Thiếu minh bạch - ta sẽ tự hại mình!
Từ câu chuyện tỷ lệ nợ xấu đến M&A trong lĩnh vực ngân hàng, thực tế đặt ra yêu cầu cần nâng cao tính minh bạch trong quản trị và điều hành của doanh nghiệp Việt Nam.
Gần đây trong hoạt động điều hành của ngân hàng nhà nước (NHNN) nói chung và hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam nói riêng, có nhiều sự kiện đáng chú ý và có nhiều nét mới tích cực thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia, các doanh nghiệp và cả người dân.
Tựu chung lại chúng ta có thể thấy sự linh hoạt trong cách điều hành của NHNN và sự năng động của các NHTM trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, có 2 sự kiện mà theo quan điểm của người viết là “hot” hơn cả: đó là tỷ lệ nợ xấu và hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng.
Hai lĩnh vực này có thể coi là “một cặp đôi hoàn hảo” có ảnh hưởng đến nhau và có một điểm chung là: tính minh bạch của thông tin.
Tại sao lại như vậy? Bởi vì cho đến thời điểm này, nhiều chuyên gia đã đưa ra các giải pháp để giải quyết nợ xấu, như thành lập công ty mua bán nợ, ngân hàng giải quyết nợ xấu v.v… nhưng chúng ta vẫn chưa biết chính xác tỷ lệ nợ xấu là bao nhiêu.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trong một cuộc họp gần đây ước tính nợ xấu khoảng 10%, con số mà Fitch Ratings đưa ra là khoảng 13%, theo nghiên cứu của Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội thì nợ xấu vào khoảng 8% - 14%, thống kê của NHNN là khoảng 4,6%. Và mới đây nhất - chiều 12/7, quyền Chánh thanh tra giám sát của NHNN, ông Nguyễn Hữu Nghĩa công bố con số báo cáo của cơ quan này: đến ngày 31/3/2012, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng là 8,6%.
Câu hỏi đặt ra ở đây là giải pháp giải quyết nợ xấu liệu có chính xác không khi chúng ta chưa biết (hoặc chưa công bố) chính xác tỷ lệ nợ xấu? Điều đó giống như một bác sĩ mổ cắt khối u cho bệnh nhân mà không biết chính xác khối u đó kích thước bao nhiêu và nằm ở đâu.
Sự kiện thứ hai mang tính vi mô hơn là vụ thâu tóm (Acquisition) Sacombank và vụ sáp nhập (Merge) giữa Habubank và SHB. Cả hai vụ này đều xuất hiện tin đồn trên thị trường từ rất sớm và kết quả là giá cổ phiếu của họ trên thị trường tăng chóng mặt.
Hơn nữa, ở Sacombank là sự việc các cổ đông lớn mua mà không công bố thông tin và bị Ủy ban Chứng khoán phạt; còn Habubank và SHB Bank đều ra thông cáo báo chí phủ nhận tin đồn sáp nhập, thậm chí NHNN cũng đăng trên website của mình chưa nhận được thông tin về việc sáp nhập này.
Cuối cùng giờ đây tất cả mọi người đều đã biết là những tin đồn đó đúng!
Thực tế ấy đặt ra yêu cầu: cần thiết phải nâng cao tính minh bạch trong quản trị và điều hành của các doanh nghiệp Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, Việt Nam đã tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007. Nghĩa là chúng ta đã chính thức tham gia vào sân chơi toàn cầu được 5 năm. Trong “cuộc cách mạng toàn cầu” này, yếu tố minh bạch là yêu cầu đầu tiên cũng là quan trọng nhất. Là thành viên tham gia cuộc chơi, đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận luật chơi và thích nghi với luật chơi đó. Nói như ngôn ngữ của Thomas L. Friedman, chúng ta phải sẵn sàng “lái chiếc Lexus” chứ không thể giữ “cây oliu” của riêng mình được.
Thomas L. Friedman cũng đưa ra bài học kinh điển về tác hại của sự thiếu minh bạch: Đó là khi kinh tế Hàn Quốc gặp khó khăn vào tháng 12/1997, nước này công bố dự trữ tiền tệ ở mức 30 tỷ USD, trong thực tế họ chỉ có 10 tỷ USD. Khi phát hiện ra điều đó, các nhà đầu tư, các quỹ, các tổ chức tài chính, các tập đoàn đa quốc gia ồ át bán tháo cổ phiếu, tài sản của mình và rút chạy khỏi Hàn Quốc, gây nên một cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ nghiêm trọng tại Hàn Quốc và cả châu Á năm 1997.
Quay trở lại sự kiện trên, chúng ta có thể thấy sự thiếu minh bạch trong công bố thông tin sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, các cổ đông nhỏ lẻ cũng như việc mời gọi nhà đầu tư chiến lược, vì chắc chắn chẳng nhà đầu tư nào sẽ mua cổ phần khi không biết chính xác điều gì đang diễn ra trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Dẫn đến việc huy động vốn, nâng cao giá trị của công ty trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn lớn.
Một số đề xuất nhằm nâng cao tính minh bạch trong quản trị và điều hành của doanh nghiệp Việt Nam:
Xây dựng chiến lược rõ ràng, minh bạch, bao gồm chiến lược trong ngắn hạn, dài hạn, tách bạch chiến lược và thực hiện.
Tái cấu trúc cơ cấu tổ chức và bộ máy, đảm bảo sự tinh giản và hiệu quả với vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng.
Xây dựng hệ thống quản lý kiểm soát và quy trình chặt chẽ bao gồm hệ thống dự báo, lập kế hoạch, báo cáo và giám sát, hệ thống quản lý rủi ro, quản lý nhà cung cấp, quản lý tồn kho... Sử dụng các công cụ hỗ trợ như CNTT, đàm phán, tài chính (hợp đồng kỳ hạn, Hedging, thời hạn tín dụng, thanh toán…).
Minh bạch hóa về tài chính: Công khai về chi phí, số liệu tài chính kế toán, hợp đồng, quản lý chi phí, có báo cáo rõ ràng và có sự giám sát chặt chẽ của các cấp quản lý.
Cuối cùng, nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, bằng cách nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực sử dụng (con người, máy móc, vật tư, thiết bị).
MBA. Bùi Mạnh Thắng
doanh nhân sài gòn
|