Thứ Bảy, 07/07/2012 08:59

Giá điện tăng, doanh nghiệp ngành điện không tăng lãi

Giá điện tăng thêm 5% kể từ ngày 1/7. Theo logic, nhiều người nghĩ các DN sản xuất điện sẽ có cơ hội gia tăng lợi nhuận, nhưng thực tế không phải vậy.

 

Trao đổi với ĐTCK, ông Khuất Minh Toản, Phó tổng giám đốc CTCP Thủy điện Thác Bà (TBC) cho biết, hiện Công ty đã đàm phán xong giá bán điện năm 2012 với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), so với giá điện năm 2011 thì giá bán điện năm 2012 thậm chí còn thấp hơn. Trong năm nay, do Công ty có lượng dự trữ lớn, các chi phí đầu vào lại giảm, khấu hao giảm…, nên dựa trên những yếu tố này, EVN đã hạ giá mua điện đối với TBC so với năm 2011. Thủ tục đàm phán giá điện đã hoàn tất trước thời điểm 1/7.

Ông Toản cho rằng, việc tăng giá điện sẽ không làm tăng doanh thu và lợi nhuận của TBC nói riêng và các DN sản xuất điện nói chung. Bởi hiện nay, EVN dù được phép tăng giá bán lẻ điện, nhưng không có quy định buộc họ phải tăng giá mua vào với các DN trực tiếp sản xuất điện.

Theo ông Võ Thành Trung, Tổng giám đốc CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH), việc tăng giá điện lên 5% không tác động hay liên quan đến doanh thu và lợi nhuận của Công ty. Sau gần 3 năm đàm phán giá điện giữa VSH và EVN đến nay vẫn chưa có kết quả, dù Bộ Công thương đã phải đứng ra chỉ đạo. Hiện VSH đang tạm tính giá điện trong 6 tháng đầu năm 2012 ở mức 351 đồng/KWh (bằng 62,3% so với giá điện bình quân năm 2009) theo đề xuất của EVN. Đây là con số tạm tính để đóng thuế, còn sau khi có con số chính thức thì Công ty sẽ phải thay đổi lại con số trong báo cáo tài chính. Mức giá điện tạm hạch toán này thấp hơn so với giá đàm phán với EVN trước đây.

VSH là DN 100% vốn nhà nước thực hiện cổ phần hóa và hiện tại EVN vẫn đang nắm giữ trên 30% cổ phần tại DN này. Do đó, có ý kiến cho rằng, nếu mua điện giá cao của VSH thì bản thân EVN cũng được lợi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, EVN khó có thể làm như thế, bởi còn phải so sánh với tương quan giá mua điện của các DN khác mà EVN không nắm cổ phần chi phối.

Lãnh đạo VSH nhận định, nếu được chấp thuận theo giá bán lẻ điện mới thì EVN vẫn lỗ, nên việc mua điện (đầu vào) từ các DN sản xuất điện với giá cao hơn là rất khó. Trên thực tế, giá bán điện của các DN cho EVN sẽ được thỏa thuận qua mỗi năm do biến động chi phí đầu vào (ngoại trừ những dự án lớn đàm phán trước giá bán điện đến 25 năm). Sở dĩ nhiều DN ngành điện và EVN chưa thống nhất được với nhau về giá điện là do các DN sản xuất yêu cầu một mức giá tùy thuộc vào các chi phí sản xuất. Trong khi đó, EVN không chấp nhận vì đang bị lỗ và bị giới hạn bởi một mức giá khi đàm phán theo quy định của Bộ Công thương. Chính vì những “zích zắc” này mà giữa VSH và EVN vẫn chưa có tiếng nói chung về giá điện.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành điện Việt Nam hoạt động với đặc thù là người mua duy nhất sản phẩm đầu ra của các DN, đồng thời là người duy nhất phân phối tới người tiêu dùng. Do vậy, chỉ khi nào tái cơ cấu ngành điện, không còn sự độc quyền và có người điều tiết thì mới giải quyết được vướng mắc về mua bán điện giữa EVN và các DN sản xuất điện.

Ông Lê Đức Tạo, phụ trách công bố thông tin CTCP Nhiệt điện Ninh Bình (NBP) cho hay, EVN đã chốt giá bán điện của NBP trong năm 2012 là trên 1.000 đồng/kWh. Trong 6 tháng đầu năm, Công ty chỉ tạm tính bằng giá bán điện của năm 2011, sau khi hợp đồng mua bán điện được EVN ký chính thức, Công ty sẽ tính toán lại. Tuy nhiên, theo đại diện NBP, giá điện bán lẻ tăng không tác động gì đến lợi nhuận, cũng như giá bán điện của Công ty, bởi Công ty tiến hành đàm phám giá điện với EVN trước thời điểm 1/7.

Như vậy, mặc dù EVN đã có quyết định tăng giá điện lần thứ hai trong năm 2012, nhưng khả năng điều chỉnh giá điện mua vào với các DN sản xuất điện vẫn rất khó. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận của các DN sản xuất điện gần như không có cơ hội tăng thêm sau quyết định tăng giá điện của EVN.

Hoàng Anh

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   VNT: Bản cáo bạch và Điều lệ (06/07/2012)

>   VE2: Thay đổi giấy phép kinh doanh, tăng vốn lên 21.6 tỷ đồng (06/07/2012)

>   DBC thành lập đơn vị trực thuộc (06/07/2012)

>   DNP dự kiến lãi lòng 2012 chỉ bằng 54% năm trước (06/07/2012)

>   TIG: Thoái hết 80% vốn tại Quản lý Đầu tư Thăng Long Phú Thọ (06/07/2012)

>   PXT: Tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2012 (06/07/2012)

>   QCG: Thông qua việc cơ cấu vốn nợ, tăng hạn mức vay lên 1,800 tỷ đồng (06/07/2012)

>   ACC: Giải trình biến động lợi nhuận Q1/2012 (06/07/2012)

>   ITQ: Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2010 (06/07/2012)

>   ITQ: Báo cáo tài chính kiểm toán 2011 (06/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật