Thứ Hai, 20/08/2012 13:38

FII: Hấp dẫn gần, bất ổn xa

FII vừa góp phần tăng khả năng thanh toán và hiệu suất thị trường vốn, làm tăng nhịp độ giao dịch cổ phiếu, và cũng có phần giúp giảm thâm hụt cán cân thanh toán, cán cân vãng lai… Tuy nhiên, cần có cơ chế kiểm soát và điều tiết hợp lý đối với dòng vốn FII, để tránh những tác động tiêu cực đối với thị trường.

Tích cực nhiều

“Dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp nước ngoài (FII) ròng diễn biến tích cực. Đặc biệt vốn FII đạt mức khá, tăng tới hơn 40% so với 6 tháng đầu năm 2011, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam”. Đó là đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Theo Ủy ban này, FII tăng khá vì có các hoạt động góp vốn, mua cổ phần chiến lược của các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài trong các NHTM như Vietcombank và việc phát hành trái phiếu thành công trên TTCK quốc tế của Tập đoàn Vincom và NHTMCP Công thương (VietinBank).

Nhìn nhận về tác động của dòng vốn FII, TS. Phan Thanh Hà – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: “Việc gia tăng dòng vốn FII sẽ làm cho thị trường tài chính, đặc biệt là TTCK trở nên đồng bộ hơn, cân đối và sôi động hơn, khắc phục được sự thiếu hụt, trống vắng và trầm lắng, thậm chí đơn điệu và kém hấp dẫn”.

Trong khi đó, một báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đánh giá khá tích cực về tác động của FII đối với TTCK.

FII và sự hoạt động của các Quỹ đầu tư đã góp phần minh bạch hóa thị trường tài chính, do việc quản lý, giám sát TTCK của các cơ quan chức năng tăng lên, yêu cầu công khai tài chính của DN cũng tăng lên. FII vừa góp phần tăng khả năng thanh toán và hiệu suất thị trường vốn, làm tăng nhịp độ giao dịch cổ phiếu, và cũng có phần giúp giảm thâm hụt cán cân thanh toán, cán cân vãng lai…

Tiêu cực cũng không ít

Tuy nhiên, TS. Phan Thanh Hà cũng lưu ý đến sự bất ổn của FII và cảnh báo xa tới tác động tiêu cực khi FII đổ vào nhưng chúng ta thiếu sự chủ động như trường hợp năm 2007. Hay cũng đã có lúc FII khiến TTCK bị rối loạn (ở thời điểm năm 2008) khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng. Theo số liệu của NHNN, trong năm 2008, FII chảy ngược ra khỏi Việt Nam tới 558 triệu USD. Theo báo cáo của CIEM, năm 2009 có thêm 600 triệu USD nữa rút khỏi Việt Nam khiến tổng vốn FII ở cuối năm 2009 chỉ còn hơn 5 tỷ USD. Theo CIEM thì FII sẽ là một nhân tố gây khó khăn cho Chính phủ trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô. CIEM cho rằng thời gian qua, FII đã đặt ra bài toán khó về thực thi chính sách tiền tệ và tỷ giá. Lượng vốn lớn đổ vào làm tăng tổng phương tiện thanh toán ngoài tầm kiểm soát của NHNN và gây lạm phát cao.

“Trên thông tin đại chúng, trong báo cáo của các cơ quan chức năng, thường thấy nhiều thông tin về FDI hơn FII do FDI ổn định hơn, còn FII biến động thường xuyên, vào và ra khá nhanh nên việc quản lý phức tạp hơn, nắm bắt thông tin khó khăn hơn, nhất là đối với FII đầu tư trên TTCK”, theo TS. Phan Thanh Hà. Lý do này cũng chính là sự lưu ý đến việc tăng cường cơ chế giám sát FII song song với các giải pháp thu hút FII. Nếu thiếu cơ chế kiểm soát và điều tiết hợp lý, TTCK và nền kinh tế sẽ gặp nhiều tổn thương hơn do tác động tiêu cực mà FII mang lại hơn là tác động tích cực. Cần xác định chiến lược thu hút FII, dự tính lượng vốn FII nền kinh tế cần để có tỷ lệ huy động hợp lý hạn chế thấp nhất những rủi ro mà luồng vốn này có thể gây ra.

Dự báo về FII, TS. Phan Thanh Hà cho rằng “phụ thuộc vào tình hình kinh tế của Việt Nam nhiều hơn là các yếu tố bên ngoài”. Yếu tố đầu tiên hút FII là ổn định vĩ mô. Mặc dù lạm phát đã được hạn chế nhưng còn bấp bênh, chưa vững chắc. Trong khi lộ trình tái cơ cấu DNNN mới bắt đầu, chưa có kết quả rõ rệt: việc chuyển đổi hình thức sở hữu và thoái vốn đầu tư mới đang là kế hoạch. Thoái vốn Nhà nước đang nắm giữ tại các DN đã CPH cũng chậm hơn so với dự kiến. Trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể chưa được nâng lên nhưng nếu cơ hội mua bán, chuyển nhượng DN có nhiều thì vốn FII sẽ đổ vào.

Tuy nhiên sức hút với FII còn phụ thuộc vào các yếu tố về kỹ thuật của sàn giao dịch chứng khoán, còn một số hạn chế như biên độ dao động trong một ngày, thời gian giao dịch, chưa cho phép chứng khoán phái sinh.

Dòng FII đổ vào Việt Nam tăng theo sự xuất hiện của nhà đầu tư nước ngoài và những quỹ đầu tư như: Dragon Capital, Vina Capital, Mekong Capital, Prudential, Vietnam Dragon Fund… JP Morgan Chase, Merrill Lynch… Trong số những nhà đầu tư gián tiếp, tính đến cuối năm 2011, nhiều nhất là nhà đầu tư Mỹ, có tới 1/3 thậm chí 1/2 các khoản tiền luân chuyển qua các quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là của nhà đầu tư Mỹ, tiếp đến là nhà đầu tư Pháp, Đức và Hàn Quốc.

Nguồn: CIEM


Tri Nhân

Thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Thời điểm “vi chỉnh” chính sách (20/08/2012)

>   Quốc tế: "Lạm phát ở Việt Nam vẫn có thể tái diễn nếu..." (19/08/2012)

>   Xác định "toạ độ" đầu tư công (19/08/2012)

>   Bài toán ODA (18/08/2012)

>   'GDP Việt Nam năm nay chỉ khoảng 5,1%' (18/08/2012)

>   Lãi suất thấp tiếp thêm sức cho đầu tư công tại VN (17/08/2012)

>   Hà Nội “xin” Trung ương hàng nghìn tỷ làm dự án (17/08/2012)

>   Lương tối thiểu dự kiến tăng 35% (16/08/2012)

>   Chỉ thị cải thiện môi trường đầu tư đã thực hiện đến đâu? (16/08/2012)

>   Nợ công: Rủi ro không nằm ở các con số báo cáo (16/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật