôtô. Khi có nhiều đơn vị cùng đặt mua, trung tâm đấu thầu có thể tổ chức một lần vài trăm xe ôtô. Như vậy, chi phí đấu thầu, chi phí mua sắn sẽ được giảm xuống.

- Xin cảm ơn ông !

Ông Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam:

Tạo khung pháp lý cho hoạt động đấu thầu qua mạng

Các quy định về đấu thầu hiện hành cần được sửa đổi theo hướng tạo khung pháp lý cho hoạt động đấu thầu qua mạng nhằm giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí, đồng thời tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh trong đấu thầu, góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Nhà nước.

Ông Phạm Trong Vân - GĐ Cty CP Xây dựng An Bình:

Tạo sự tin tưởng đối với các nhà thầu quốc tế

Việc đưa quy định về đấu thầu qua mạng vào trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) là dấu hiệu tích cực để các nhà tài trợ, cộng đồng quốc tế và các bên tham gia hoạt động đấu thầu đánh giá cao tính minh bạch, công khai trong chi tiêu công của VN, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của VN đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

Ông Ninh Viết Định - Trưởng ban Quản lý đấu thầu Tập đoàn Điện lực VN:

Cần hạn chế chỉ định thầu

Đấu thầu qua mạng là một xu thế phát triển chung. Ở đó các DN được bình đẳng cạnh tranh, các dự án đấu thầu thành công cũng có chất lượng và hiệu quả cao. Chính vì vậy, ngoài những dự án buộc phải đấu thầu được quy định trong luật, nên có quy định hướng dẫn các lĩnh vực đầu tư khác có thể đấu thầu.

Ngoài ra, việc lạm dụng các điều khoản chưa rõ ràng trong luật để áp dụng hình thức chỉ định thầu đã làm vô hiệu hóa các quy định về cạnh tranh, kiểm soát sự độc lập của nhà thầu nước ngoài.


Bá Tú thực hiện

Diễn đàn DN

Các tin tức khác

>   Vinacomin đang tồn kho trên 10,2 triệu tấn than (05/08/2012)

>   Tìm “con đường sống còn” cho ngành titan trong nước (05/08/2012)

>   Bán 1 triệu tấn titan thu 4.000 tỷ đồng (04/08/2012)

>   Tham ô tại công ty con Vinashin: Giám đốc lập hóa đơn khống chi tiêu riêng (04/08/2012)

>   Suy thoái vẫn đua làm bánh trung thu bạc triệu (04/08/2012)

>   Bị "treo" nợ trên 2.000 tỷ đồng, Vinacomin dọa cắt cung (03/08/2012)

>   Nghịch lý chính sách nhìn từ việc tăng giá (03/08/2012)

>   Sản lượng hàng cơ khí, điện, điện tử giảm mạnh (03/08/2012)

>   Nguồn cung dồi dào nhưng sức mua hàng vẫn chậm (03/08/2012)

>   "Hiến kế" gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (03/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật