Đâu rồi những “ưu tiên số 1”?
Cách đây một năm, khi nhậm chức, nhiều bộ trưởng đã nhấn mạnh đến những mục tiêu “ưu tiên số 1” trong lĩnh vực mình phụ trách. Tuy nhiên từ đó đến nay, những mục tiêu này dường như chẳng còn được ưu tiên, chứ đừng nói là số 1.
Từ kiểm soát trở thành thả nổi
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, khi nhậm chức vào tháng 8 năm ngoái đã tuyên bố ưu tiên số 1 của ông là kiểm soát giá cả, nhất là những lĩnh vực thiết thực, nhạy cảm ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, doanh nghiệp như: điện, xăng dầu. Ông Huệ cũng không quên đề cập đến việc cần phải tăng cường kiểm soát chi phí của các doanh nghiệp độc quyền, minh bạch giá cả.
Sau những tuyên bố là hành động
Tại cuộc hội thảo về cơ chế điều hành giá xăng dầu, người đứng đầu ngành tài chính nói thẳng: “Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước”. Và ông cho lập ngay các đoàn kiểm tra giá xăng dầu tại bốn doanh nghiệp đầu mối lớn. Hành động này làm dấy lên hy vọng về trật tự kinh doanh trên thị trường xăng dầu sẽ được lập lại. Bộ Tài chính đã chứng minh được các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, đặc biệt là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường xăng dầu như Petrolimex đã dùng nhiều hình thức để chuyển lãi thành lỗ trong năm 2011 hơn 110 tỉ đồng (chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng).
Ngoài sự quyết liệt mang tính thời điểm, người đứng đầu ngành tài chính đã không đề ra những biện pháp căn cơ tiếp theo nhằm hạn chế sự lũng đoạn về giá của doanh nghiệp xăng dầu trên thị trường. |
Nếu ông Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục ưu tiên kiểm soát giá theo hướng đó thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thể mượn cớ chịu sự điều hành giá của Nhà nước để qua mặt cơ quan quản lý và người tiêu dùng.
Song, tiếc rằng ngoài sự quyết liệt mang tính thời điểm, người đứng đầu ngành tài chính đã không đề ra những biện pháp căn cơ tiếp theo nhằm hạn chế sự lũng đoạn về giá của doanh nghiệp xăng dầu trên thị trường.
Ví dụ như các chính sách về thuế và phí sao cho linh hoạt và phù hợp với tình hình. Hoặc việc trích quỹ bình ổn giá xăng dầu 300 đồng/lít và quỹ này để doanh nghiệp quản lý nhiều năm qua đã bị lợi dụng, cần thiết phải được chuyển về Kho bạc Nhà nước quản lý (như trả lời của Bộ trưởng Huệ tại Quốc hội hôm 24-11-2011) - những đầu việc đã quá rõ nhưng tới nay vẫn chưa làm.
Trong khi đó, những chính sách, biện pháp điều hành giá mới nhất lại bị doanh nghiệp lợi dụng. Cụ thể, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính đã cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được điều chỉnh giá bán theo Nghị định 84 (thực hiện theo cơ chế thị trường) sau khi đăng ký giá với bộ. Kết quả là chỉ trong vòng một tháng, các doanh nghiệp đầu mối đã đồng loạt tăng giá ba lần, với mức tăng tổng cộng là 2.300 đồng/lít (xăng A92).
Các doanh nghiệp đồng loạt tăng giá cho dù chi phí đầu vào theo quy mô doanh nghiệp, thị phần, thị trường không giống nhau mà không bị Bộ Tài chính đặt nghi vấn kiểm tra. Doanh nghiệp còn tăng giá (hôm 20-7) vài giờ sau khi bộ ra văn bản khẳng định giá chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán hiện hành chưa đầy 2%, thấp hơn nhiều mức biến động giá 7% theo Nghị định 84 cho phép được điều chỉnh giá.
Chưa hết, ở lần kế tiếp, khi doanh nghiệp liên tục gửi văn bản đề nghị tăng giá, Bộ Tài chính ra văn bản nhắc nhở doanh nghiệp phải tính toán giá xăng dầu trên cơ sở dự trữ lưu thông 30 ngày (thay vì 10 ngày như doanh nghiệp tính). Nhắc nhở là vậy, nhưng giá xăng dầu vẫn cứ tăng thêm 1.100 đồng/lít, kéo theo việc tăng giá của nhiều mặt hàng, dịch vụ có liên quan.
Như TBKTSG đã đề cập ở số trước, việc tăng giá xăng dầu nhiều lần, bất hợp lý của doanh nghiệp thống lĩnh thị trường như Petrolimex đã vi phạm Luật Cạnh tranh (xem bài Petrolimex đã vi phạm Luật Cạnh tranh, trên TBKTSG số ra ngày 9-8), nhưng Bộ Tài chính cũng không có động thái xem xét. Mặt khác, bộ còn là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Giá. Luật này được thông qua nhằm điều chỉnh những biến động giá cả bất hợp lý trên thị trường, nhưng “thế nào là biến động bất thường” thì đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn giải thích luật. Do đó, dư luận lo ngại Bộ Tài chính khó có thể căn cứ vào Luật Giá để “xử” những trường hợp vi phạm. Và người ta có quyền đặt câu hỏi: ưu tiên số 1 của Bộ trưởng Bộ Tài chính nay có còn là kiểm soát giá?
Tuyên bố cần nhưng chưa đủ
Một bộ trưởng khác cũng tuyên bố sẽ tạo ra những đột phá khi nhậm chức là Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng. Ưu tiên số 1 của ông Thăng cách đây một năm là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm bớt tai nạn và ùn tắc giao thông. Đây cũng là những vấn đề lớn, phức tạp và đòi hỏi các giải pháp đồng bộ, khoa học, căn cơ nên dư luận dù muốn đến đâu cũng không yêu cầu bộ trưởng phải giải quyết vấn đề trong thời gian ngắn.
Thực tế cho thấy mục tiêu mà bộ trưởng đặt ra là đúng nhưng hàng loạt hành động sau đó lại không đi cùng với mục tiêu. Ví dụ như để phát triển hạ tầng, không thể chỉ dừng lại ở việc đình chỉ, thay thế một vài nhà thầu hay đặt niềm tin vào những tuyên bố theo kiểu “không hoàn thành tiến độ dự án thì mất chức”. Đầu tư phát triển hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông đòi hỏi cả những biện pháp lâu dài và trước mắt như chính ông Thăng nói trước Quốc hội cuối năm 2011.
Nhưng các giải pháp ngắn hạn là gì? Bắt đầu bằng việc thay đổi giờ làm ở Hà Nội, mà thiếu thăm dò, khảo sát tính khả thi, khiến cuộc sống của người dân trở nên đảo lộn. Hay chuyện khuyến khích người dân đi xe buýt, cũng chỉ dừng lại ở việc hô hào. Rồi việc đề xuất ba loại phí hạn chế phương tiện cá nhân, hạn chế ra vào trung tâm trong giờ cao điểm, phí bảo trì đường bộ đều vấp phải phản ứng mạnh mẽ của dư luận xã hội về thời điểm thu, cách thức thực hiện và tính khả thi. Do đó, cả ba loại phí này đều chưa thể thực hiện được, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan đề xuất chính sách.
Vấn đề của Bộ Giao thông Vận tải hiện nay không phải là làm thế nào để thu được nhiều phí mà phải tính đến các chính sách, giải pháp lâu dài trong lĩnh vực mà mình phụ trách. Ví dụ như bộ phải cân nhắc lựa chọn giữa việc mở rộng quốc lộ 1A hiện có từ Hà Nội đến Cần Thơ hay tập trung đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam trong khi ngân sách nhà nước có hạn, việc kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách mỗi ngày một khó và cũng không thể đầu tư cả hai con đường cùng lúc.
Người ta cũng mong chờ vị tư lệnh ngành giao thông có những giải pháp ổn định và kiện toàn Vinashin, Vinalines, những đơn vị lớn trong ngành giao thông đã “đắm tàu” trong hai năm qua, gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế. Bởi chỉ cần có những giải pháp, chính sách đúng cho hai doanh nghiệp này là cả ngành kinh tế, vận tải biển, đóng tàu và hàng chục ngàn người lao động làm việc trong những ngành này sẽ nhìn thấy hiệu quả của chính sách. Nhưng ở đó, lại vắng những tuyên bố và nhất là hành động đúng mức của Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Lan Nhi
TBKTSG
|