Chủ Nhật, 15/07/2012 16:22

Khách hàng bị thu “lén“ phí ATM phải được bồi thường?

Đến thời điểm này, việc một số ngân hàng “lén” thu phí ATM đối với giao dịch nội mạng đã được Ngân hàng Nhà nước thừa nhận là sai. Câu chuyện đặt ra là sẽ giải quyết số tiền thu sai này như thế nào? Ngân hàng có phải chịu chế tài về hành vi sai trái của mình?...

Không thể phó mặc cho việc thu phí trái phép

Luật sư Trần Công Ly Tao, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật TP.HCM bày tỏ quan điểm: Cần phải có biện pháp xử ký kịp thời và cương quyết đối với các ngân hàng tự đặt ra và đơn phương ấn định mức thu phí thẻ ATM, bất chấp quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Theo Luật sư Tao, xét về nguyên tắc giao dịch giữa chủ thẻ ATM với ngân hàng là quan hệ dân sự, quyền và nghĩa vụ của hai bên được thể hiện trong hợp đồng. Theo đó, bên nào muốn thay đổi nội dung, các điều khoản của hợp đồng thì phải tiến hành thương thảo với đối tác dựa trên nguyên tắc thỏa thuận tự nguyện, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.

Các "ông chủ" ngân hàng cho rằng họ đã được Nhà nước “ủy thác” cung ứng dịch vụ công ích. Từ đó họ toàn quyền ấn định mức thu phí, không báo trước cũng không cần sự đồng thuận hay không của các chủ thẻ ATM. Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước đã có “lệnh cấm” việc tự ý thu phí ATM của các ngân hàng.

Thông thường, khi có xung đột quyền lợi trong giao dịch, hai bên sẽ tiến hành tổ chức đàm phán, tháo gỡ xung đột trên tinh thần có tình có lý nhằm đạt được thỏa thuận chung của các bên. Trường hợp hai bên không tìm được tiếng nói chung thì có thể nhờ cơ quan tài phán độc lập phán xét. Phán quyết của cơ quan thẩm quyền có hiệu lực pháp luật mới có uy lực ràng buộc hai bên tranh chấp.

Hơn nữa, việc các ngân hàng đơn phương vi phạm hợp đồng đã giao kết trước đây với các chủ thẻ ATM, tự động thu phí, thì cơ quan thẩm quyền phải có biện pháp chế tài thích đáng theo quy định pháp luật. Có như vậy mới lập lại công bằng, kỷ cương phép nước. Không thể phó mặc ngân hàng dựa vào sức mạnh kinh tế tự tung tự tác “múa rìu qua mắt thợ”, đẩy các chủ thẻ ATM vào tình trạng phải ngậm đắng nuốt cay thiệt thòi như thế mãi!

"Có quyết liệt xử lý sai phạm của ngân hàng trong việc thu phí ATM mới vãn hồi niềm tin của quần chúng nhân dân đối với chính sách kinh tế xã hội của Nhà nước, mà một số cơ quan, tổ chức làm biến dạng một cách đáng tiếc", Luật sư Trần Công Ly Tao nhấn mạnh.

Luật sư Huỳnh Thế Tân, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết thêm: Việc ngân hàng thu phí ATM đối với khách hàng, do bị bắt buộc tham gia (để trả lương cho cán bộ hay nhân viên...) hay tự nguyện tham gia là một nhu cầu có thực và không ai không tôn trọng nhu cầu đó của ngân hàng.

Tuy nhiên, gốc rễ pháp lý của quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng sử dụng thẻ, dù bất kỳ khách hàng nào, đều đã, đang và sẽ chỉ luôn xuất phát từ một hợp đồng dân sự. Vì vậy, bất kỳ nhu cầu phát sinh nào, đi kèm bởi những quyền hoặc nghĩa vụ tương ứng, đều buộc phải xuất phát từ chính hợp đồng đã ký kết. Nếu một trong hai bên tham gia ký lập hợp đồng đó, muốn gì thì phải sau khi thống nhất được với bên kia. Đó là chưa nói sự thống nhất đó phải là "bút sa, gà chết", thì nhu cầu đó mới phát sinh.

Đối với trường hợp mà các ngân hàng đã thu phí của người sử dụng thẻ, thì ngân hàng nào đã thu phí mà không có cam kết bằng văn bản của khách hàng đều vi phạm pháp luật. Và như thế, khách hàng có quyền kiện để buộc ngân hàng chấm dứt thực hiện quyền thu phí đó. Nếu ngân hàng vin vào “Pháp lệnh phí và lệ phí”, thì ngân hàng phải chỉ ra được trong phần căn cứ của hợp đồng đã nêu rõ là căn cứ vào Pháp lệnh phí và lệ phí. Nếu có hợp đồng nào ghi nhận như vậy, phần thắng vẫn thuộc về khách hàng đi kiện, vì Pháp lệnh đó không liên quan tới ngân hàng.

Tóm lại, cùng với việc Ngân hàng Nhà nước cần xử phạt hành chính với các ngân hàng đã thu phí bất hợp pháp đó, và yêu cầu ngân hàng phải bổ sung cam kết với khách hàng, về việc thu phí sử dụng ATM thì khách hàng cần tập hợp lại để đấu tranh với ngân hàng đã thu phí sai trái đó.

Người gây thiệt hại phải bồi thường

Trước đó, nói về vấn đề này, PGS TS. Nguyễn Ngọc Điện phân tích: Giải quyết hợp lý là ngân hàng nào thu trái phép bao nhiêu sẽ phải giao trả lại bấy nhiêu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng rất khó, thậm chí không thể hình dung việc hoàn trả số tiền lỡ thu của chủ thẻ ATM cho từng người. Bởi muốn trả thì ngân hàng cần phải rà lại danh sách của tất cả những chủ thẻ đã bị trừ tiền trong tài khoản và dựng lại toàn bộ các giao dịch có thu phí. Điều đáng nói là việc này nhiều khi lại ngốn chi phí có khi còn lớn hơn cả số tiền cần hoàn trả cho chủ thẻ.

TS. Điện chia sẻ kinh nghiệm ở các nước tiên tiến rằng, nhà chức trách họ đã xử lý không ít trường hợp doanh nghiệp gây thiệt hại cho người tiêu dùng trên diện rộng, có tổng thiệt hại thì lớn, nhưng thiệt hại mà từng người tiêu dùng gánh chịu lại không đáng kể. Đối với trường hợp này, theo TS. Điện nguyên tắc xử lý là một mặt người gây thiệt hại phải bồi thường tương xứng với tổn thất do mình gây ra; mặt khác người bị thiệt hại, là người nhận sự bù đắp nếu không trực tiếp thì gián tiếp.

Về lý thuyết, có thể yêu cầu ngân hàng vi phạm thực hiện việc tổ chức hoàn trả bằng chi phí của họ. Nhưng chẳng có gì bảo đảm họ sẽ làm việc đó một cách nghiêm túc. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần phải tiến hành tổ chức kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ và chi phí phải bỏ ra cho công tác ấy có thể sẽ lên đến một con số rất lớn.

Nhưng cũng không thể tìm được lý do thuyết phục, cả theo luật và theo đạo lý, để sung công quỹ số tiền đó. Nếu Nhà nước thu nhận số tiền do các ngân hàng giao nộp, trong khi người có thẻ chịu mất một số tiền cũng bằng chừng đó, thì trong điều kiện giữa thiệt hại của chủ thẻ và mối lợi mà công quỹ thu được có mối liên hệ nhân quả rành rành, có thể nói vô hình trung Nhà nước đã thu phí trái luật thông qua vai trò của ngân hàng(!?).

Vì vậy, các cơ quan chức năng phải làm tất cả những gì có thể để cá thể hóa việc bồi thường, theo đó cho phép mỗi người bị thiệt hại trực tiếp nhận lại cho đủ những gì đã mất. Chỉ khi nào không thể tổ chức bồi thường cho từng người mới tiến hành bồi thường tập thể, bằng cách sung số tiền bồi thường vào một quỹ phục vụ lợi ích của cộng đồng người tiêu dùng.

Thông thường, quỹ này được đặt dưới sự quản trị của một hội bảo vệ người tiêu dùng. Nếu thiệt hại gây ra cho một giới tiêu dùng đối với một loại sản phẩm, dịch vụ nào đó thì tiền bồi thường thiệt hại được sung vào quỹ của hội bảo vệ người tiêu dùng chuyên biệt tương ứng.

Chẳng hạn, thiệt hại gây ra cho các chủ thẻ ATM thì tiền bồi thường được giao cho hội những người sử dụng dịch vụ thẻ ATM. Còn nếu thiệt hại gây ra cho nhiều người tiêu dùng trong nhiều lĩnh vực, thì hoặc các hội có liên quan thỏa thuận về việc phân chia tiền bồi thường, hoặc toàn bộ số tiền được giao cho một quỹ đặt dưới sự quản lý của liên hiệp các hội bảo vệ người tiêu dùng.

Trần Đăng – Lê Hoàng

pháp luật việt nam

Các tin tức khác

>   Tiền vẫn ế tại các ngân hàng thương mại (15/07/2012)

>   Chống nợ đọng cách nào? (15/07/2012)

>   Giảm lãi suất cho vay: Sướng nhất là bất động sản? (15/07/2012)

>   10 giải pháp của VAFI sẽ xử lý nhanh 50% nợ xấu ngân hàng? (14/07/2012)

>   Thực hư lãi khủng ngân hàng (14/07/2012)

>   Đằng sau nợ xấu (14/07/2012)

>   Đề xuất 10 biện pháp xử lý nợ xấu ngân hàng (14/07/2012)

>   Lãi suất dưới 15%/năm, còn phải chờ! (13/07/2012)

>   200 ngàn tỷ đồng nợ xấu: “Không AMC, không xử lý được!” (13/07/2012)

>   Thiếu minh bạch - ta sẽ tự hại mình! (13/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật