Chủ Nhật, 19/08/2012 10:12

Hưởng 6% lãi suất: Ngân hàng vẫn than khó?

Lãi suất huy động hiện 9%, trong khi lãi suất định hướng cho vay ngắn hạn là 15%. Như vậy, ngân hàng đang xơi trọn 6% lãi suất.

Trước thực tế này, nhiều ngân hàng đã ra sức giải thích, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay hiện mức 6% nhưng tính ra ngân hàng chỉ thu được lợi nhuận chênh lệch 2-3%. Tuy nhiên, điều này không ngăn nổi bức xúc khi dù kinh tế đang khó khăn, DN phá sản nhiều nhưng ngân hàng vẫn báo lãi ngàn tỷ.

Tại một buổi trao đổi gần đây, chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu - Ngân hàng An Bình, tính toán, trong 6% nhận về, ngân hàng phải có dự trữ bắt buộc với các khoản tiền gửi và dự phòng thanh khoản. Trong 100 đồng tiền khách hàng gửi vào, ngân hàng phải giữ 1 đồng trong tủ sắt, trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu 0,75%. Các phần chi phí khác bao gồm trả cho bảo hiểm tiền gửi và phát sinh khoảng 2-2,5%, tính tổng là 3-3,5%.

"Như vậy, lãi thực tế của ngân hàng chỉ khoảng 2,5-3%", ông Hiếu phân tích.

Thậm chí, theo ông Hiếu, với 1 khoản nợ xấu 100% mất vốn, ngân hàng cần phải có 50 cái vay mới tương đương để bù trừ thiệt hại. Như vậy những món nợ mới đang phải chịu gánh nặng của nợ cũ và nhiều ngân hàng rất khó khăn. Và sẽ không ngạc nhiên nếu có ngân hàng báo lỗ từ nay đến cuối năm và đưa ra dự đoán, ngành tài chính, ngân hàng cuối năm sẽ thất thu lớn.

Đối với chính sách đưa lãi suất cho vay các khoản cũ về 15%/năm, ông Hiếu cho rằng không nên duy trì quá lâu. Bởi một doanh nghiệp ngay cả khi kinh doanh tốt, biên độ lợi nhuận ít nhất phải 30% mới có thể trả nợ ngân hàng. Số 30% này có thể dùng 15% để trả ngân hàng, 15% còn lại để trả cổ tức, thuế, số giữ lại 5-10%.

"Tôi cho rằng số doanh nghiệp có lợi nhuận 30% là rất ít. Do đó giải pháp đưa lãi vay về 15% cũng có tác dụng nhưng dường như không lớn", ông Hiếu nêu quan điểm.

Vì vậy, chuyên gia này kiến nghị, cơ quan quản lý nên thả nổi lãi suất theo thị trường bởi một khi được thả nổi, lãi suất cho vay buộc phải đi xuống do các ngân hàng cạnh tranh với nhau. Khi đó, lãi suất tiền gửi cũng phải hạ xuống bởi không ngân hàng nào dám cho vay thấp mà lại huy động cao. "Trần lãi suất hiện nay tạo tâm lý cho cả người vay và người gửi. Tâm lý người gửi tìm chỗ cao khiến ngân hàng đua nhau vượt rào, còn người đi vay luôn đi tìm lãi suất thấp hơn", ông Hiếu cho biết.

Chuyên gia tài chính TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, đây là thời điểm NHNN nên cho lãi suất theo thị trường, nếu kéo dài quá lâu sẽ làm thị trường méo mó. NHNN đang quá "cô độc" trong việc đưa ra các giải pháp cứu DN, trong khi thực tế đòi hỏi nhiều hơn thế. "Vì sao chỉ mỗi NHNN đơn độc trong câu chuyện tháo gỡ khó khăn cho DN, mà chưa thấy sự vào cuộc quyết liệt nào của các bộ, ngành.

"Mới đây Bộ Công Thương cũng đề xuất hẳn một đề án tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng rốt cuộc khuyến nghị đưa ra vẫn là giảm lãi suất, vẫn là câu chuyện thuộc thẩm quyền của NHNN", ông Ánh băn khoăn.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, các khoản cho vay lãi suất trên 15%/năm chỉ còn chiếm 29% tổng dư nợ, giảm 60% so với trước ngày 15/7. Mặt bằng lãi suất huy động giảm 3-6% và lãi suất cho vay giảm 5-8% so với đầu năm. NHNN quy định trần lãi suất với 4 lĩnh vực ưu tiên là 13%/năm nhưng một số ngân hàng cho vay với lãi suất 10-11%/năm.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, thời gian tới, theo bà Hồng, NHNN sẽ tăng cung tiền cho các ngân hàng thương mại có khả năng tăng trưởng tín dụng tốt qua kênh tái cấp vốn, thị trường mở... nhằm tạo nguồn cung cấp tín dụng. Tuy nhiên, việc điều hành cung tiền cũng được NHNN kiểm soát theo diễn biến của lạm phát.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trước đây sau khi chỉ số giá tiêu dùng giảm (CPI) tháng 6 và 7 âm thì với sức cầu của nền kinh tế đang yếu, dự báo lạm phát sẽ tiếp tục đi xuống trong vài tháng tới. Thế nhưng với cách điều hành giá các mặt hàn thiết yếu tăng thì có thể CPI sẽ đảo chiều và tăng lại trong tháng 8. "Từ chỗ NHNN có dư địa để giảm lãi suất thêm khoảng 2% thì nay có thể không còn giảm lãi suất được nữa", ông Ánh nói.

Hoàng Lộc

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Đón nới lỏng tiền tệ: NH tung chiêu lạ hút vốn (19/08/2012)

>   NHNN: Hơn 75% các khoản vay cũ đã giảm lãi suất xuống dưới 15% (17/08/2012)

>   Lãi biên là bao nhiêu? (17/08/2012)

>   NHNN: Phải báo cáo tình hình cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến và Ví điện tử trước 31/08 (17/08/2012)

>   Nguồn vốn có lãi suất hợp lý đã tới các DN (17/08/2012)

>   Phó Thống đốc: Tất cả các loại vàng miếng đều được chuyển đổi thành SJC (17/08/2012)

>   Nợ xấu: Để ngân hàng tự xử lý dễ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng (17/08/2012)

>   Đừng mong lãi vay giảm hơn (17/08/2012)

>   Xác định lại khẩu phần tín dụng (17/08/2012)

>   Đẩy gánh nặng sang người vay (16/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật