Quỹ bảo vệ NĐT, 5 năm tồn tại trên... giấy 5 năm sau khi Luật Chứng khoán có hiệu lực, đến thời điểm này, quy định khung về việc CTCK phải trích lập Quỹ bảo vệ NĐT vẫn chưa được hướng dẫn chi tiết. Bài 1: 3 văn bản, 1 quy định khung Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1/1/2007 quy định, CTCK trích lập Quỹ bảo vệ NĐT để bồi thường thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong CTCK. Đáng tiếc là 5 năm trôi qua kể từ khi Luật có hiệu lực, công cụ hiếm hoi bảo vệ NĐT này vẫn nằm… trên giấy, do chưa có bất cứ hướng dẫn cụ thể nào về việc trích lập Quỹ bảo vệ NĐT cho CTCK. Văn bản hướng dẫn “sao chép” Luật Những chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa CTCK và NĐT, thậm chí là tranh chấp dẫn đến hai bên đưa nhau ra tòa để phân xử, lẽ ra đã không quá “nóng”, nếu một quy định trong Luật Chứng khoán có hiệu lực từ năm 2007 không bị nằm im trên giấy. Cụ thể, khoản 7, Điều 71 của Luật khi quy định về nghĩa vụ của CTCK có nội dung: “CTCK mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty, hoặc trích lập Quỹ bảo vệ NĐT để bồi thường thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty... ”. Sở dĩ nhiều người lục tìm lại quy định tưởng như đã rơi vào quên lãng này, bởi mới đây, liên quan đến vụ nguyên Tổng giám đốc CTCK Liên Việt bị bắt, lãnh đạo nhiều CTCK cảm thấy họ đang thực sự ngồi trên “ghế nóng”, bởi môi trường làm việc đầy rủi ro, nhưng đến thời điểm này, chưa có các công cụ hữu hiệu để giúp giảm thiểu rủi ro cho người hành nghề kinh doanh chứng khoán, cũng như NĐT của họ. Lẽ thường, các văn bản dưới luật phải hướng dẫn chi tiết quy định tại Luật. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà các văn bản này lại “sao chép” nội dung nguyên câu chữ trong Luật Chứng khoán. Cụ thể, tại Phụ lục số 15 về mẫu Điều lệ CTCK, ban hành kèm theo Quyết định 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007 của Bộ Tài chính về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK, khi quy định về nghĩa vụ của CTCK, có nội dung và câu từ… y chang như quy định tại khoản 7, Điều 71, Luật Chứng khoán. 3 năm sau khi Quyết định 27/2007 được ban hành, Nghị định 85/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK ra đời, lại một lần nữa lặp lại nội dung đã quy định trong Quyết định 27 và Luật Chứng khoán và vẫn không có bất cứ hướng dẫn nào về việc các CTCK phải trích lập Quỹ bảo vệ NĐT ra sao. Chưa đưa ra quy định hướng dẫn các CTCK nên hay phải trích lập Quỹ bảo vệ NĐT, nhưng Điều 18, Nghị định 85/2010 quy định: “Phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với CTCK không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty và trích lập đầy đủ Quỹ bảo vệ NĐT để bồi thường thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên CTCK gây ra...”. Đáng chú ý, kể từ khi quy định này có hiệu lực đến nay, chưa một CTCK nào bị xử phạt vì không trích lập Quỹ bảo vệ NĐT!? Tình trạng 3 văn bản pháp lý khác nhau, nhưng đều dừng lại ở 1 quy định khung đang khiến cho công cụ Quỹ bảo vệ NĐT không phát huy tác dụng bảo vệ NĐT và hỗ trợ CTCK giảm bớt rủi ro trong hoạt động trên thực tế. “Quên” hướng dẫn đến bao giờ? “5 năm sau khi Luật Chứng khoán có hiệu lực, đến thời điểm này, quy định khung về việc CTCK phải trích lập Quỹ bảo vệ NĐT vẫn chưa được Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hướng dẫn chi tiết. Tình trạng này còn kéo dài đến bao giờ, trong khi những người hành nghề kinh doanh chứng khoán và NĐT chờ đợi từ nhiều năm nay?”, lãnh đạo một CTCK đặt câu hỏi. Việc quá chậm trễ trong xây dựng hướng dẫn CTCK trích lập Quỹ bảo vệ NĐT dẫn đến thiếu vắng công cụ “mềm” để bảo vệ NĐT đang khiến họ phải gánh chịu phần thiệt thòi, thậm chí là thiệt hại lớn về vật chất khi nảy sinh tranh chấp với CTCK. Vụ việc một nhóm NĐT, trong đó có bà Đồng Thị Phương Thanh cách đây vài năm tố cáo CTCK P. gây thiệt hại cho họ vài tỷ đồng do bảng điện tử của CTCK gặp sự cố là một ví dụ. Sau khi bị tòa từ chối thụ lý vụ việc do không xuất trình đầy đủ chứng cứ, các nguyên đơn đành khép lại mong muốn đưa vụ việc ra tòa phán xử… Các tranh chấp giữa CTCK và NĐT thường xuất phát từ việc CTCK lạm dụng tài khoản tiền và chứng khoán của NĐT; hệ thống giao dịch của CTCK bị lỗi; nhân viên CTCK nhầm lẫn trong đặt lệnh mua, bán chứng khoán của NĐT, hay thực hiện các lệnh nộp, rút tiền từ tài khoản của khách hàng… Thực tế, giải quyết tranh chấp tại nhiều vụ việc ở cả giai đoạn hòa giải, cũng như tại tòa án cho thấy, ngay cả khi cơ chế bảo vệ NĐT khá hoàn chỉnh, thì bản thân NĐT với tư cách là những cá nhân cũng không dễ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình so với pháp nhân là CTCK. Sự bất cân xứng này càng kéo dài, càng tác động tiêu cực đến tâm lý của NĐT, qua đó ảnh hưởng xấu đến sự phát triển công bằng, minh bạch của TTCK. Để giúp “cải thiện” mối quan hệ CTCK - NĐT khi xảy ra tranh chấp, cơ quan quản lý cần sớm cụ thể hóa nghĩa vụ CTCK phải trích lập Quỹ bảo vệ NĐT bằng văn bản hướng dẫn cụ thể. Đây vừa là cách góp phần gia tăng chỉ số niềm tin của NĐT vào sự công bằng, minh bạch của TTCK, vừa giúp CTCK và người hành nghề giảm thiểu rủi ro trong hoạt động. Nhiều ý kiến từ thị trường cho rằng, nên coi việc ban hành văn bản hướng dẫn về việc CTCK phải trích lập Quỹ bảo vệ NĐT, như là một phần không thể tách rời của quá trình thực hiện tái cấu trúc CTCK và cơ sở NĐT mà Bộ Tài chính đang quan tâm chỉ đạo triển khai. Bài 2: Nỗi niềm của công ty chứng khoán Hữu Đạo đầu tư chứng khoán
|