Đặc khu kinh tế: Hành trình đang viết dở
Ý tưởng xây dựng hai đặc khu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh mới đây cũng là dịp để nhìn lại những gì đã hình thành trước đó...
Lý thuyết và thực tiễn phát triển kinh tế của nhiều quốc gia đã khẳng định mỗi quốc gia đều cần có những khu vực phát triển riêng để làm “đầu tàu” cho những khu vực khác. Đối với các quốc gia đang phát triển, mô hình “đặc khu kinh tế” đã được áp dụng nhiều nơi và đem đến nhiều kết quả tốt đẹp, dẫu quy mô và mức độ thành công ở mỗi nơi là khác nhau.
Nhưng Việt Nam thì vẫn đang ngoài cuộc, vì sao vậy?
Từng có “đặc khu”
Việt Nam đã từng có đặc khu kinh tế mang tên “Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo”.
Ngày 30/5/1979, Quốc hội ra nghị quyết riêng về việc thành lập đặc khu kinh tế Vũng Tàu - Côn Đảo trực thuộc Trung ương. Theo nghị quyết này, đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo gồm có thị xã Vũng Tàu, xã Long Sơn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai và huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Hậu Giang.
Trước đó, ngày 28/5/1979, thay mặt Hội đồng Chính phủ, ông Vũ Tuân, Bộ trưởng Phủ thủ tướng đã trình bày tờ trình về việc này, trong đó nhấn mạnh tới việc xây dựng một đặc khu để “phục vụ phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt”.
Tờ trình cho hay bộ máy tổ chức và biên chế của đặc khu áp dụng theo các luật lệ hiện hành có kết hợp với tính chất đặc điểm của một khu công nghiệp và dịch vụ dầu khí, bao gồm các cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân và một số công ty thuộc các ngành Trung ương và của đặc khu.
“Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo có nhiệm vụ chính là phục vụ tốt công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu mỏ và khí đốt ở thềm lục địa miền Nam nước ta, đồng thời kết hợp với nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển công nghiệp đánh cá, du lịch và các yêu cầu kinh tế, xã hội khác trong đặc khu”, tờ trình có đoạn viết.
Tồn tại được 12 năm, đến năm 1991 thì đặc khu này được giải tán để thành lập tỉnh mới Bà Rịa - Vũng Tàu. Không có nhiều giải thích về việc này, song những người trong cuộc đều hiểu mô hình đặc khu đã không đem lại nhiều khác biệt. Ngành công nghiệp dầu khí đã có những bước phát triển trong giai đoạn đó nhưng là nhờ vào tiềm năng tự nhiên và một phần sự hỗ trợ quốc tế, chứ không hẳn là nhờ có “đặc khu”.
Trở về với mô hình "tỉnh", dẫu là tỉnh mới, cũng là sự thừa nhận thất bại đầu tiên của mô hình đặc khu kinh tế. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Quân, tại một hội thảo gần đây đã nói rằng khi đó “chúng ta đã không đi đến cùng, dẫu rằng việc xây dựng các đặc khu kinh tế cần sự “đi đến cùng”!
15 khu kinh tế
Vẫn với lập luận rằng quốc gia cần có những "đầu tàu" để phát triển, kéo các khu vực khác tiến lên, thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 chứng kiến cuộc đua xây dựng các khu kinh tế giữa các địa phương.
Kết quả của cuộc đua này là cho đến cuối năm ngoái, cả nước đã có 18 khu kinh tế được quy hoạch, trong đó có 15 khu đã được thành lập với diện tích hơn 662.000 ha, và 3 khu khác đang có chủ trương quy hoạch.
Nhưng, thay vì được hình thành dựa trên một chiến lược tổng thể, có sự nghiên cứu và tính toán cụ thể, thì các khu này lại được hình thành khá “tự phát”, theo ý chí của mỗi tỉnh thành, nhưng lại nhìn hết vào ngân sách địa phương.
Hệ quả là, vì không đủ nguồn lực để đầu tư, các khu kinh tế hầu hết vẫn trong tình trạng dang dở về hạ tầng.
Nói như ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội tại kỳ họp cuối năm ngoái, là “đầu tư có biểu hiện dàn trải, hỗ trợ từ ngân sách như muối bỏ biển, không tạo ra được sức phát triển”.
Không chỉ vậy, điều đáng nói hơn là bản thân các khu kinh tế này đã không thể cạnh tranh với các khu kinh tế khác trên thế giới và trong khu vực, thay vào đó là cạnh tranh lẫn nhau.
GS.TSKH Võ Đại Lược thuộc Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương từng nhận xét rằng trên thực tế, chưa có một khu nào thực sự là khu kinh tế mở, mà hầu hết “mới chỉ là các khu công nghiệp với nhiều hạn chế”.
Vấn đề đối với các khu kinh tế hiện nay là Nhà nước chưa tạo lập được những thể chế hành chính và kinh tế hiện đại vượt trội tại một số khu vực theo hướng giảm thiểu tối đa sự can thiệp của Nhà nước, phát huy hiệu quả nhất tác động của thị trường, trao quyền kinh tế đầy đủ cho tất cả doanh nghiệp. Hạn chế thuộc về “phần mềm” này đã trở thành thách thức lớn nhất cho các khu kinh tế hiện nay.
Gần đây, những động thái từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho thấy sẽ có sự phân loại đối với các khu kinh tế để từ đó, sẽ chỉ chọn ra một số khu để tập trung đầu tư bằng ngân sách trung ương. Cụ thể, sẽ có 5 khu kinh tế được lựa chọn, dựa trên kết quả thu hút đầu tư thực tế và một số yếu tố khác.
Nếu kế hoạch này được thực hiện, các khu kinh tế khác chắc chắn sẽ trở về đúng nghĩa là các khu công nghiệp và không thể không giảm quy mô đầu tư. Không chỉ vậy, các khu này sẽ tụt lại trên bản đồ cạnh tranh, điều khiến các tỉnh thành có khu kinh tế trở nên “kém vui”.
Cần nhiều nỗ lực
Không phải ngẫu nhiên mà khi Quảng Ninh đưa ra ý tưởng về việc xây dựng hai “đặc khu kinh tế” mới đây, đã có nhiều ý kiến tán đồng.
Tuy nhiên, những lo ngại về nguồn vốn để đầu tư cho các đặc khu này là có cơ sở nếu nhìn vào lịch sử phát triển của 15 khu kinh tế trong vòng hơn một thập kỷ qua, khi chưa có những đột phá về chính sách cho các khu này.
“Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy có nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất là chưa có thể chế, cơ chế đặc thù và vượt trội”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính nêu quan điểm khi đề cập đến sự phát triển hạn chế của các khu kinh tế.
Ba mươi năm trước, Thâm Quyến chỉ là một làng nhỏ kém phát triển, đối lập với Hồng Kông đã là trung tâm tài chính thế giới. Với 100 triệu Nhân dân tệ đầu tiên được Trung ương cấp để "làm vốn", Thâm Quyến đã được tạo những điều kiện tốt nhất để trở thành một đặc khu kinh tế có bước phát triển vượt trội, là điểm hẹn của các nhà đầu tư, và là đích đến của hàng triệu nhân sự ưu tú của Trung Quốc, với GDP vượt cả Việt Nam hiện tại.
Trên thế giới, câu chuyện "đặc khu kinh tế" đã có thừa ví dụ nhãn tiền, nhưng làm được hay không lại là chuyện khác, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, nhiều đột phá, đòi hỏi những sự "vượt khung" những quy định hiện hành.
Chính vì vậy, có thể coi chuyện xây dựng đặc khu kinh tế tại Việt Nam hiện nay vẫn đang là một "hành trình viết dở"...
Anh Minh
tbktvn
|