Sự hội tụ trong quản lý thị trường vàng và ngoại hối
Đâu là điểm hội tụ trong việc quản lý giữa hai thị trường vàng và ngoại hối.
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã có những giải pháp quyết liệt nhằm chấn chỉnh thị trường vàng và ngoại hối để hạn chế tối đa tác động của hai thị trường này đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và tâm lý người dân. Vậy đâu là điểm hội tụ trong việc quản lý giữa hai thị trường này?
Tỷ giá đã có nhiều tháng ổn định nhất trong vài năm gần đây
Nghị định 24 lan tỏa từ Nghị quyết 11
Ngày 3/4/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Nghị định 24 là giải pháp triệt để tiếp theo nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 11 ngày 24/02/2011 của Chính phủ, trong đó có chủ trương tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do.
Nghị định 24 nêu rõ hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép. Cụ thể, tại Điều 11 của Nghị định 24, để được cấp Giấy phép mua, bán vàng miếng, doanh nghiệp (DN) phải đáp ứng ít nhất ba điều kiện nghiêm ngặt như sau: có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất; có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. Theo Nghị định, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Vì vậy, kể từ ngày 25/5/2012 (ngày có hiệu lực của Nghị định 24), NHNN thực hiện một nhiệm vụ chung, đó là độc quyền phát hành tiền giấy và vàng miếng.
Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 24, có hiệu lực thi hành 10/7/2012. Điều 22 của Thông tư 16 quy định thời hạn chuyển tiếp 6 tháng kể từ ngày Thông tư 16 có hiệu lực để các đơn vị hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh lại theo quy định của pháp luật.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong số ước tính hơn 10.000 DN kinh doanh vàng khắp cả nước, ít có đơn vị đáp ứng đầy đủ Điều 11 của Nghị định 24. Như vậy, mạng lưới kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do sẽ thu hẹp đáng kể.
Loại bỏ yếu tố tiền tệ của vàng
Tại buổi hội thảo “Tác động của thị trường vàng đến thị trường tài chính Việt Nam” do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tổ chức tại Hà Nội vào tháng 6/2011, một chuyên gia nước ngoài cho biết, một trong những nguyên nhân chính làm cho vàng có chức năng như tiền tệ là do vàng có mang lãi suất.
Chức năng tiền tệ của vàng là điều rất bình thường trên thị trường tài chính quốc tế, khi vàng được tính lãi suất trong mối quan hệ vay mượn. Tuy nhiên, ở Việt
Nam
, chức năng tiền tệ của vàng bị khuếch đại trên diện rộng do vàng còn là phương tiện thanh toán trong mua bán bất động sản. Trong suốt một thời gian dài, chính sách tiền tệ chịu sự tác động kép bởi tình trạng “đô la hóa” và “vàng hóa”, dù Pháp lệnh ngoại hối 2005 là cơ sở pháp lý quan trọng để điều chỉnh thực trạng này.
Để loại bỏ tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, Điều 19 của Nghị định 24 khẳng định, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán là một hành vi vi phạm pháp luật. Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 12/2012/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 30/4/2012 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2011/TT-NHNN quy định chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng (TCTD).
Tại Thông tư 12, NHNN quy định rõ, TCTD không được huy động vốn bằng vàng, trừ trường hợp phát hành chứng chỉ ngắn hạn để chi trả vàng cho khách hàng; không được chuyển đổi vốn huy động từ vàng sang VND; không được sử dụng vàng để cầm cố, thế chấp, ký quỹ tại tổ chức tín dụng khác; phải chấm dứt huy động vàng kể từ ngày 25/11/2012.
Với Thông tư 12, chức năng tiền tệ của vàng sẽ được loại bỏ dần, giúp hạn chế tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế và sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán, đảm bảo chính sách tiền tệ một quốc gia không thể có hai phương tiện thanh toán.
Điểm sáng của thị trường ngoại hối
Tỷ giá đã có nhiều tháng ổn định nhất trong vài năm gần đây
Trong những năm trước đây, việc điều hành tỷ giá là một vấn đề hết sức phức tạp. Dù Pháp lệnh ngoại hối 2005 đã được ban hành, nhưng việc niêm yết giá cả hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ và việc kinh doanh mua bán ngoại tệ trên thị trường phi chính thức gần như bị buông lỏng. Ai cũng có thể mua bán, trao đổi ngoại tệ ngoài ngân hàng một cách thoải mái. Trên thực tế, hầu như không tồn tại ranh giới phân biệt giữa điểm thu đổi ngoại tệ được cấp phép và điểm thu đổi ngoại tệ tự phát.
Để chấn chỉnh tình trạng “đô la hóa” nền kinh tế và sự thao túng của thị trường ngoại tệ phi chính thức, ngày 20/10/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Ví dụ, có thể áp dụng mức phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với một số hành vi như: hoạt động ngoại hối không có giấy phép, niêm yết giá, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ, vàng không đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, còn có hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu tang vật, tước Giấy phép đại lý thu đổi ngoại tệ, tước Giấy phép hoạt động kinh doanh vàng. Trong thời gian vừa qua, giới truyền thông đã đưa tin một số đơn vị đã bị phạt tiền rất nặng vì vi phạm quy định niêm yết bằng ngoại tệ như một bài học răn đe nghiêm khắc.
Góp phần vào việc ổn định thị trường ngoại tệ là Thông tư số 07/2012/TT-NHNN ngày 20/3/2012 của NHNN về quy định trạng thái ngoại tệ của TCTD, có hiệu lực kể từ ngày 2/5/2012. Theo đó, tổng trạng thái ngoại tệ dương hoặc âm cuối ngày của TCTD không được vượt quá 20% vốn tự có của TCTD, so với mức giới hạn trước đó là 30%. Điều này giúp làm giảm quy mô nắm giữ trạng thái ngoại tệ của các TCTD.
Với Nghị định 95 và Thông tư 07, thị trường ngoại tệ đã có những chuyển biến tích cực chưa từng thấy trong nhiều năm gần đây. 6 tháng đầu năm 2012, tỷ giá chính thức do NHNN điều hành rất ổn định. Cụ thể, vào ngày 3/1/2012, tỷ giá trần USD/VND đạt mức 21.036. Đến cuối ngày 30/6/2012, dù tỷ giá trần cho phép vẫn giữ nguyên mức 21.036, nhưng các ngân hàng niêm yết giá bán USD dưới mức 21.000 đồng/USD, phần lớn vào khoảng 20.920 đồng/USD. Tình trạng tỷ giá “kịch trần” không còn xảy ra như những năm trước, và có lúc tỷ giá phi chính thức còn thấp hơn tỷ giá ngân hàng. Tín hiệu này cho thấy, NHNN đang hoàn toàn giữ thế chủ động trong việc điều hành tỷ giá, phù hợp với cung cầu ngoại tệ và tình hình kinh tế vĩ mô.
Giải pháp của thị trường vàng để hội tụ với thị trường ngoại hối
Hiện nay, người dân còn băn khoăn việc giá vàng trong nước chưa liên thông với giá vàng thế giới. Chênh lệch giá giữa hai thị trường này vẫn còn cao, trong khi theo NHNN, mức chênh lệch này khoảng 400.000 đồng/lượng là hợp lý.
Tuy nhiên, đến cuối thời hạn chuyển tiếp của Thông tư 16, ngày 10/1/2013 để nộp hồ sơ tái đăng ký kinh doanh vàng, đơn vị nào không được NHNN cấp Giấy phép mới sẽ không được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng nữa.
Như đã nói, số lượng DN kinh doanh vàng sẽ giảm rất mạnh do không đáp ứng được Điều 11 của Nghị định 24. Khi mạng lưới kinh doanh vàng miếng bị thu hẹp, việc mua bán vàng miếng sẽ bất tiện. Sự khó khăn trong cách tiếp cận vàng miếng sẽ làm giảm nhu cầu về vàng, giảm đầu cơ và hiệu ứng tâm lý, nên mọi cơ hội làm giá hay neo giá sẽ khó thực hiện.
Đối với các đơn vị được cấp Giấy phép mua, bán vàng miếng, NHNN có thể xem xét một số giải pháp như sau:
Quy định niêm yết giá vàng trong nước bằng cách lấy giá vàng thế giới cộng với các chi phí hợp lệ, thuế và biên lợi nhuận nhân với tỷ giá chính thức để đảm bảo biên độ chênh lệch giá giữa hai thị trường luôn thấp hơn 400.000 đồng/lượng;
NHNN sẽ điều chỉnh biên độ chênh lệch giá vàng trong từng thời kỳ theo hướng thu hẹp dần;
NHNN tăng dự trữ vàng để chủ động bán vàng can thiệp;
Chỉ bán vàng miếng cho cá nhân, tổ chức có đăng ký mã số thuế;
Vàng bán ra phải có Giấy chứng nhận chất lượng của đơn vị giám định độc lập.
Từ sự chuyển biến tích cực trên thị trường ngoại hối nói trên, có thể nói, nếu Nhà nước thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ kết hợp với nhiều biện pháp chế tài nghiêm khắc, việc thực thi chính sách tiền tệ sẽ phát huy tác dụng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và khôi phục giá trị VND. Với sự thành công bước đầu trong việc quản lý thị trường ngoại hối, không có lý do gì để lo ngại việc quản lý thị trường vàng sẽ không hội tụ với thị trường ngoại hối.
ThS. Trần Trọng Quốc Khanh
Đầu tư chứng khoán
|