Cần rút gọn đối tượng không chịu thuế GTGT
"Chiến lược cải cách thuế 2011-2020 sát với thực tế hơn cần phải rút gọn đối tượng không chịu thuế GTGT, áp dụng phương pháp tính thuế khấu trừ thay vì tính thuế trực tiếp như hiện nay".
Bà Nguyễn Thị Cúc-Chủ tịch Hiệp hội tư vấn Thuế Việt Nam phát biểu tại hội thảo “Xu hướng cải cách thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập ở các nước và tác động” do Bộ Tài chính vừa tổ chức ngày 8/8.
Đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT), bà Cúc cho rằng, theo quy định thì loại thuế này có tới 25 nhóm hàng hóa dịch vụ không thuộc diện chịu thuế. Điều này khiến doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào nên không đảm bảo tính liên hoàn của thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, việc áp dụng hai thuế suất là 5% và 10% (ngoài thuế suất 0%) như hiện nay đang dẫn đến thiếu minh bạch trong nghĩa vụ nộp thuế.
“Với một số mặt hàng thực phẩm tươi sống ướp muối áp thuế 5%, nhưng khi có gia vị, sơ chế lại áp thuế đến 10%. Tiêu chí phân biệt thuế suất như thế là chưa rõ ràng cũng khiến doanh nghiệp cảm thấy không bình đẳng khi nộp thuế”, bà Cúc nói.
Theo bà Cúc để Chiến lược cải cách thuế 2011-2020 sát với thực tế hơn cần phải rút gọn đối tượng không chịu thuế GTGT, áp dụng phương pháp tính thuế khấu trừ thay vì tính thuế trực tiếp như hiện nay.
Trong khi đó, theo chuyên gia thuế quốc tế Ved P.Gandhi, trong khi một số nước phát triển tại Châu Âu thường hạn chế ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp vì gây méo mó và doanh nghiệp lợi dụng kẻ hở. Nhưng Việt Nam lại áp dụng các biện pháp giảm thuế vào các ngành nghề đặc biệt.
Do đó, ông Gandhi cho rằng, Việt Nam có những cần cải cách về thuế thu nhập doanh nghiệp như: không hạn chế các khoản chi sản xuất kinh doanh được trừ, hợp lý hóa ưu đãi thuế.., để có thể phù hợp với thông lệ quốc tế.
Được biết, năm 2011 Thủ tướng phê duyệt Chiến lược cải cách thuế Việt Nam giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu thúc đẩy sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ trong nước, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư./.
Thành Tâm
Tổ quốc
|