Thứ Năm, 12/07/2012 08:27

Thất bại kép vì thuế trái phiếu

Nỗ lực thu hút NĐT nước ngoài đổ tiền vào thị trường trái phiếu đang gần như bế tắc, một trong những nguyên nhân chính là do chính sách thuế bất cập.

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), hiện tổng giá trị lượng trái phiếu mà NĐT nước ngoài còn nắm giữ chỉ khoảng trên 200 triệu USD. Nỗ lực thu hút khối NĐT này đổ tiền vào thị trường trái phiếu (TTTP) đang gần như bế tắc, một trong những nguyên nhân chính là do chính sách thuế bất cập.

Nhiều bất cập

Đã có hàng tỷ USD đổ vào TTTP Việt Nam trong giai đoạn 2006 - 2007. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, nên số vốn ngoại này đã nhanh chóng “chảy” ra khỏi thị trường. Theo ước tính của VBMA, tổng giá trị lượng trái phiếu mà NĐT nước ngoài nắm giữ đã giảm mạnh và hiện ước chỉ còn trên 200 triệu USD. Nỗ lực thu hút dòng vốn ngoại cho TTTP đang gặp khó vì nhiều lý do, trong đó sự bất cập của chính sách thuế là nguyên nhân đáng kể.

Để gỡ khó cho TTTP, đã không ít lần VBMA gửi kiến nghị xem xét điều chỉnh mức thuế cho phù hợp hơn tới Bộ Tài chính. Tuy nhiên, kiến nghị của các thành viên TTTP chưa được tháo gỡ kịp thời. Không những thế, các bất cập cũ, nhất là tình trạng thuế cao tiếp tục được thể hiện tại dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với lĩnh vực chứng khoán, mà Bộ Tài chính đang xây dựng.

Bất cập đầu tiên là về thuế suất đối với giao dịch repo trái phiếu. Theo dự thảo Thông tư, số thuế phải nộp được xác định bằng 0,1% tổng giá trị trái phiếu bán ra tại thời điểm chuyển nhượng ở giao dịch lần 2. Ví dụ: NĐT A có trái phiếu thực hiện giao dịch repo. Tại giao dịch 1, NĐT này chuyển giao trái phiếu cho NĐT B để nhận 1 triệu đồng. Sau 2 tuần, tại giao dịch 2: NĐT A nhận lại trái phiếu và NĐT B nhận lại từ NĐT A 1,2 triệu đồng. Số thuế TNDN phải nộp đối với giao dịch repo trái phiếu đối với trường hợp này là 0,1% x 1,2 triệu đồng = 1.200 đồng.

Theo VBMA, với cách đánh thuế này, thì bên thực hiện giao dịch repo (bên cho vay) sẽ chịu thuế trên cả gốc và lãi vay. Điều này có thể dẫn đến trường hợp thuế phải nộp lớn hơn lãi suất thu được từ giao dịch repo, khi mức lãi suất repo thấp hơn 0,1%/năm. Bất cập này tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tham gia đầu tư trên TTTP.

Cũng theo dự thảo Thông tư: “Trường hợp phát hành trái phiếu theo hình thức chiết khấu giá trái phiếu, thì số thuế phải nộp được xác định bằng 5% của khoản chênh lệch giữa mệnh giá và giá phát hành tại thời điểm đáo hạn trái phiếu”.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA cho biết, quy định này dẫn đến bất cập là NĐT nắm giữ trái phiếu tại thời điểm đáo hạn sẽ phải chịu thuế, trong khi người được hưởng chênh lệch giữa mệnh giá và giá phát hành là NĐT mua trái phiếu tại thời điểm phát hành lại không phải chịu thuế. Bất cập này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của NĐT nắm giữ trái phiếu tại thời điểm đáo hạn.

Nên miễn thuế

Ông Quỳnh cho rằng, đây là lúc các cấp quản lý cần định vị lại chính sách thuế đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh trái phiếu theo mục tiêu rõ ràng hơn. Theo đó, thời gian đầu nên miễn hoặc đánh thuế rất thấp đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh trái phiếu, nhằm tạo động lực thu hút NĐT tham gia thị trường nhiều hơn. Khi số lượng và chất lượng NĐT phát triển đến một mức nhất định, cùng với đó căn cứ trên định hướng phát triển TTTP mà tăng mức thuế phù hợp.

“Đây là bước đi cần thiết nhằm khắc phục tình trạng thất bại kép hiện tại là vừa không thu hút được NĐT, nhất là NĐT nước ngoài tham gia thị trường, vừa không thu được nhiều thuế, do mức thuế cao làm cho NĐT không mặn mà tham gia thị trường”, ông Quỳnh nói.

Theo VBMA, do hàng hóa trên TTTP hiện tại hầu hết là trái phiếu chính phủ, nên mức thuế cao còn gây nên một tác động tiêu cực khác là đẩy chi phí phát hành của Chính phủ lên cao. Điều này khiến cho giá trái phiếu đắt đỏ, không hấp dẫn NĐT. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ khiến TTTP Việt Nam ngày càng trở nên kém hấp dẫn so với các TTTP trong khu vực.

VBMA kiến nghị, dự thảo Thông tư nên bổ sung quy định chỉ tính thuế trên lãi trái phiếu đối với trái phiếu phát hành theo hình thức chiết khấu. Ngoài ra, điều chỉnh quy định về thuế suất đối với giao dịch repo trái phiếu theo hướng: tính thuế trên chênh lệch giữa giá trị giao dịch lần 1 và giá trị giao dịch lần 2.

Để cách tính thuế đối với giao dịch repo trái phiếu hợp lý hơn, giám đốc tài chính một CTCK là thành viên của VBMA kiến nghị, Ban soạn thảo nên loại trừ doanh thu là lãi trái phiếu nhận được trong thời gian chưa bán lại trái phiếu khi tính thuế. Theo thông lệ giao dịch repo trái phiếu quốc tế, thì các quyền lợi phát sinh trong thời gian repo thuộc về bên bán trái phiếu lần đầu và bên mua nhận được phải hoàn trả lại.

Hữu Đạo

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Đến 2015, Tập đoàn, TCty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành (09/07/2012)

>   Thuế: quyết không đánh oan! (06/07/2012)

>   HNX30 bao gồm những cổ phiếu nào? (05/07/2012)

>   Sẽ có chính sách thuế mới cho TTCK từ năm 2013? (04/07/2012)

>   Sắp có chính sách mới cho TTCK (04/07/2012)

>   Phân định DN có vốn ngoại: Chờ sửa luật (23/06/2012)

>   Công bố thông tin bất thường, DN bảo hiểm gặp khó (16/06/2012)

>   UBCK mạnh tay với vi phạm giao dịch ký quỹ (14/06/2012)

>   Dự thảo Thông tư về thuế chứng khoán còn sơ sài (13/06/2012)

>   Quỹ bảo vệ NĐT, 5 năm tồn tại trên... giấy (08/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật