Luật thuế thu nhập: Vẫn băn khoăn về mức 9 triệu?
Mặc dù đã tăng gấp rưỡi so với hiện tại nhưng mức giảm trừ gia cảnh trong dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân vừa được Bộ Tài chính đưa ra vẫn khiến không ít chuyên gia cũng như người dân băn khoăn.
Cụ thể hơn, theo dự thảo, mức giảm trừ gia cảnh sẽ được nâng từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng. Cũng với mức khởi điểm chịu thuế mới, cơ quan soạn thảo cũng dự kiến nâng mức giảm trừ đối với người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/người hiện hành lên thành 3,6 triệu đồng.
Nếu với cách tính ấy, từ tháng 7/2013, 2,6 triệu người có thể sẽ tiết kiệm được một khoản tiền từ việc được ra khỏi diện nộp thuế. Ngoài ra, những người đang nằm trong bậc thuế thu nhập cá nhân cao hơn cũng có thể được giảm trừ một phần tiền.
Chị Thủy Phương, nhân viên một ngân hàng ở Hà Nội nhẩm tính, thu nhập bao gồm lương và thưởng năm vừa rồi của chị trung bình khoảng hơn 19 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ đi 4 triệu đồng tiền giảm trừ gia cảnh và bảo hiểm xã hội, y tế, tính ra, một năm tiền thuế thu nhập cá nhân chị Phương phải nộp khoảng 15 triệu đồng.
Tuy nhiên, với cách tính mới, khi mức giảm trừ gia cảnh có thể được nâng lên, chị Phương bảo, số tiền thuế hàng năm phải đóng của chị chỉ khoảng 9 triệu đồng, tức là mỗi tháng chị tiết kiệm được khoảng 500.000 đồng.
Mừng thì có mừng, bởi đây là khoản chênh lệch không nhỏ nhưng theo chị Phương, so với thời điểm hiện tại thì đây có thể khoản tiền kha khá nhưng vài năm nữa, rất nhiều thứ chắc chắn sẽ thay đổi. Có thể, vài năm tới, khi giá cả tiếp tục tăng nhanh, mức giảm trừ mới sẽ không thực sự theo kịp.
Dưới góc nhìn một luật sư, ông Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam cũng cho rằng, việc nâng các mức tiền trong thuế thu nhập cá nhân là hợp lý, vừa giảm được số người nộp thuế, vừa cắt bớt các chi phí để thu thuế.
Tuy nhiên, ông Tiền băn khoăn, vì sao dự thảo lại đưa ra con số 9 triệu đồng. Thực tế, việc này đã được tranh luận từ trước đó nhưng tới hiện tại, thế nào là mức giảm trừ gia cảnh vẫn chưa được định nghĩa đầy đủ.
Ở nước ngoài, mức giảm trừ gia cảnh được ghi rõ là “Số tiền đảm bảo cho đối tượng nộp thuế đáp ứng được nhu cầu tối thiểu theo mức trung bình của xã hội và được trừ ra khỏi thu nhập tính thuế”. Tuy nhiên, luật sư Tiền cho rằng, ở Việt Nam, định nghĩa khoản tiền này chỉ đơn giản là Số tiền được trừ ra khỏi thu nhập để tính thuế.
“Nếu dựa vào mức trung bình thì có tính ra được ngay nhưng chúng ta không có nên rất khó tranh luận vì sao lại là 4 triệu hay 9 triệu đồng,” ông Tiền nói.
Chính vì thế, luật sư Vũ Xuân Tiền lo ngại, điều này nếu không cẩn thận có thể trở lại vòng luẩn quẩn như lần trước. Khi đó, năm 2007, mức giảm trừ gia cảnh được đưa ra là 4 triệu đồng và cũng được cho rằng đã tính tới các yếu tố khác. Thế nhưng, thực tế cho thấy, mức 4 triệu đồng đã nhanh chóng lạc hậu.
Luật sư Tiền đưa ra đề xuất, để tránh tình trạng ấy, chúng ta có thể sử dụng cách tính dựa vào mức lương tối thiểu nhân với hệ số. Tuy nhiên, ông Tiền cũng thành thật, nếu sử dụng mức lương tối thiểu của công chức hiện tại thì cũng không ổn.
“Mức lương công chức bây giờ mới hơn 1 triệu đồng trong khi ở doanh nghiệp gần gấp đôi. Chắc chắn thời gian tới lương tối thiểu công chức sẽ phải liên tục điều chỉnh,” ông Tiền nói.
Có quan điểm khác, bà Nguyễn Thị Cúc, Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, chúng ta thường quan tâm nhiều đến mức giảm trừ gia cảnh chứ chưa quan tâm đúng mức đến mức thuế suất cũng như khoảng cách của các bậc thuế.
Hiện nay, khoảng cách giữa mức cao nhất và thấp nhất của phần thu nhập chịu thuế tại Việt Nam là 16 lần (5 triệu đồng so với 80 triệu đồng), trong khi đó ở Trung Quốc khoảng cách mức cao nhất và thấp nhất là 53 lần, Philippines là 50 lần và Indonesia là 40 lần.
Vì thế, theo bà Cúc, nếu chúng ta giãn biểu thuế lên khoảng 32 hoặc 40 lần thì những người nộp thuế từ bậc 3 tới bậc 7 có thể được hưởng lợi hơn. Điều này có thể giúp ích hơn trong việc khuyến khích người dân làm giàu hay thu hút được người giỏi về Việt Nam.
Cũng theo bà Cúc, hiện khoảng cách giữa các bậc thuế khá hẹp ví dụ như bậc 2 với mức thuế là 10% chỉ từ 5 đến 10 triệu đồng, bậc 3 từ 10 đến 18 triệu đồng sẽ phải chịu thuế 15%....
“Thay vì bậc 2 là từ 5-10 triệu đồng, chúng ta có thể giãn ra từ 5 triệu tới 15 triệu hoặc 20 triệu đồng/tháng,” bà Cúc đưa ra ý kiến.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Cúc, trong thời kỳ kinh tế khó khăn, ngân sách hiện vẫn còn hạn chế. Hơn thế, gói giải pháp về thuế với các biện pháp giảm, giãn thuế đã thể hiện sự chia sẻ với doanh nghiệp nhưng cũng ảnh hưởng tới ngân sách. Bởi thế, theo bà Cúc, tùy từng thời kỳ, biểu thuế sẽ được thiết kế với yêu cầu động viên ngân sách và đối tượng khác nhau./.
Xuân Dũng
Vietnam+
|