Đừng thêm quy định, đừng thêm thuế, phí!
Trong bối cảnh sức mua thị trường suy kiệt, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động..., Chính phủ đã phải đưa ra gói hỗ trợ nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, nhưng cũng từ các bộ, ngành những gánh nặng khác cứ lần lượt được chất lên vai doanh nghiệp. Sự không nhất quán về chính sách này là rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp trên con đường phục hồi.
Niềm vui chẳng tày gang!
Chỉ năm ngày sau khi Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ công bố chủ trương về gói hỗ trợ doanh nghiệp, vào ngày 10-5-2012 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13 về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường. Gói hỗ trợ này trị giá 29.000 tỉ đồng. Không lâu sau, chương trình hỗ trợ đã được nâng lên thành 36.000 tỉ đồng sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận miễn thuế thu nhập cá nhân cho người chịu thuế ở bậc 1 và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài năm 2012 cho chủ nhà trọ, dịch vụ trông giữ trẻ và cung cấp suất ăn cho công nhân...
36.000 tỉ đồng là con số không nhỏ, nhưng phần lớn cũng chỉ là giãn thuế, gia hạn tiền nợ thuế cho doanh nghiệp và 3.200 tỉ đồng phí bảo trì đường bộ mà lẽ ra phải thu từ ngày 1-6, nhưng Chính phủ quyết định lùi lại đến đầu năm 2013. Lợi ích chính doanh nghiệp và người dân được hưởng từ gói hỗ trợ này chỉ là 4.100 tỉ đồng miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài cho người kinh doanh nhà trọ, cung cấp suất ăn cho công nhân, người làm muối...; 3.000 tỉ đồng miễn thuế thu nhập cá nhân bậc 1; 1.500 tỉ đồng từ giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp... Tổng cộng, với chương trình hỗ trợ này, ngân sách nhà nước chỉ giảm thu 9.000 tỉ đồng.
Những con số được đánh giá là mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân kể trên, dù sao cũng mới là tính toán trên giấy tờ, nên thực tế có thể rất khác. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Tài chính, đến cuối tháng 6-2012 đã có hơn 120.000 doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng tháng 4 và tháng 5 với số thuế được gia hạn 5.500 tỉ đồng, chiếm 93,46% tổng số tiền thuế được gia hạn. Như vậy, con số này vẫn còn khoảng cách khá xa so với mức 12.300 tỉ đồng thuế giá trị gia tăng sẽ giãn nộp do Bộ Tài chính dự báo. Tương tự, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp miễn cho các chủ kinh doanh nhà trọ, trông giữ trẻ đến tháng 7-2012 được chưa đầy 10 tỉ đồng.
Dù số tiền tuyệt đối mà doanh nghiệp, người dân được thông qua gói hỗ trợ này không lớn, nhưng quyết định của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ít nhiều mang lại hy vọng cho họ và nó còn có thể tạo ra tác động tâm lý tích cực để cải thiện sức mua cho thị trường. Ngoài ra, cách đặt vấn đề của Nghị quyết 13 “tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường” cũng rất chính xác. Nhưng niềm vui của doanh nghiệp không kéo dài lâu. Ngay sau gói giải cứu là một loạt quyết định chồng chất thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và làm suy yếu thêm sức mua của thị trường. Đó là những quyết định có lợi cho một số ngành kinh doanh độc quyền, có lợi trước mắt cho nguồn thu ngân sách, nhưng bất lợi cho nền kinh tế.
Gánh nặng càng nặng thêm
Chắc chắn rằng, những khoản thuế và phí mà Chính phủ giảm cho doanh nghiệp, người dân thông qua gói hỗ trợ không đủ để bù đắp cho các chi phí tăng lên sau những quyết định tăng thuế và giá cả các dịch vụ và mặt hàng thiết yếu.
Đầu tiên là quyết định tăng giá bán than cho ngành điện dẫn đến việc tăng bình quân 5% giá điện kể từ ngày 1-7. Với việc điều chỉnh giá này, trong sáu tháng cuối năm ngành điện thu thêm của người dân và doanh nghiệp hơn 3.700 tỉ đồng. Đến ngày 11-7, Bộ Tài chính ban hành khung giá nước sạch mới, với mức tăng tối đa tới 50%. Dựa vào khung giá này, nhiều địa phương đã xây dựng biểu giá nước tăng thêm 35%.
Trước đó, ngày 20-6-2012 Bộ Tài chính đã tăng thuế nhập khẩu gas từ 0% lên 5%. Thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu cũng liên tiếp được điều chỉnh dần từ 0% lên 12% đối với xăng và dầu là 10% từ ngày 3-7. Các đợt tăng thuế, cộng với giá xăng dầu thế giới tăng, làm giá bán lẻ xăng trong nước hiện đang cao hơn 2.200 đồng/lít so với cuối năm ngoái, nghĩa là chi tiêu của người dân và doanh nghiệp cho mặt hàng này phải tăng thêm mỗi tháng không dưới 2.000 tỉ đồng. Ngoài ra, còn phải kể đến tác động của quyết định tăng viện phí từ ngày 1-8.
Nhưng áp lực vẫn chưa phải đã hết. Kể từ sau khi Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực và các văn bản hướng dẫn thi hành lần lượt được ban hành từ đầu năm đến nay, người chăn nuôi và doanh nghiệp lại phải chịu thêm gánh nặng phí kiểm dịch. Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết, phí thực hiện lấy mẫu kiểm tra chất lượng nguyên liệu và thực ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng rất mạnh. Bình quân mỗi doanh nghiệp phải trả thêm 1-2 tỉ đồng/tháng. Tương tự, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, phí kiểm nghiệm hàng hóa trước khi xuất khẩu hiện tăng 1,5-2 lần so với cách nay một năm. Loại phí này cũng đang đè nặng trên vai người chăn nuôi. Một quả trứng gà phải cõng tới năm loại phí trước khi đến được tay người tiêu dùng. Thêm vào đó, phí bảo vệ môi trường đánh vào túi PE làm thủy sản xuất khẩu tăng chi phí 0,1 đô la Mỹ/ki lô gam. VASEP cho biết, so với cách nay hai năm, chi phí xuất khẩu thủy sản hiện tăng tới 30%.
Doanh nghiệp ngành vận tải cũng khổ sở không kém. Ngoài áp lực do giá nhiên liệu tăng, các công ty vận tải đường bộ đang phải gánh bốn loại thuế và chín loại phí khác nhau. Hơn nữa, phí còn đang tiếp tục gia tăng cùng với các quyết định thu phí cầu đường trên các trục quốc lộ đã và đang tiếp tục ra đời. Hiện tại, chỉ riêng tuyến quốc lộ 1 từ TPHCM ra Lạng Sơn, phí cầu đường mà chủ doanh nghiệp phải trả cho mỗi container 40 feet lên đến 4-4,3 triệu đồng.
Trong các cuộc họp của Bộ Công Thương với doanh nghiệp để lấy ý kiến cho Đề án hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, một số doanh nhân không ngần ngại nói thẳng: tốt nhất các bộ, ngành đừng đặt ra thêm quy định, đừng đặt thêm những loại phí gây khó cho doanh nghiệp, đồng thời giải quyết hết các kiến nghị cũ, là đã bớt khó rồi. Đó là điều Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần suy ngẫm.
Con dao hai lưỡi
Rõ ràng, các loại thuế, phí không chỉ đang đè nặng hơn lên vai doanh nghiệp, mà nó còn bóp nghẹt dần sức mua của người dân. Hy vọng lớn nhất của các nhà sản xuất hiện nay là từ chương trình đầu tư công để kích cầu của nhà nước. Trong năm tháng cuối năm, Chính phủ dự kiến chi mỗi tháng 23.000 tỉ đồng để đầu tư cho các công trình hạ tầng dở dang. Bên cạnh đó, khoản chi tiêu công trị giá 1.700 tỉ đồng, bị ách lại từ năm ngoái để thực hiện mục tiêu chống lạm phát, cũng được giải phóng.
Nhưng tác động của khoản đầu tư và chi tiêu công này chẳng khác gì con dao hai lưỡi, vừa giúp gia tăng sức mua của thị trường vừa là mối nguy tiềm ẩn nếu khoản đầu tư rất lớn này không hiệu quả.
Năm ngoái, Chính phủ đã đình chỉ một loạt dự án đầu tư và đóng băng nhiều hoạt động chi tiêu công khác vì xét thấy những công trình, mục đích mua sắm đó kém hiệu quả hoặc chưa thực sự cần thiết. Nếu nay lại bơm vốn cho những dự án hoặc chi cho những mục đích mà mới một năm trước còn bị đánh giá là kém hiệu quả, chưa cần thiết... liệu có ổn?
Tấn Đức
TBKTSG
|