Đón nới lỏng tiền tệ: NH tung chiêu lạ hút vốn
Áp lực tăng trưởng tín dụng từ giờ cho tới cuối năm lớn, cùng với nỗi lo nợ xấu tăng nhanh đang khiến các ngân hàng bước vào 1 đợt tăng cường huy động vốn hơn nữa, cho dù đến nay không ít đơn vị đang dư tiền.
Chiêu lạ
Ngày 15/8, Ngân hàng ANZ Việt Nam cho biết đã chính thức đưa vào thị trường giải pháp đầu tư sản phẩm đầu tư cấu trúc (structured investments), 1 công cụ đầu tư đặc biệt, không thực sự mới trên thế giới nhưng gần như hoàn toàn mới lạ ở thị trường Việt Nam.
Theo đó, khách hàng có thể hưởng lãi suất lên đến trên 20%/năm tùy theo kỳ vọng, trong khi vẫn được đảm bảo 100% vốn gốc vào ngày đáo hạn. Kỳ hạn và mức đầu tư tối thiểu là từ 1-12 tháng (với ngoại tệ, trừ USD), 12 tháng (với VND) và 200 triệu đồng.
Trên thực tế, đây là 1 sự kết hợp giữa hình thức gửi tiết kiệm truyền thống và sản phẩm phái sinh với lợi nhuận đạt được cao hay thấp tùy thuộc vào độ biến động của các công cụ tài chính (tài sản) gắn kết.
Trên thế giới, tài sản gắn kết (underlying asset) rất đa dạng, từ vàng, ngoại tệ, đồng, chì, thiếc, dầu mỏ cho tới các loại lương thực như chè, cà phê... Với sản phẩm mà ANZ lần đầu tiên đưa ra tại Việt Nam đợt này thì tài sản gắn kết chỉ bao gồm vàng và ngoại tệ (các cặp tiền tệ).
Với 1 tỷ đồng chẳng hạn, nhà đầu tư đem số tiền này tới ngân hàng và đánh cược vào sự biến động giá của 1 loại tài sản, ví dụ như là vàng. Số gốc 1 tỷ đồng sẽ được ngân hàng hoàn trả sau 1 năm (giống như gửi tiết kiệm) còn lợi nhuận phụ thuộc vào biến động giá vàng.
Với 1 số hợp đồng gần đây, ANZ đưa ra biên độ giá vàng cho kỳ vọng lãi suất 20%/năm (thực chất là trên 21% nếu tính theo tỷ giá USD/VND) là 1.570-1.700 USD/ounce. Điều đó có nghĩa là nếu trong cả 250 ngày giao dịch của vàng (tính theo sàn vàng London chốt 3h chiều ngày thường), vàng chốt giá ở trong khoảng nói trên, khách hàng sẽ hưởng trọn mức lãi suất trên 20%/năm. Ngược lại, mỗi một ngày giá vàng chốt ngoài khoảng trên thì lãi bị trừ đi tương ứng. Mức lãi sẽ cao hơn 20% nếu khoảng giá thu hẹp lại. Đây rõ ràng là 1 hình thức để hút vốn trong bối cảnh áp lực tăng trưởng tín dụng từ giờ cho tới cuối năm lớn.
Không chỉ ANZ, hàng loạt các ngân hàng lớn nhỏ gần đây đang âm thầm đẩy mạnh huy động vốn bất chấp tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng đầu năm không đáng kể và tiền thậm chí phải đổ vào trái phiếu Chính phủ. Họ cạnh tranh bằng nhiều cách, nhưng chủ yếu là tăng lãi suất huy động.
Tính từ đầu tháng 8 tới nay, hàng loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động vốn cho kỳ hạn trên 12 tháng. Có thể điểm qua như, Vietcombank áp dụng lãi cho các kỳ hạn 24, 36, 48 và 60 tháng được nâng lên 10%/năm, tăng 0,5% so với trước đó. BIDV đẩy lãi suất lên 12%/năm so với 10% trước đó; VIB tăng lên 11-12%/năm; Agribank lên 11,5-12%/năm...
Đón đầu chính sách nới lỏng
Hiện tượng đẩy lãi suất huy động cho tới thời điểm này không còn là âm thầm nữa, mà là 1 hiện thực rõ ràng. Áp lực tăng trưởng tín dụng từ giờ cho tới cuối năm lớn cùng với nỗi lo nợ xấu tăng nhanh rất có thể là nguyên nhân chính khiến cho các ngân hàng phải phòng bị trước, tránh rơi vào tình trạng bị động.
Xu hướng này dường như cũng nằm trong tầm nhìn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi mà gần đây cơ quan chủ quản lĩnh vực này đã cho phép các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng vượt chỉ tiêu tối đa 17%.
Một ví dụ gần nhất là ngày 13/8, NHNN đã có quyết định số 5037/NHNN - CSTT về việc tăng trưởng tín dụng năm 2012, chấp thuận cho HDBank điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2012. Theo đó, dư nợ tín dụng của HDBank đến ngày 31/12/2012 tối đa là 23.115 tỷ đồng, tương đương 30%. Đây là 1 mức rất cao so với kịch trần 17% mà NHNN áp dụng trước đó.
Trong 1 quyết định gần đây, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã được NHNN chấp thuận việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 lên 30%, tương đương mức dư nợ tín dụng đến cuối năm là 51.000 tỷ đồng.
Trước đó, 2 ngân hàng OceanBank và TienPhong Bank cũng đã được tăng trưởng tín dụng tối đa 27%.
Được biết, cho tới giữa tháng 8 đã có khoảng gần 25 tổ chức tín dụng đề nghị mức tăng trưởng tín dụng vượt chỉ tiêu. Trong đó, NHNN đã cho phép 10 tổ chức có tình hình tài chính lành mạnh, đã có tăng trưởng tín dụng đạt trên 50% chỉ tiêu thông báo của NHNN từ đầu năm được nâng chỉ tiêu.
Chia sẻ về xu hướng này, theo nhận xét của bà Phan Thị Thanh Bình, Giám đốc khối thị trường tài chính, ngân hàng ANZ, Chính phủ đang nới lỏng chính tài khóa và tiền tệ để chống lại tình trạng kinh tế suy giảm.
"Những tuyên bố của NHNN gần đây cho thấy, tăng trưởng tín dụng nửa năm còn lại của 2012 ở 8-10%. Đây là 1 thông điệp cho thấy, chính sách nới lỏng sẽ tiếp tục".
Bên cạnh đó, bà Bình cũng cho rằng, chính sách tài khóa cũng có dấu hiệu được mở ra sau khi Chính phủ tuyên bố ứng trước 30 ngàn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước năm 2013 để đầu tư cho năm 2012 và bơm ra nền kinh tế khoảng 21 ngàn tỷ đồng/tháng trong kế hoạch tài khoá trong nửa cuối năm nay.
Rõ ràng, với những tín hiệu về các biện pháp kích cầu vào cuối năm của Chính phủ, cả NHNN và các ngân hàng thương mại đang chuẩn bị sẵn sàng cho triển vọng này. Khi kích cầu tăng lên, đầu ra của các doanh nghiệp sẽ được cải thiện và đó là cơ hội để doanh nghiệp sống lại và tiếp tục vay vốn ngân hàng.
Không những thế, tình trạng nợ xấu tăng nhanh trong vài tháng qua cũng là 1 yếu tố khiến không ít ngân hàng phải tính toán huy động vốn để đảm bảo thanh khoản cũng như đáp ứng các chỉ tiêu an toàn của NHNN.
Theo bà Phan Thị Thanh Bình, nợ xấu đang có dấu hiệu gia tăng. Về con số cụ thể, bà Bình cho rằng con số chính xác khó xác định được là bao nhiêu nhưng chính NHNN cũng đã xác nhận về xu hướng tăng mạnh của nợ xấu.
Chuyên gia này cho biết, nợ xấu gia tăng phản ánh môi trường kinh tế khó khăn. Nó khiến ngân hàng thực sự khó xoay sở và chính vì vậy khiến doanh nghiệp không tiếp cận được vốn.
Có thể thấy, vấn đề nợ xấu và triển vọng tăng trưởng GDP phục hồi trong những tháng cuối năm (theo chính sách nới lỏng tiền tệ và đầu tư công) đang khiến các ngân hàng đón đầu đẩy mạnh huy động vốn, bất chấp tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng đầu năm, tính chung, chỉ rơi vào hơn 1% và nhiều ngân hàng có tình trạng dư thừa tiền, phải mua trái phiếu Chính phủ (phiên gần nhất ngày 6/8, Kho bạc Nhà nước bán được 5.650 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2, 3 và 5 năm với lãi suất trúng thầu giảm, xuồng còn từ 9,1-9,59%/năm).
Khi mà tăng trưởng phục hồi trở lại thì rất có thể các thị trường sẽ ấm dần lên. Người nào cầm tiền vào thời điểm này ắt sẽ có lợi thế hơn nhiều. Đây có thể là lý do khiến các ngân hàng đang tích cực huy động vốn với nhiều ưu đãi, nhiều sản phẩm hấp dẫn hơn cho các khách hàng của mình.
Minh Tuấn
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|