Thứ Sáu, 17/08/2012 07:41

Đừng mong lãi vay giảm hơn

Với trần huy động 9% và lãi vay tối đa 15%, khoảng chênh 6%/năm dường như là cơ sở tốt cho mục tiêu giảm tiếp LS trong tương lai.

Câu hỏi đặt ra là vì sao các nhà băng trong bối cảnh hiện nay vẫn điềm nhiên được “hưởng” khoảng chênh kếch sù như vậy?

Thực hư lãi suất

Chính với mức chênh theo tính toán cơ học trên đây, nhiều ý kiến mạnh dạn đưa đề xuất giảm LS cho vay xuống mức 11-12% và mức chênh 2-3% theo đó vẫn đảm bảo cho chi phí, lợi nhuận của các ngân hàng. Các đề xuất này dường như là rất hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh khách hàng và phần đông DN gặp khó khăn chồng chất như hiện nay.

PGS-TS Nguyễn Đắc Hưng, một chuyên gia tài chính NH lại không đồng ý với quan điểm này khi phân tích chi tiết vào giá thành thực tế mà mỗi đồng vốn các nhà băng huy động được. Trong bài viết mới đây ông cho rằng, trong thực tế hoạt động tín dụng NHTM, không phải cứ huy động được 100 đồng là cho vay ra hết 100 đồng và không phải tất cả các khoản vay NH đều thu được tiền lãi.

Hai yếu tố này có thể chỉ ra rằng, khoảng chênh thực tế nhỏ hơn rất nhiều con số 6% theo chênh lệch số học đơn thuần.

Vị chuyên gia nói trên đưa phép tính, trong 100 đồng huy động kỳ hạn dưới 12 tháng (LS 9%/năm), các NH sẽ phải nộp dự trữ bắt buộc 3% và dự trữ thanh toán khoảng 10%. Trừ đi hai khoản này, về mặt lý thuyết sẽ chỉ còn 87% hay 87 đồng có thể cho vay ra chứ chưa kể thực tế các nhà băng khó đảm bảo được tỉ lệ 82-84%.

Nếu tạm lấy con số 87% này, lãi suất thực của mỗi đồng vốn sẽ tăng từ 9% lên 10,34% và khoảng chênh lệch theo đó sẽ từ 6% giảm còn 4,66%. Còn với các khoản huy động kỳ hạn trên 12 tháng, mặt bằng LS trả cho người gửi tiền hiện phổ biến ở mức 11-13% và tiệm cận với LS cho vay 15%, chưa kể nếu tính đủ thậm chí còn vượt mức này.

Khó giảm thêm lãi suất

Chưa dừng lại ở mức 4,66%, chi phí hoạt động của các NH sẽ khiến khoảng chênh nói trên tiếp tục giảm thêm. PGS.TS Nguyễn Đắc Hưng cho rằng, thông thường dù các NHTM có thực hiện triệt để tiết kiệm đến mức nào, các chi phí hoạt động cũng tương đương 1% đối với mỗi đồng vốn huy động được.

Chi phí này được hiểu bao gồm hàng loạt các khoản như khấu hao tài sản, thiết kế sản phẩm tiền gửi, thuê văn phòng, chi phí tiền lương và phụ cấp, đường truyền mạng, thông tin liên lạc, tiếp thị, vận chuyển tiền, an ninh bảo vệ, tiền điện nước...

Cộng thêm con số 1% này, chi phí thực tế trên mỗi đồng vốn theo tính toán sẽ tăng lên 11,34% và theo đó, chênh lệch thực tế giữa huy động và cho vay chưa tính thuế thu nhập DN tiếp tục giảm còn 3,66%. “Tỉ trọng các khoản cho vay với LS dưới 15%/năm càng lớn, chênh lệch bình quân càng thu hẹp lại” – PGS.TS Nguyễn Đắc Hưng viết.

Tiếp đến, do phát sinh nợ xấu, phát sinh mất vốn và trích lập dự phòng rủi ro, nhà băng sẽ không thể thu đủ 100% LS của khoản vay trong kỳ. Cũng theo bài viết, chưa tính các khoản trích lập dự phòng rủi ro cụ thể theo từng nhóm nợ và phụ thuộc vào thực trạng tài sản đảm bảo tiền vay, các NHTM phải trích lập dự phòng chung 0,75% trên tổng dư nợ và theo đó chênh lệch đầu ra - đầu ra sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ còn 2,91%. “So với các loại hình đầu tư khác, tỉ suất sinh lời trên một đồng vốn/năm chưa tính thuế thu nhập DN chỉ ở mức 2,91% là quá thấp.

Tính đủ tỉ lệ trích dự phòng rủi ro cụ thể, mức chênh lệch còn thấp hơn” – PGS.TS Nguyễn Đắc Hưng theo đó cho rằng, cần hiểu việc các NHTM giảm LS xuống 15% mới đây là sự chia sẻ khó khăn với khách hàng nói chung, khó khăn của DN nói riêng cũng như hy sinh một phần lợi ích của hệ thống NH vì nền kinh tế.

 

Lãi suất huy động chưa thực sự hấp dẫn?

Cũng theo bài viết của PGS.TS Nguyễn Đắc Hưng, để có vốn cho vay, các NH phải huy động được vốn trong nền kinh tế với LS hợp lý. Tức là phải thực dương, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền và LS tiền gửi theo đó ít ra phải bằng và cao hơn lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6.2012 so với tháng 5.2012 âm 0,26% và đến tháng 7.2012 so với tháng 6.2012 tiếp tục âm 0,29%.

Song tính bình quân 7 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2011, CPI vẫn tăng tới 11,2%, cao hơn so với trần LS tiền gửi nội tệ tối đa 9%/năm. Như vậy, trần LS 9%/năm hiện nay chưa thực sự khuyến khích người gửi tiền, hay chưa “thực dương”.

Do đó nếu giảm LS cho vay xuống 10 – 12%/năm, LS tiền gửi chỉ là 5-6%/năm và với mức LS này, rõ ràng các NH không thể huy động được vốn trong nền kinh tế.


C.VĂN


Lao động

Các tin tức khác

>   Xác định lại khẩu phần tín dụng (17/08/2012)

>   Đẩy gánh nặng sang người vay (16/08/2012)

>   Cấp 122,4 tỉ đồng tín dụng cho 15 doanh nghiệp (16/08/2012)

>   NHNN: Có 10 TCTD xin giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (16/08/2012)

>   Tại sao công ty tài chính “muốn” ngân hàng thương mại? (16/08/2012)

>   Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đồng loạt đi “thị sát” (16/08/2012)

>   TPHCM: Lãi suất vay dưới 15%/năm chiếm 76% tổng dư nợ (16/08/2012)

>   HDBank được nâng mức tăng trưởng tín dụng 30% năm 2012 (16/08/2012)

>   Xin - cho chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và những hệ lụy (16/08/2012)

>   Vietbank mua lại trụ sở cũ của Techcombank (16/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật