GS Robert D. Hisrich: Có hai cách huy động vốn ngoài ngân hàng
Dường như “thấu hiểu” khó khăn của các doanh nghiệp Việt thời điểm này, giáo sư Robert D. Hisrich, vị học giả nổi tiếng thế giới về lĩnh vực quản trị doanh nghiệp (entrepreneurship) trong buổi nói chuyện do đại sứ quán Mỹ tổ chức chiều 22.8 nhấn mạnh, nếu như việc huy động vốn từ ngân hàng khó khăn, thì có thể tìm cách khác.
GS Robert D. Hisrich
|
Theo giáo sư Hisrich, các doanh nghiệp có thể trông cậy vào các đối tác là người Việt ở nước ngoài (Việt kiều). Bản thân giáo sư đã chứng kiến nhiều người gốc Việt kinh doanh thành công ở các nước, đặc biệt là ở Mỹ, và điều đó cũng khiến ông thấy Việt Nam hấp dẫn. Họ được đào tạo tốt và có vốn, họ luôn ý thức mình là người Việt. Do đó Chính phủ Việt Nam có thể tìm đến những người này, kết nối với các công ty trong nước, giúp các công ty này tìm đường sang thị trường Mỹ, châu Âu…. “Thực tế, Trung Quốc đã thực hiện bước đi thông minh khi làm điều này”, ông nói.
Vấn đề thứ hai, giáo sư Hisrich băn khoăn, “Tôi không hiểu tại sao có Chính phủ nói sao tiền không vào nước chúng tôi? Đơn giản, tiền đi đến nơi mà ở đó có cơ hội đầu tư, nếu không có chính sách tốt và không có cơ hội thì tiền không vào”.
Vì thế, con đường thứ hai huy động vốn ngoài ngân hàng chính là từ các nhà đầu tư nước ngoài. “Tôi nghĩ hiện nay có nhiều công ty muốn tìm kiếm các cơ hội mới, trong khi Việt Nam có dân số gần 90 triệu dân, Việt Nam có thể trở thành đường cổng vào tới các nước khác trong khu vực, ví dụ như là trở thành cơ sở sản xuất (manufacture)…Vấn đề là chính sách thu hút FDI của Chính phủ có hấp dẫn các công ty nước ngoài vào không?"
“Tôi cho rằng thị trường luôn có sẵn vốn, có thể có chút khó khăn trong tiếp cận, nhưng nếu đúng người, đúng ý tưởng thì không phải là không huy động được”.
Với nhiều năm kinh doanh ở Trung Quốc, giáo sư nêu ví dụ, trước đây khi thành lập công ty ở Thượng Hải, ông và các đối tác (là người nước ngoài) không thể nắm giữ quá 49,9% quyền sở hữu, nhưng hiện nay lại có thể có quyền sở hữu lớn hơn. “Đó là khác biệt lớn, mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi đầu tư vào Trung Quốc”, giáo sư nhấn mạnh.
Bằng thực tế của bản thân, giáo sư thừa nhận 4 năm qua là thời kỳ kinh doanh khó khăn nhất mà ông trải qua trong cuộc đời mình. Ông cũng chia sẻ “bí kíp” thành công của một người chủ doanh nghiệp, “Đã bao nhiêu lần bạn nói câu “làm tốt lắm” với nhân viên?”. Không nên kiệm lời khen dành cho các nhân viên, dù là người thư ký hay nhân công vệ sinh trong công ty. Bởi điều đó chỉ có tác dụng khích lệ họ làm tốt công việc của mình mà thôi.
Giáo sư, Tiến sĩ Robert D. Hisrich hiện giảng dạy về doanh trí toàn cầu (global entrepreneurship) và đồng thời là Giám đốc của Walker Center for Global Entrepreneurship, thuộc trường Quản lí Toàn cầu Thunderbird (Thunderbird School of Global Management), một trường đại học hàng đầu trên thế giới về thương mại toàn cầu.
Giáo sư Hisrich cũng đồng thời là một doanh nhân tầm cỡ thế giới, từng tham gia trong quá trình thành lập hàng chục công ty lớn, trong đó phải nói đến H&B Associates, một công ty tư vấn quản lý và tiếp thị. Ông là tác giả hoặc đồng tác giả của 26 cuốn sách, như “Technology Entrepreneurship: Creating, Capturing and Protecting Value”, “International Entrepreneurship: Starting, Developing and Managing a Global Venture”, “Entrepreneurship: Starting, Developing, and Managing a New Enterprise” (được dịch ra 13 thứ tiếng và tái bản 8 lần), “The 13 Biggest Mistakes that Derail Small Businesses and How to Avoid Them and The Woman Entrepreneur”.
Với những kiến thức và kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực học thuật, ông cũng thường được các công ty lớn như BP Petroleum, Citicorp, Conoco, Alcoa, Westinghouse và Corning Glass nhờ cậy và tư vấn.
Giáo sư Hisrich có bằng cử nhân của Đại học DePauw, bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ của Đại học Cincinnati bang Ohio, và học vị Tiến sĩ Danh dự của Đại học Quốc gia Chuvash (Nga) và Đại học Miskolc (Hungary).
Việt Anh
Sài Gòn Tiếp thị
|