9000 tỷ cứu cá tra: Nông dân, DN bao giờ thấy tiền
Cá tra đang “mắc cạn” vì nguồn vốn cạn kiệt của nhiều doanh nghiệp (DN) và nông dân kiệt sức, thở thoi thóp. Gói hỗ trợ 9000 tỷ được xem như dòng nước nhỏ đưa cá tra trở về với đầm nước. Tuy nhiên, đầm nước này có đủ rộng để tiếp tục chống chọi với nhiều nguy cơ khô hạn tiếp theo vì điều kiện hỗ trợ vẫn là nỗi băn khoăn của ngành.
Đã kiệt sức vì đói vốn
Sau một thời gian dài đói vốn, làm ăn thiếu bài bản, không đủ tích lũy khiến nhiều DN cá tra hoạt động theo kiểu "ăn xổi" đang "hấp hối" tạo nên hệ lụy không nhỏ cho toàn ngành. Tính từ đầu năm đến nay, đã có hơn 400 DN trên tổng số 800 DN thủy sản bị "đổ vỡ", trong đó dính đòn nặng nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Hiện chỉ còn 20% DN cá tra tồn tại và phát triển bình thường, 80% doanh nghiệp trong tình trạng "hấp hối".
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), riêng con cá tra đã phải cần tới 2.000 tỷ đồng mới mong thoát được nạn.
Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Vasep cho rằng, nguyên nhân là do các nhà máy không những không tiếp cận được các nguồn tín dụng mà còn bị các ngân hàng thúc ép thu hồi nguồn vốn vay trước đó khiến các DN trong ngành tìm mọi cách bán hàng ra một cách nhanh nhất như: một mình một chợ mà vẫn phải phá giá, ồ ạt chào bán với giá thấp ở hầu hết các thị trường để kịp đáo nợ. Hậu quả là cá tra nguyên liệu trong nước xuống tới mức nông dân không có lãi, doanh nghiệp muốn thu mua để chế biến nhưng lại chẳng có vốn.
Xem ra, DN chế biến khó có thể vừa cứu mình vừa cứu nông dân, trước tình trạng cạnh tranh kiểu phá giá của các DN thương mại trong khi đã mệt nhoài vì đói vốn. Điều họ chờ đợi là chiếc phao cứu sinh từ Chính phủ. Đến nay, chiếc phao đó đã được ném xuống bằng việc thông qua gói hỗ trợ 9000 tỷ cho DN và hộ nông dân nuôi cá tra.
Đối tượng được ưu tiên là các doanh nghiệp có nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu để tiếp tục sản xuất, đảm bảo việc làm cho công nhân, đồng thời gián tiếp cứu người nuôi cá. Hiệp hội đề nghị VDB hỗ trợ các doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu thu mua nguyên liệu cá tra, kỳ hạn vay 4 tháng (2 kỳ hạn cho năm 2012) với lãi suất ưu đãi dưới 10%/năm, giải ngân theo tiến độ thu mua. Tuy nhiên, sau khi công bố thông tin thì mức lãi suất cũng chỉ xuống tới 11,4%.
Không dễ để hưởng ưu đãi
Ở trong tình thế không còn đường lùi thì ưu tiên hỗ trợ của Chính phủ đối với ngành chăn nuôi, thủy sản đã mang đến hi vọng hồi sức cho DN trong ngành. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng để cụ thể hóa hi vọng này vẫn không phải là chuyện một sớm một chiều. Trong khi đó nguồn vốn vay từ gói hỗ trợ này lại giới hạn thời gian hưởng lãi suất thấp cũng làm cho nhiều doanh nghiệp phớt lờ với thông tin trên.
Ông Lương Hoàng Mãnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Mekong cho rằng, sẽ có nhiều DN không mấy quan tâm đến gói hỗ trợ này. Một phần do lãi suất như vậy vẫn còn cao (11,4%) so với thông tin đề xuất trước đây là dưới 10%. Thêm vào đó mức lãi suất này cũng chỉ thực hiện trong vòng 4 tháng thì cũng không cải thiện được tình hình là mấy. Chiếc phao hỗ trợ DN của Chính phủ chỉ đủ dưỡng khí cho đoạn đường ngắn trong khi DN lại cần sức để bơi đường dài".
Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP đã trao đổi với báo chí, Chính phủ giao cho Ngân hàng Phát triển cùng các ngân hàng thương mại cho các DN vay với lãi suất 11,4%/năm nhưng chỉ trong vòng 4 tháng. Với tình hình xuất khẩu cá tra đang rất chậm như hiện nay thì chỉ có những doanh nghiệp đang trong hoàn cảnh rất khó khăn mới chấp nhận điều kiện vay như thế.
Trong khi doanh nghiệp vẫn còn chưa chắc chắn về gói hỗ trợ có đi trúng đích và kịp thời hay không, thì đa phần các hộ nuôi cá nguyên liệu trong các hợp tác xã cũng hồi hộp không kém về thông tin sống còn của doanh nghiệp. Hiện nay, tiền mua cá trong doanh nghiệp đã thiếu hụt trầm trọng vì thế giá cá tra cũng rớt thảm hại. Doanh nghiệp cá tra sống leo lắt thì người nuôi cũng bất an, thay vì tranh cãi như trước thì bây giờ họ lại lo lắng và tương trợ cho nhau.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An (TP. Cần Thơ), cho biết: "Trước đây, việc DN thanh toán tiền mua cá cho xã viên có chút lợi thế hơn hộ nông dân nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, với tình cảnh hiện nay, xã viên phải "tự nguyện" bán cá, lấy tiền chậm 1, 2 tháng là chuyện thường. Vì việc này còn may mắn hơn việc doanh nghiệp phá sản, không đến mua cá. Hơn ai hết, người nuôi cá mong rằng doanh nghiệp sẽ nhanh chóng tiếp cận được vốn hỗ trợ. Lý do của điều này cũng dễ hểu, hiện tại người nuôi đã hết khả năng xoay vốn vì chưa thể đáo hạn ngân hàng, trong khi đó tài sản cũng đã thế chấp hết".
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, cho hay: Sở cùng DN đang gấp rút triển khai để nguồn hỗ trợ này nhanh chóng đến được với người dân càng nhanh càng tốt. Hiện tại, để đánh giá về mức độ tiếp cận của DN với nguồn vốn này thì chưa thể chính xác vì mới triển khai. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp cho rằng sẽ dễ dàng tiếp cận vì đa phần vẫn chưa đáo hạn ngân hàng.
Vẫn chưa thể khẳng định ngành cá tra suy sụp hoàn toàn. Tuy vậy, dự báo từ nay đến cuối năm, sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản. Đó là hệ quả của việc tồn tại nhiều DN yếu kém và chỉ hoạt động vì lợi ích trước mắt. Nhưng việc các doanh nghiệp thủy sản rời bỏ thị trường cũng để lại một hệ quả rất lớn. Trong đó, người nuôi cá bị liên đới từ chuyện này cũng không ít, bài học từ Thủy sản Bình An vẫn còn rất mới. Trong khi sức đề kháng của doanh nghiệp đã yếu ớt hơn bao giờ hết thì việc chịu thêm điều kiện cho vay của gói hỗ trợ sẽ khiến nhiều doanh nghiệp dễ buông xuôi khi cố sức bơi trong khủng hoảng.
Nam Phong
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|