Chủ Nhật, 15/07/2012 10:41

Chống nợ đọng cách nào?

Nợ đọng là một trong những nguyên nhân khiến các DN lâm vào tình cảnh thua lỗ, thậm chí dẫn đến phá sản. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay, vấn đề giải quyết nợ đọng giữa các DN càng trở nên quan trọng và cấp bách.

Các chuyên gia kinh tế thừa nhận, ở VN từ trước đến nay chưa hề có các nghiên cứu, khảo sát và thống kê thường xuyên, liên tục, toàn diện về vấn đề nợ đọng giữa các DN mà chủ yếu tổng hợp từ các báo cáo của các DNNN, các DN cổ phần niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Gian nan nợ khó đòi

Một đại diện có thẩm quyền của Tổng Cty vận tải biển V cho DĐDN biết, nợ đọng của TCty V với Cty cổ phần bê tông P là có thật. Theo người đại diện này: “TCty V càng kinh doanh càng thua lỗ, mức thua lỗ năm sau cao hơn năm trước, còn các dự án đầu tư thì không hiệu quả và quá lãng phí. Và, cho đến thời điểm này TCty V chưa có nguồn để giải quyết các món nợ đọng, dù họ rất muốn trả nợ vì những lý do nhạy cảm và tế nhị. TCty V buộc phải nợ đọng cho dù không muốn. Món nợ đọng này là món nợ bất khả kháng” - vị đại diện này khẳng định.

Nhưng, cũng có những DN có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định vẫn vướng vào vòng nợ đọng. Theo nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng, trước tình hình lãi suất ngân hàng tăng cao khiến lợi nhuận giảm sút, đã có rất nhiều DN chủ động chiếm dụng vốn của các đối tác bạn hàng. Một người có trách nhiệm của Cty cổ phần tập đoàn M cho DĐDN biết, lĩnh vực chính của Cty này là vận chuyển hành khách đường bộ, vì vậy nguồn thu là trực tiếp và không có chuyện bị khách hàng nợ đọng. Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, khi lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng, Cty này luôn nợ quá hạn, nợ đọng với bạn hàng. “Chỉ cần nợ quá hạn vài tháng với số tiền khoảng 10 tỉ đồng là đã thu về hàng trăm triệu đồng, chưa nói đến việc nợ quá hạn 6 tháng, 9 tháng hoặc 1 năm với số nợ lớn hơn. Thú thật, chúng tôi đang chủ động chiếm dụng vốn của các đối tác bạn hàng, dẫu biết rằng cách hành xử này thật quá nhẫn tâm” - vị này cho biết...

Một công bố mới đây của Tổng cục thống kê cho biết, 29% số DN phá sản, ngưng hoạt động trong thời gian gần đây là do thiếu vốn. Hãy đặt câu hỏi: trong số DN phá sản, ngưng hoạt động đó có bao nhiêu DN thiếu vốn do không tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng, bao nhiêu DN thiếu vốn do bị nợ đọng?

Yêu cầu cho DNNVV

Không khó để nhận ra rằng, nạn nhân của tình trạng nợ đọng chính là các DNNVV hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến bán hàng, cung ứng dịch vụ. Sự phá sản, ngưng hoạt động của các DN này đã dẫn đến nhiều hệ lụy xấu đối với kinh tế và xã hội. Chống nợ đọng đã trở thành một vấn đề bức thiết. Nhưng, chống bằng cách nào?

TS Vũ Thành Tự Anh ở Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho DĐDN biết, ở các nền kinh tế phát triển không có hiện tượng nợ đọng giữa các DN, vì các hoạt động mua - bán, cung cấp - thụ hưởng dịch vụ đều được luật hóa chi tiết và chặt chẽ, và các hợp đồng thương mại đều được các ngân hàng bảo lãnh về hạn mức và hạn định tín dụng. Theo chuyên gia kinh tế này, các DN lớn ở VN ít phải vướng vào bẫy nợ đọng vì họ luôn chú trọng đến chứng từ bảo lãnh hạn mức và hạn định tín dụng của ngân hàng, còn các DNNVV do nhiều lý do đã không chú trọng đến yêu cầu này nên đã phải gánh chịu nhiều hậu quả đau xót.

Luật sư TS Nguyễn Thị Ngọc Lâm - Đoàn luật sư TP HCM cho biết, bà đã tư vấn cho nhiều DN bị nợ đọng, bị chiếm dụng vốn. Bà đã rất ngạc nhiên khi hầu hết các DN bị nợ đọng, bị chiếm dụng vốn khi ký hợp đồng bán hàng, cung ứng dịch vụ đều không có bảo lãnh ngân hàng về hạn mức và hạn định tín dụng đối với DN mua hàng, thụ hưởng. Bà Ngọc Lâm cho biết: “Lời khuyên duy nhất của tôi đối với họ là, chỉ ký kết hợp đồng khi đối tác có chứng từ bảo lãnh của ngân hàng!”.

Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Lê Xuân Nghĩa thì cho rằng, đã đến lúc các DNNVV của VN phải chuyên nghiệp hóa trong các hoạt động thương mại, đặc biệt là trong lĩnh vực bán hàng và cung ứng. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, để phòng tránh rủi ro và các hậu quả xấu, các DNNVV phải đặc biệt chú trọng đến các điều khoản thanh toán và thời hạn thanh toán mà bảo lãnh ngân hàng về hạn mức và hạn định thanh toán là điều khoản được quan tâm trên hết.

Chu Vĩnh Hải

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Giảm lãi suất cho vay: Sướng nhất là bất động sản? (15/07/2012)

>   10 giải pháp của VAFI sẽ xử lý nhanh 50% nợ xấu ngân hàng? (14/07/2012)

>   Thực hư lãi khủng ngân hàng (14/07/2012)

>   Đằng sau nợ xấu (14/07/2012)

>   Đề xuất 10 biện pháp xử lý nợ xấu ngân hàng (14/07/2012)

>   Lãi suất dưới 15%/năm, còn phải chờ! (13/07/2012)

>   200 ngàn tỷ đồng nợ xấu: “Không AMC, không xử lý được!” (13/07/2012)

>   Thiếu minh bạch - ta sẽ tự hại mình! (13/07/2012)

>   BIDV sẵn sàng áp dụng mức cho vay 9-11% (12/07/2012)

>   Thêm 3 ngân hàng giảm lãi suất các khoản vay cũ (12/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật