Ôtô sắp qua cơn bĩ cực?
Tiêu thụ tăng, tồn kho giảm, thị trường sắp đón chu kỳ sôi động trong năm, liệu đây có phải những tín hiệu cho thấy ngành công nghiệp và thị trường ôtô sắp qua cơn bĩ cực?
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp sản xuất xe có động cơ nửa đầu năm 2012 đã tăng đến 70,3%. Trong khi đó, chỉ số tồn kho của ngành này tại thời điểm 1/7/2012 cũng chỉ tăng ở mức 9,4%, tức thấp hơn rất nhiều so với tăng chỉ số tiêu thụ.
Đáng chú ý là trước đó một tháng, chỉ số tiêu thụ của ngành thậm chí sụt giảm 5,3% còn chỉ số tồn kho ở mức rất cao là 116,7%.
Theo cách tính của cơ quan này, thì công nghiệp sản xuất xe có động cơ đã được tách riêng với công nghiệp sản xuất môtô, xe máy. Do đó, có thể hiểu sản phẩm của ngành này chủ yếu là các loại ôtô.
Các số liệu trên cho thấy ngành công nghiệp ôtô đang đón nhận những tín hiệu mừng từ thị trường sau một quãng thời gian dài rơi vào trì trệ, lo lắng. Ở khía cạnh nào đó, việc chỉ số tồn kho giảm cũng một phần xuất phát từ thực tế gần đây nhiều hãng xe ôtô phải liên tục cho ngừng dây chuyền cục bộ dẫn tới lượng xe xuất xưởng giảm.
Báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cũng cho biết, tổng sản lượng bán hàng của khối doanh nghiệp thành viên tháng 6 vừa qua cũng đã nhích nhẹ so với tháng liền kề trước đó. Dù chỉ tăng rất nhẹ song trong bối cảnh thị trường ảm đạm thì ít nhiều cũng giúp các hãng xe bớt lo lắng hơn.
Thời điểm này VAMA vẫn chưa có báo cáo bán hàng tháng 7, song theo nhận định, lượng xe bán ra nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng thêm, thể hiện rõ nét hơn khả năng đi lên của thị trường.
Niềm tin hồi phục cũng đã thể hiện rõ ở những đánh giá của VAMA. Sau khi nhận được văn bản phản hồi của Bộ Giao thông Vận tải, trong đó cho rằng sẽ chưa thể thu thêm các loại phí mới trong vài ba năm tới, cơ quan này lập tức nâng mức dự báo tổng sản lượng toàn ngành trong năm nay từ mức 80.000 xe lên 100.000 xe.
Bởi theo VAMA, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến thị trường ôtô suy giảm trầm trọng là do tâm lý người tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề từ các đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phí bảo trì đường bộ. Và khi gánh nặng tâm lý đó được trút bỏ, khả năng thị trường hồi sinh mạnh mẽ trở lại là hoàn toàn có cơ sở.
Một câu chuyện khác. Hiện thị trường ôtô đang chuẩn bị bước vào giai đoạn vốn được coi là chu kỳ sôi động nhất trong năm. Các hãng xe bắt đầu rậm rịch các kế hoạch marketing, giới thiệu sản phẩm để dồn dập tung ra cho giai đoạn này. Và thông thường, chu kỳ “kỳ vọng” sẽ chính thức mở ra kể từ thời điểm triển lãm Vietnam Motor Show (dự kiến cuối tháng 9) khai cuộc.
Tín hiệu mừng là vậy, nhưng thực sự ngành sản xuất và thị trường ôtô Việt Nam có qua cơn bĩ cực hay không thì vẫn còn phải... hậu xét.
Cho đến lúc này, lượng xe tồn kho vẫn đang khiến các nhà sản xuất, hệ thống phân phối đau đầu. Mới đây, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF) có dẫn nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, qua 6 tháng đầu năm, lượng ôtô tồn kho đã lên đến hàng chục nghìn chiếc. Trong đó, một số hãng lớn như Toyota, Ford hay GM đang phải gánh lượng xe tồn kho vượt quá con số 1.000 chiếc. Bên cạnh đó là lượng hàng tồn kho của một số nhà nhập khẩu ngay tại hệ thống cảng biển cũng không nhỏ.
Cũng với những khó khăn lớn đối với các hãng xe thì việc sản xuất đình trệ, thị trường ảm đạm cũng khiến nguồn thu ngân sách từ nhóm sản phẩm ôtô bị thâm hụt lớn. Theo số liệu ủa Bộ Tài chính, 6 tháng qua, thu ngân sách từ ôtô nguyên chiếc nhập khẩu đã giảm khoảng 12.295 tỷ đồng; từ linh kiện nhập khẩu (phục vụ cho sản xuất, lắp ráp trong nước) cũng giảm tới tới 1.500 tỷ đồng.
An Nhi
tbktvn
|