Thứ Tư, 04/07/2012 23:06

Tín dụng đổ vào bất động sản

Nếu các ngân hàng tiếp tục đổ tiền vào lĩnh vực bất động sản, không những doanh nghiệp sản xuất mất cơ hội tiếp cận nguồn vốn mà nợ xấu có nguy cơ gia tăng.

Trong khi các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kể cả DN thuộc nhóm đối tượng ưu tiên, đang thiếu vốn trầm trọng do không tiếp cận được vốn vay ngân hàng (NH) vì vướng nợ xấu, không có tài sản thế chấp…, các NH đang mạnh tay đưa vốn vào thị trường bất động sản thông qua hình thức cho vay cá nhân với lãi suất rất hấp dẫn.

Đầu ra hấp dẫn cho ngân hàng

Là một trong những NH tiên phong trong việc giảm lãi suất, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang thực hiện chương trình liên kết 4 nhà. Theo đó, BIDV dành gói tín dụng 4.000 tỉ đồng cho khách hàng vay mua nhà với lãi suất chỉ 12%/năm trong vòng 6 tháng đầu tiên. Cách đây vài ngày, BIDV Chi nhánh TPHCM đã phối hợp với Công ty Bất động sản Hưng Thịnh cho khách hàng vay mua căn hộ Âu Cơ Tower với lãi suất 12%/năm trong 6 tháng đầu tiên. Cũng với mức lãi suất này, NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) vừa công bố sẽ dành 2.000 tỉ đồng để cho khách vay kinh doanh, mua, sửa chữa nhà.

Đáng chú ý, mới đây, NH TMCP Quốc tế (VIB) tung ra chương trình cho vay mua, xây, sửa nhà với lãi suất chỉ 9,9%/năm trong 3 tháng đầu tiên. Tổng hạn mức của gói tín dụng này là 1.000 tỉ đồng, thời gian áp dụng đến ngày 30-9-2012 hoặc khi giải ngân hết hạn mức. Hiện tại, nhiều NH khác cũng đã kéo lãi suất cho vay bất động sản xuống mức 13%-13,5%/năm...

ThS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công - Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhận xét nền kinh tế đang trong giai đoạn gần như đình trệ nên những DN đang ổn định sẽ không muốn sử dụng vốn vay để mở rộng sản xuất. Trong khi đó, các DN khó khăn, cần vốn thì NH e ngại cho vay vì quá rủi ro. Vì vậy, rót vốn cho cá nhân vay để mua, xây, sửa chữa nhà được xem là an toàn nhất hiện nay. Bởi thực tế, giá bất động sản đã ở mức hợp lý nên khi định giá để cho vay với tỉ lệ 70% giá trị nhà thì các NH không sợ rủi ro.

“Bóng ma” nợ xấu

Tuy nhiên, theo TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính - Trường ĐH Kinh tế TPHCM, khi dòng vốn đổ ra nhiều thì các NH như đang “tiếp tay” làm cho nền kinh tế có nguy cơ xấu hơn vì lĩnh vực bất động sản phần lớn tiêu thụ sản phẩm, mặt hàng nhập khẩu (nội thất, vật liệu xây dựng) chứ không hẳn là những mặt hàng sản xuất trong nước để có thể kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh. Về vấn đề vốn đang đổ vào bất động sản, một chuyên gia tài chính cho rằng thà để thị trường bất động sản rơi vào tình trạng xấu nhất để rồi làm lại thì vẫn tốt hơn tình trạng hiện nay.

Các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý nếu các NH tiếp tục đổ tiền mạnh vào bất động sản, không những các DN sản xuất tiếp tục mất cơ hội tiếp cận nguồn vốn NH mà nợ xấu của các NH có nguy cơ gia tăng.

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, dư nợ cho vay bất động sản cuối năm 2011 lên tới 348.079 tỉ đồng, cao hơn 1,8 lần so với con số các NH đã báo cáo. Tỉ lệ nợ xấu trên thực tế cũng tăng gấp 8,4 lần và đạt 56.770 tỉ đồng.

Theo báo cáo tài chính của các NH BIDV và VietinBank (CTG) là những NH dẫn đầu cho vay 2 nhóm ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản với trị giá hơn 41.000 tỉ mỗi NH. Tỉ lệ cho vay trên tổng dư nợ là 14%. Đáng chú ý là một số NH có quy mô nhỏ cũng có tỉ trọng cho vay 2 lĩnh vực này lên đến 26%, trong đó có NH cho vay trong lĩnh vực xây dựng lên tới 10.293 tỉ đồng và 998 tỉ đồng cho kinh doanh bất động sản… Tổng giá trị các khoản cho vay vào 2 lĩnh vực này của 10 NH được thống kê đạt 147.000 tỉ đồng, bằng khoảng 73% dư nợ bất động sản được các NH báo cáo cuối năm 2011.

Người vay cũng cần thận trọng

TS Lê Đạt Chí lưu ý: Các NH chủ yếu đưa ra mức lãi suất rẻ ở giai đoạn đầu. Vì vậy, người đi vay cần thận trọng và phải lường trước những vấn đề có thể phát sinh, như nguy cơ tăng lãi suất, bởi đa phần thời gian vay thường trên 3 năm trong khi lãi suất thấp chỉ được áp dụng trong 3 - 6 tháng đầu. Chính vì vậy, người vay phải có thỏa thuận cụ thể về mức lãi suất sau này. Có thể là cộng thêm 3% so với lãi suất huy động để không xảy ra tình trạng lãi suất bị đẩy lên cao ngoài ý muốn như thực tế từng xảy ra. Ngoài ra, cũng cần phải tính đến việc bị phạt lãi suất nếu trả vốn trước hạn.


Phạm Đình

Người lao động

Các tin tức khác

>   Ông Nguyễn Đức Vinh chính thức làm Tổng giám đốc VPBank (04/07/2012)

>   TS Cao Sỹ Kiêm: Bơm tiền vô lối rất nguy hiểm! (04/07/2012)

>   Tuần này, VPBank và TienPhongBank đón CEO mới? (04/07/2012)

>   VIBank: Lãi suất cho vay bất động sản chỉ từ 9.9%/năm (04/07/2012)

>   Ngân hàng tự làm mới (04/07/2012)

>   Ngân hàng lại cấp tập tăng vốn (04/07/2012)

>   BIDV chậm niêm yết vì chưa chốt xong số liệu kiểm toán (03/07/2012)

>   Giảm lãi suất cho vay: Mưa dầm thấm lâu (02/07/2012)

>   Thêm một sự thật về giảm lãi suất cho vay (02/07/2012)

>   Ngân hàng "ngán" vàng? (02/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật