Chủ Nhật, 08/07/2012 10:29

Thị trường điện cạnh tranh: 5 năm hay 17 năm?

Trong khi Bộ Công Thương khẳng định mô hình thị trường phát điện cạnh tranh từ 1/7 hiện nay là minh bạch, khách quan, công bằng thì các chuyên gia của Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho rằng, thị trường điện chỉ cần xây dựng trong khoảng 5 năm thay vì tới 17 năm.

Lọ ngại tính hình thức

Mô hình thị trường phát điện cạnh tranh cho Việt Nam là thị trường tập trung chào giá theo chi phí. Bộ Công Thương khẳng định, mô hình này sẽ tạo động lực cho các nhà máy điện nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, làm tăng tính công khai, minh bạch, công bằng trong hoạt động vận hành của khâu phát điện, thu hút đầu tư phát triển nguồn điện từ các thành phần kinh tế khác, ổn định giá điện.

Các đơn vị phát điện sẽ được quyền chủ động chào giá trên thị trường, việc huy động các nhà máy điện sẽ hoàn toàn căn cứ vào các bản chào giá này, theo nguyên tắc chọn các nhà máy chào giá thấp để huy động công suất cho đến khi đủ nhu cầu cho hệ thống điện. Trên thị trường, giá phát điện dựa trên các bản chào này sẽ phản ánh đúng tín hiệu cung- cầu của hệ thống điện nên giá của khâu phát điện sẽ minh bạch, khách quan.

Tuy nhiên, chia sẻ với VietnamNet, một lãnh đạo của Hiệp hội năng lượng Việt Nam, đồng thời cũng là chuyên gia lâu năm trong ngành điện bức xúc bày tỏ: "Đó chỉ là tên gọi, còn thực chất có đúng là thị trường đó không thì lại là vấn đề khác".

Ông nói: "Đã là thị trường thì phải có nhiều người bán và nhiều người mua. Còn nếu trăm người bán, một người mua thì không bao giờ là thị trường được, đó chính là sự độc quyền giữa người bán và người mua".

Từ 1/7, ngành điện - theo kỳ vọng và đánh giá của Bộ Công Thương đã bước sang một bước ngoặt lịch sử mới, là bước đầu tiên, đánh dấu sự chuyển đổi cơ bản từ cơ chế hiện tại sang cơ chế thị trường.

Song, theo phân tích của các chuyên gia ở Hiệp hội năng lượng, chưa có gì gọi là chuyển đổi cơ bản ở đây. Hiện nay, từ khâu mua điện bán buôn, truyền tải điện, phân phối điện, hạch toán điện, điều độ điện quốc gia và đến khâu bán lẻ... vẫn do EVN chi phối.

Dẫn chứng cụ thể, vị đại diện lãnh đạo Hiệp hội này nói, về nguồn, EVN chiếm tỷ trọng rất lớn, trên 60%, đặc biệt sau khi thủy điện Sơn La vào, thủy điện Lai Châu và 10 nhà máy nhiệt điện vào nữa. Tất cả các đơn vị phát điện như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than, Tổng công ty Sông Đà, các dự án BOT, IPP và hơn 200 doanh nghiệp thủy điện vừa và nhỏ còn lại chỉ chiếm tầm chưa đến 40%.

Điểm lại hiện trạng này, vị chuyên gia năng lượng trên bày tỏ: "Để có một thị trường phát điện cạnh tranh thì phải giảm bớt tỷ trọng, các thị phần nguồn điện của EVN. Nhiều khâu trong sản xuất kinh doanh điện hiện nay như mua bán điện, khâu truyền tải, điều độ... phải nhanh chóng tách khỏi EVN để đảm bảo sự khách quan. Đồng thời, mỗi khâu này sẽ phải xác lập một mô hình tổ chức phù hợp.

Đơn cử như đối với khâu quan trọng như mua bán điện, cả nước cần có tối thiểu 3 Tổng công ty mua bán điện độc lập với EVN thuộc Bộ Công Thương hoặc Bộ Tài chính, cơ quan chuyên giám sát về giá, sẽ nắm được giá nào là hợp lý, mang tính khách quan, không thiên vị ai cả.

Hoặc khâu điều độ điện quốc gia chịu trách nhiệm điều độ cho các nhà máy nào được lên lưới, được vận hành bao nhiêu giờ một năm, phát điện lúc nào, giờ nào, lượng bao nhiêu thì phải nằm ngoài EVN mới đảm bảo sự khách quan.

Trên thực tế, nhiều công ty mới được thành lập trong ngành điện chỉ là một cách thay tên đổi họ cho một hoặc một nhóm công ty và cái gốc vẫn thuộc sở hữu hoàn toàn của EVN.

Giảm độc quyền có thị trường cạnh tranh

Theo Quyết định 26 của Thủ tướng, thị trường điện cạnh tranh chia làm 3 cấp độ, trong đó, cấp độ 1 là phát điện cạnh tranh hình thành từ 2005-2014, cấp độ 2 bán buôn điện cạnh tranh từ 2014-2022 và cấp độ 3 là bán lẻ cạnh tranh sau năm 2022.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội năng lượng, toàn bộ quá trình thiết kế hình thành thị trường điện cạnh tranh chỉ cần 2 cấp độ. Cấp độ 1 là thị trường hóa bán buôn điện và cấp độ 2 là thị trường hóa bán lẻ điện. Cả hai cấp độ này chỉ làm trong vòng tối đa 5 năm, chứ không kéo tới 17 năm, chờ năm 2022 như hiện nay.

Lãnh đạo Hiệp hội này cho rằng, 3 cấp độ mà Nhà nước đưa ra là không thực tiễn, không hợp lý. Việc đề ra 3 cấp độ cho thị trường điện mà không có giải pháp thực hiện thì chỉ là hô hào khẩu hiệu.

Theo ý tưởng của các chuyên gia hiệp hội này, cấp độ thứ nhất, mở ra thị trường bán buôn điện cạnh tranh, bao gồm cả khâu phát điện. Thời gian triển khai cần bắt đầu triển khai ngay từ bây giờ với nội dung cốt lõi sắp xếp lại ngay tổ chức ngành điện. Dự kiến, chậm nhất đến năm 2013 xong việc cải tổ này, khi các khâu được bố trí độc lập với EVN và về các nơi chủ quản hợp lý rồi thì triển khai thị trường bán buôn phát điện cạnh tranh và dự kiến, tới năm 2014 có thể xong thị trường này.

Với cấp độ 2, thị trường bán lẻ điện hoàn toàn có thể bắt đầu từ 2015-2016 là xong. Khi đó, thị trường bán buôn điện sẽ nhờ hệ thống trung tâm điều độ, được hưởng dịch vụ của bán buôn, truyền tải, trả phí cho điện phân phối từ 110kV trở xuống. Lúc đó, Nhà nước có thể giao cho các công ty điện lực các tỉnh thực hiện công tác bán lẻ điện.

"Lúc đó, chỉ cần duy trì 5 tổng công ty điện lực, 62 công ty điện lực địa phương để làm công tác bán lẻ. Các công ty bán buôn điện bán trực tiếp cho các công ty điện lực địa phương, còn công ty điện lực đó trình Chính phủ quyết giá bán lẻ. Lúc đó, dân muốn mua điện của ai thì mua, của công ty nào có dịch vụ tốt thì mua. Còn hạch toán bán lẻ lúc đó sẽ tính. Thế thì sẽ hình thành thị trường bán lẻ", ông nói.

Giai đoạn đầu có 29 nhà máy thuộc 22 công ty phát điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường, tổng công suất 9.035 MW. Riêng các nhà máy thủy điện lớn, chiến lược đa mục tiêu như Hòa Bình, Sơn La sẽ không tham gia chào giá trên thị trường mà được huy động trên cơ sở phối hợp với các nhiệm vụ tưới tiêu, chống lũ. Các nhà máy điện khác như nhà máy cung cấp dịch vụ phụ trợ, nhà máy thủy điện có hồ chứa điều tiết nước dưới 1 tuần, các nguồn nhập khẩu sẽ do Đơn vị vận hành thị trường điện điều động theo nguyên tắc tối thiểu hóa chi phí mua điện, đảm bảo an ninh hệ thống điện.

Phạm Huyền

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp thiếu vốn: Nghịch lý vay - cho vay (08/07/2012)

>   Kích thích tiêu dùng cứu doanh nghiệp (07/07/2012)

>   Doanh nghiệp mất năng động? (07/07/2012)

>   Ngành thép: Khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 4% (07/07/2012)

>   Giá điện tăng, doanh nghiệp ngành điện không tăng lãi (07/07/2012)

>   Bộ Tài chính: Chặn “phí lót tay” cũng là giải pháp cứu DN (07/07/2012)

>   Doanh nghiệp vẫn đang phải vay với lãi suất 12-20% (07/07/2012)

>   Ngân hàng bảo vay dễ, doanh nghiệp nói: “Không dám!” (07/07/2012)

>   TS Nguyễn Trí Hiếu: Cần 10 tỉ USD cứu doanh nghiệp (06/07/2012)

>   Doanh nghiệp muốn “chết” cũng khó (06/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật