Thứ Ba, 17/07/2012 11:12

Trái phiếu châu Á – nơi trú ẩn an toàn mới cho nhà đầu tư

Trái phiếu Chính phủ châu Á ngày càng thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư như một nơi trú ẩn an toàn mới trong bối cảnh kinh tế Mỹ và châu Âu vẫn còn nhiều bấp bênh và nhà đầu tư tiếp tục xa lánh cổ phiếu do biến động mạnh.

 

Theo đó, giới đầu tư tiếp tục đổ tiền vào trái phiếu Chính phủ châu Á trong năm nay do số liệu kinh tế yếu kém của các quốc gia phát triển và nguy cơ rút lui khỏi Eurozone của Hy Lạp đã châm ngòi cho làn sóng tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro như hàng hóa, cổ phiếu và ngoại tệ.

Theo số liệu từ Tổ chức Nghiên cứu EPFR Global của Mỹ, các quỹ đầu tư trái phiếu mới nổi châu Á thu hút được 14.4 tỷ USD trong quý 1 năm nay, ghi nhận sự gia tăng vượt bậc so với mức 1.9 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhận định của ông Kenneth Akintewe, Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Aberdeen Asset Management trên CNBC thì triển vọng tăng trưởng yếu kém của Mỹ và Trung Quốc có thể tiếp tục hỗ trợ thị trường trái phiếu ít nhất đến hết quý 3 năm nay.

Ông Akintewe cho biết lợi suất bình quân của một chỉ số trái phiếu nội tệ điển hình như HSBC Asian Local Currency Bond Index là từ 4-5%, hấp dẫn hơn so với lợi suất bình quân của một số thị trường phát triển vốn đang phải đối mặt với khủng hoảng tài chính. Ông cho biết thêm các mức lợi suất này sẽ tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư nhờ tình hình tài chính vững mạnh của hầu hết các Chính phủ trong khu vực.

Chẳng hạn như Indonesia có nợ công chưa tới 25% GDP và cũng ít phụ thuộc vào các mặt hàng xuất khẩu của châu Âu. Dù vậy, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm bằng đồng rupiah ở vào khoảng 6.05%, vượt xa mức 1.445% đối với trái phiếu cùng kỳ hạn của Mỹ.

Philippines cũng là một “vịnh tránh bão” đầy bất ngờ. Theo số liệu mới nhất từ ngân hàng trung ương nước này, dự trữ ngoại hối của Chính phủ lên tới 76 tỷ USD, tức gấp 6 lần các khoản nợ nước ngoài ngắn hạn. Bên cạnh đó, tới 95% chủ nợ của Philippines là nhà đầu tư trong nước và hiện lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm bằng đồng peso cao hơn khoảng 4% so với lợi suất trái phiếu kho bạc cùng kỳ hạn của Mỹ.

Mới đây, Standard & Poor's (S&P) đã nâng xếp hạng tín nhiệm của Philippines từ “BB" lên “BB+”, mức cao nhất trong 9 năm và chỉ còn cách một bậc so với cấp độ đầu tư.

Ông Nicholas Ferres, Giám đốc Quản lý Tài sản của EastSpring Investments, thích đầu tư vào trái phiếu của Hàn Quốc và Việt Nam. Ông cho rằng trái phiếu Việt Nam là một trong những trái phiếu hấp dẫn nhất châu Á và các thị trường mới nổi với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm là 10%.

Ông nói: “Mức lợi suất trên khá hấp dẫn, VND đã giảm khoảng 32% trong vài năm trở lại đây và lạm phát cũng bắt đầu hạ nhiệt”. Ông cho biết thêm: “Việt Nam đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng tín dụng quá mạnh và lạm phát cao trong các năm qua. Điều này đã gây áp lực lên các vị thế bên ngoài và VND. Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản sẽ cải thiện trong thời gian tới”.

Trong khi đó, ông Aberdeen ưa thích trái phiếu nội tệ của Malaysia, Thái Lan, Philippines và Hàn Quốc.

Trái phiếu châu Á cũng hấp dẫn do tỷ lệ vỡ nợ tương đối thấp hơn so với mức trung bình của toàn cầu. Theo Moody's, tỷ lệ vỡ nợ của trái phiếu châu Á, bao gồm trái phiếu doanh nghiệp – trong vòng 10 năm qua chỉ có 0.8%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân toàn cầu là 1.8%. Trên thực tế từ năm 1999 đến nay chưa hề có trái phiếu với mức xếp hạng đầu tư nào của châu Á vỡ nợ.

Tại châu Á, chỉ có trái phiếu của một số quốc gia như Singapore, Hồng Kông và Australia là có xếp hạng AAA. Tiếp đó, trái phiếu của New Zealand, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan cũng có xếp hạng tín nhiệm cao.

Tuy nhiên theo quan điểm của ông Akintewe từ Aberdeen Asset Management, xếp hạng tín nhiệm chỉ là một cách để đánh giá rủi ro nên nhà đầu tư nên xem xét kỹ hơn trái phiếu của một quốc gia cụ thể và phân tích những lợi ích từ khoản đầu tư này.

Ông Ferres từ EastSpring đồng ý với quan điểm này và cho biết thêm rằng xếp hạng tín nhiệm không thực sự tương xứng với đánh giá của ông về các khoản đầu tư.

Ông nói: “Các thị trường sẽ đánh giá sự sa sút hoặc cải thiện của các yếu tố cơ bản trước các hãng xếp hạng tín nhiệm. Câu hỏi đặt ra là liệu sự cải thiện hoặc sự sa sút đã chiết khấu hết vào lợi suất trái phiếu hoặc các đồng nội tệ hay chưa.”

Phước Phạm (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Canada phong tỏa hàng tỷ USD của các nước Arập (17/07/2012)

>   Thêm 13 ngân hàng Italia bị Moody’s hạ bậc tín nhiệm (17/07/2012)

>   Citigroup sẽ tăng cổ tức (16/07/2012)

>   IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 2013 (16/07/2012)

>   Hungary hướng tới thỏa thuận tín dụng với IMF-EU (16/07/2012)

>   Lạm phát ở khu vực đồng euro vẫn giữ ở mức 2,4% (16/07/2012)

>   Vì sao lợi suất trái phiếu ngắn hạn châu Âu đồng loạt xuống dưới 0%? (16/07/2012)

>   Kiếm tiền ở đâu “sướng” nhất thế giới? (16/07/2012)

>   8 sự kiện thế giới quan trọng cần theo dõi trong tuần này (16/07/2012)

>   Ý dự định bán tài sản để giảm 20% nợ vào năm 2018 (16/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật