Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Nên giảm thuế TNDN xuống 20%
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nên giảm mức thuế TNDN xuống còn 20%. Bởi nếu vẫn quy định là 25% thì phần lợi nhuận sau khi nộp thuế không còn nhiều, doanh nghiệp vẫn lại phải vay ngân hàng. Doanh nghiệp vay nhiều thì nhà nước lại bị thiệt vì lãi suất đã được khấu trừ trước khi tính thuế.
-Bộ Tài chính vừa có Công văn 6326 về việc tạm thời chưa thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) phải nộp của tháng 4, 5 và 6/2012 đối với các doanh nghiệp đang thực hiện nộp thuế theo phương pháp khấu trừ. Theo bà điều này có tác dụng gì lớn không?
Theo tôi ra quy định như vậy sẽ giúp cho doanh nghiệp không phải nộp thuế GTGT trong thời gian khó khăn. Tuy nhiên doanh nghiệp được hưởng lợi nhưng người tiêu dùng lại không được hưởng gì, vì họ vẫn phải nộp thuế. Thành ra để gỡ khó khăn đầu ra về thị trường tiêu thụ thì việc gia hạn thuế GTGT vẫn không có tác dụng gì nhiều.
- Xu hướng quốc tế về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) áp dụng là 25%. Vậy theo bà Việt Nam nên áp dụng mức thuế TNDN bao nhiêu là phù hợp?
Ở nước mình, hiện doanh nghiệp đang phải nộp một khoản thuế cao hơn rất nhiều so với các quy định. Mức thuế chuẩn các nước đang áp dụng là 25%. Đối với nước mình, mức quy định như thế cũng hợp lý, nhưng hầu như các doanh nghiệp đều cho rằng họ phải nộp với mức cao hơn nhiều, với khoảng 28% đến hơn 30%.
Tại sao lại như vậy? Thứ nhất, theo quy định, doanh nghiệp có hóa đơn, chứng từ hợp lý, hợp lệ, hợp pháp thì sẽ được miễn trừ thuế. Tuy nhiên dù có xem hóa đơn, chứng từ lẫn số sách kiểm toán để làm chứng cứ nhưng người đi thu thuế không công nhận khoản này là hợp lý, hợp lệ, hợp pháp thì họ vẫn có thể gạt ra như thường, và doanh nghiệp vẫn không được trừ thuế khoản đó.
Thứ 2, ở các nước được giảm trừ nhiều lĩnh vực, nhưng nước ta lại không được giảm trừ. Ví dụ như doanh nghiệp có những hoạt động như đóng góp xã hội thì ở các nước khác được miễn thuế, còn ở Việt Nam thì vẫn tính…
Tôi cho rằng mức thuế 25% vẫn cao, cần giảm thêm nữa. Hiện nhà nước đang tính toán để đưa mức thuế xuống khoảng 22%. Tuy nhiên với tình hình kinh tế ở Việt Nam như hiện nay thì mức thuế vào khoảng 20% là hợp lý nhất, giúp cho doanh nghiệp có điều kiện để tái đầu tư và phát triển.
- Bà có thể lý giải tại sao lại đề nghị mức thuế thấp so với xu hướng quốc tế?
Nếu thu thuế cao sẽ làm cho doanh nghiệp mất đi động lực tìm kiếm lợi nhuận. Đã làm kinh doanh thì phải có lợi nhuận, nhưng số tiền nộp thuế quá nhiều, số lợi nhuận còn lại quá ít, làm cho doanh nghiệp nản. Doanh nghiệp muốn đầu tư tiếp lại phải vay ngân hàng. Và như thế, lợi ích lại về tay ngân hàng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và Nhà nước.
Tiếp nữa, việc chi tiêu của ngân sách Nhà nước rõ ràng là kém hiệu quả, quản lý khó, hiệu quả thấp. Điều đó đã được Chính phủ và Quốc hội thừa nhận. Trong khi Nhà nước đang có chủ trương đổi mới đầu tư công, thì nên giảm đầu tư công xuống, không nhất thiết đầu tư nhiều vào đầu tư công như vậy bởi ngân sách vẫn có nhiều nguồn từ nguồn ODA và từ các nguồn vay khác. Do đó không nhất thiết thu tối đa từ dân và doanh nghiệp để đem vào đầu tư công, phần đó nên để lại cho doanh nghiệp và người dân họ tự đầu tư.
- Xin cảm ơn bà!
Hồ Hường ghi
diễn đàn doanh nghiệp
|