Thứ Sáu, 06/07/2012 22:37

TS Nguyễn Trí Hiếu: Cần 10 tỉ USD cứu doanh nghiệp

Đó là tính toán của TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, người mở ngân hàng Việt Nam đầu tiên trên đất Mỹ (First Vietnamese American Bank).

Công ty mua bán nợ hay quỹ bảo lãnh doanh nghiệp?

* Phóng viên: Liên quan đến đề xuất thành lập công ty mua bán nợ quốc gia khoảng 100.000 tỉ đồng để giải “cục máu đông” nợ xấu, lập quỹ bảo lãnh tín dụng quy mô lớn nhằm khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp (DN) đang có nhiều ý kiến trái chiều, quan điểm của ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, chủ trương thành lập công ty mua bán nợ xấu để xử lý “cục máu đông” đang ngày một tăng lên trong hệ thống ngân hàng (NH) là điều cần làm ngay. Nợ xấu NH đã trở thành vấn đề tầm cỡ quốc gia, nó phải được đánh giá từ nhiều yếu tố như khả năng thu hồi nợ, điều kiện cho vay, tín chấp hoặc thế chấp, “sức khỏe” tài chính và phân tích báo cáo tài chính của các con nợ… Tính toán của tôi, tổng dư nợ trong hệ thống NH vào khoảng 135 tỉ USD (gần 2,8 triệu tỉ đồng), nếu theo con số nợ xấu 10% như NH Nhà nước công bố sẽ vào khoảng 14 tỉ USD (tương đương 280.000 tỉ đồng). Nếu dùng tỉ lệ chiết khấu 50%, chúng ta cần khoảng 7 tỉ USD cho việc mua bán nợ.

* Nhưng dư luận cho rằng lập công ty mua bán nợ chỉ cứu hệ thống NH, giúp các NH hưởng lợi còn Nhà nước phải bỏ tiền ra để cứu?

- Dư luận băn khoăn là có lý, họ cho rằng Chính phủ và người dân không có trách nhiệm phải cứu các NH, DN. Khi kinh doanh yếu kém mất khả năng trả nợ thì không thể lấy tiền thuế của dân để cứu những “ông kẹ” này…

Thế nhưng, như tôi đã nói, đây là vấn đề rất lớn không thể giải quyết đơn giản. Nếu để các NH loay hoay tự giải quyết và mỗi tháng nợ xấu NH tăng lên hơn 8% thì chỉ trong năm nay hệ thống NH có thể sẽ đi vào khủng hoảng vì có khả năng mất vốn trầm trọng và mất thanh khoản. Khi đó, tất cả chúng ta sẽ phải chịu thiệt hại, đặc biệt là những cổ đông của các NH và người gửi tiền. Quan trọng là quy trình xử lý nợ xấu ra sao để người dân tin tưởng. Nếu anh thành lập, hoạt động không đúng, dư luận sẽ không có niềm tin vì cho rằng “các NH lãi khủng, đục nước béo cò mấy năm qua, nay gặp nợ xấu lại chạy đến Nhà nước xin giơ tay cứu vớt!”.

Vì vậy, Chính phủ phải vận động tuyên truyền để thuyết phục người dân, Quốc hội là việc xử lý nợ xấu để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của quốc gia. Và gói ứng cứu khổng lồ này phải dùng một phần từ ngân sách nhưng với cơ chế, quy trình, hành lang pháp lý rõ ràng, có đội ngũ nhân lực chọn lọc… để người dân tin. Hoạt động này vì quyền lợi quốc gia chứ không phải vì nhóm lợi ích cục bộ.

* Thế còn quỹ bảo lãnh tín dụng để giải tỏa “cơn khát vốn” của DN ở quy mô quốc gia, thưa ông?

- Tại Mỹ, có một cơ quan tài trợ cho tiểu thương gọi là SBA (Small Business Administration) bảo lãnh tín dụng cho các DN vừa và nhỏ yếu kém về tài chính. DN vừa và nhỏ sẽ không thể vay vốn nếu không có sự bảo lãnh của SBA.

Với tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 135 tỉ USD, chúng ta cần tăng vốn cho nền kinh tế khoảng 20% (khoảng 27-28 tỉ USD). Nếu không tính số DN có thể tự hồi phục được hay đi vay NH mà không cần bảo lãnh, vẫn cần khoảng 9 tỉ USD, tương đương 200.000 tỉ đồng, để bơm vốn hỗ trợ các DN, đặc biệt, DN vừa và nhỏ. Số tiền này là nguồn vốn tín dụng từ các NH và Chính phủ sẽ bảo lãnh giúp NH mạnh dạn khai thông nguồn vốn huy động để cho vay.

Theo đó, khi DN có nhu cầu vay vốn gõ cửa NH, NH chạy đến quỹ bảo lãnh yêu cầu bảo lãnh cho DN vay. Khi quỹ đồng ý NH mới giải ngân. Vốn vay được lấy từ nguồn huy động của NH nên không ảnh hưởng đến vốn của quỹ này, trừ khi DN không trả được quỹ mới dùng gói 1 tỉ USD ngân sách cấp ra trả cho NH. Cần nhấn mạnh là quỹ này phải có quy trình thông thoáng, nguồn nhân lực chuyên nghiệp và tránh cơ chế “xin - cho”.

Làm ngay, đừng ngồi bàn!

* Cả quỹ bảo lãnh và công ty mua bán nợ đều hướng đến mục đích là rót vốn vào nền kinh tế, làm sạch nợ xấu của NH, DN để phát triển, vậy có nên chọn 1 trong 2 mô hình để tập trung hiệu quả và tiết kiệm?

- Nếu để 2 mô hình lên bàn cân, tôi chọn cả 2 bởi chúng phải được thực hiện song song với nhau, thiếu một vế không thể giải quyết bài toán này. Đây là một phần trong gói tái cấu trúc hệ thống NH chiếm khoảng 10 tỉ USD gồm công ty mua bán nợ 7 tỉ USD, quỹ bảo lãnh 1 tỉ USD và số còn lại có thể phải tái cấp vốn cho các NH. Trong quá trình xử lý nợ xấu, khả năng có một số NH sẽ mất vốn và Chính phủ có thể sẽ phải nhảy vào tái cấp vốn cho họ như Mỹ đã làm vào năm 2008 khi hệ thống NH Mỹ gặp khủng hoảng. Con số này khá lớn so với 120 tỉ USD GDP của nước ta nhưng chỉ chiếm một tỉ lệ khoảng 8% GDP, nếu so với nợ công sẽ không quá giật mình.

Với số tiền 7 tỉ USD xử lý nợ xấu, ngân sách Nhà nước cần bỏ ra khoảng 60%. Các NH phải đóng góp 20%, là trách nhiệm và cái giá phải trả cho sự “quá rộng rãi” cho vay trong quá khứ. Số tiền còn lại có thể trông cậy vào các tổ chức tài chính quốc tế như WB, IMF… khi họ sẵn sàng giúp chúng ta xử lý nợ xấu.

* Thời điểm này đã thật sự thích hợp thực hiện kế hoạch này chưa, thưa ông?

- Đã đến lúc Nhà nước phải “xắn tay áo” vào làm ngay, không nên quá “cân đong đo đếm” giữa các nhóm lợi ích. Nợ xấu đang tăng lên mỗi tháng, còn DN lao đao, NH Nhà nước nên có kế hoạch ngay để trình Quốc hội phê duyệt, nhanh chóng tạo “hình hài” công ty mua bán nợ. Muốn tìm được sự đồng thuận từ người dân, các tổ chức quốc tế, Chính phủ phải chứng minh được đây là việc muốn làm một cách nghiêm túc, đừng chậm trễ.

Thái Phương thực hiện

Người lao động

Các tin tức khác

>   TKV cho vay nội bộ lãi suất 12,5%/năm (06/07/2012)

>   Bơm tín dụng: Bao giờ bất động sản sống lại? (06/07/2012)

>   Navibank được phép tự tái cấu trúc, không sáp nhập: Cơ sở nào? (05/07/2012)

>   Chính sách tiền tệ tạo niềm tin cho thị trường (05/07/2012)

>   35 ngân hàng cổ phần tổng vốn 170.000 tỷ đồng (05/07/2012)

>   Ông Bùi Khắc Sơn tiếp tục giữ chức TGĐ Bảo hiểm tiền gửi VN (05/07/2012)

>   Tín dụng đổ vào bất động sản (04/07/2012)

>   Ông Nguyễn Đức Vinh chính thức làm Tổng giám đốc VPBank (04/07/2012)

>   TS Cao Sỹ Kiêm: Bơm tiền vô lối rất nguy hiểm! (04/07/2012)

>   Tuần này, VPBank và TienPhongBank đón CEO mới? (04/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật