Thứ Bảy, 28/07/2012 09:30

Doanh nghiệp nhà nước thành Cty gia đình

Là một doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có chức năng “xuất khẩu lao động”, Vinahandcoop đã 4 lần bị xử phạt, bị thu hồi giấy phép. Và quá trình chuyển đổi với rất nhiều sai phạm sau đó, DNNN này đã thực sự trở thành “Cty gia đình”, của riêng TGĐ Đỗ Việt Hưng.

Lãnh đạo thiếu “trình độ đại học”

Những lùm xùm tại Cty TNHH một thành viên sản xuất thương mại và xuất khẩu lao động (Vinahandcoop) bắt đầu khi ông Đỗ Việt Hưng được Liên minh HTX Việt Nam bổ nhiệm vào vị trí quyền Tổng GĐ. Theo quy định tại khoản 3, Điều 9, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: “Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trình độ từ đại học trở lên...”.

Tuy nhiên, tại thời điểm được bổ nhiệm, ông Hưng thiếu yếu tố quan trọng nhất là “trình độ đại học trở lên”. Sự thiếu hụt trình độ và kỹ năng của người lãnh đạo khiến Vinahandcoop ngay sau đó phải trả giá. Chỉ tính riêng 9 tháng của năm 2011, ông Hưng đã ký hợp đồng đưa 510 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Và cũng chỉ trong thời gian đó, theo Cục trưởng Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục Quản lý lao động nước ngoài xác định hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Vinahandcoop là “có nhiều sai phạm”.

Cục đã 4 lần ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty. Ngày 5.6.2012, Bộ LĐTBXH đã ban hành công văn số 1877/LĐTBXH- QLLĐNN gửi Cty Vinahandcoop về việc không cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do không đủ điều kiện.

Không chỉ vi phạm trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bản thân cán bộ nhân viên Vinahandcoop hiện cũng bị bỏ rơi khi suốt hơn 3 tháng qua, những người lao động tại đây không có việc làm.

Biến của chung thành của riêng

Không chỉ yếu kém và tiêu cực trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trụ sở của Vinahandcoop tại khu đất vàng 80 Hàng Gai (Hà Nội) được đem cho Cty cổ phần đầu tư quốc tế Đại Dương thuê lại dưới danh nghĩa “hợp tác kinh doanh”. Với quyền lực trong tay, ông Hưng yêu cầu đối tác phải chuyển hơn 4 tỉ đồng, trong đó có 2 tỉ đồng được chuyển thẳng vào... tài khoản cá nhân. Sau khi sự việc bị phanh phui, ông Hưng bị buộc phải trả lại tiền.

Tuy nhiên vi phạm nghiêm trọng nhất, cũng ảnh hưởng nhiều nhất tới quyền lợi hợp pháp của cán bộ nhân viên Vihancoop là việc cổ phần hóa với rất nhiều sai phạm đã khiến DNNN này trở thành “của riêng”.

Trong đơn của cán bộ nhân viên Vinahandcoop gửi đến cơ quan chức năng, việc thôn tính, “tư nhân hóa DNNN” của ông Hưng được thể hiện bằng việc chỉ đạo kế toán và thủ quỹ lập phiếu thu khống gần 6 tỉ đồng (đặt cọc để mua cổ phần) dưới những cái tên: Trần Đức Cường, Đinh Văn Thuật và... Đỗ Việt Hưng. Tại biên bản xác nhận ngày 20.3.2012 có chữ ký của người lập phiếu thu là bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh và thủ quỹ chuyển đổi cổ phần Nguyễn Thị Vân thì số tiền thực thu chỉ 14,36 triệu đồng.

Sự thao túng của ông Hưng còn thể hiện ở việc lấy quyền Tổng GĐ để đặt cọc không hợp lệ nhằm mua hơn 500.000 cổ phần, trong khi đó, toàn bộ cán bộ nhân viên chỉ được mua 5% số cổ phần. Khi sự việc vỡ lở, tại cuộc họp ngày 13.4.2012 trước sự chứng kiến của đại diện Liên minh HTX Việt Nam, vị tổng GĐ này “nhận là có lỗi”. Tuy nhiên, mọi sự không thay đổi.

Và sau khi kết quả chuyển đổi DN 100% vốn Nhà nước thành Cty cổ phần được cơ quan chủ quản phê chuẩn, những người lao động, nhiều năm gắn bó với Cty, gần như tay trắng. Vinahandcoop gần như nằm trong tay ông Hưng và người thân. DNNN trở thành Cty gia đình.

Tại biên bản cuộc họp ngày 13.4.2012 của lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam và cán bộ công nhân viên Cty, bà Nguyễn Thị Vân - cán bộ phòng thị trường kiêm thủ quỹ chuyển đổi Cty cổ phần - khẳng định: “Chúng tôi được sự chỉ đạo của anh Hưng viết phiếu thu nhưng hoàn toàn không có tiền... Sau khi viết phiếu thu anh Hưng bảo chị Ánh (người lập phiếu thu-PV) photocopy phiếu thu để gửi cho ban lãnh đạo cổ phần, còn tiền tôi không được cầm”.

Đào Tuấn

lao động

Các tin tức khác

>   Hưởng lãi suất 15%, doanh nghiệp vẫn lo (28/07/2012)

>   Công ty Bình Sơn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm (27/07/2012)

>   20% doanh nghiệp thép sẽ phá sản năm 2012 (27/07/2012)

>   Nokia - PSD 'tiền hết tình tan' trên thị trường Việt (27/07/2012)

>   Doanh nghiệp nhỏ chưa được lợi từ đề án cứu trợ (26/07/2012)

>   'Phải tức khắc giảm tồn kho để cứu doanh nghiệp' (26/07/2012)

>   Doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang "đuối" dần? (26/07/2012)

>   Bộ Công thương đang 'chiều' doanh nghiệp xăng dầu (26/07/2012)

>   Đem tiền ra nước ngoài buôn bán, Petrolimex lãi lớn (26/07/2012)

>   Chưa có doanh nghiệp nào đăng ký vay gói giải cứu cá tra (26/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật