Thứ Sáu, 27/07/2012 11:33

Nokia - PSD 'tiền hết tình tan' trên thị trường Việt

Cuộc hôn nhân mới giữa Samsung với PSD có đưa thị phần của Samsung tại Việt Nam lên vị trí số 1 trong năm 2013?

Tháng 4/2007, Nokia đã quyết định có thêm một nhà phân phối tại Việt Nam là PSD. Hợp đồng giữa hai bên được ký vào tháng 4/2007 và PSD chính thức bán ra những chiếc điện thoại Nokia đầu tiên vào tháng 6/2007. Rất nhanh chóng, cuối năm 2007, PSD đã chiếm thị phần quãng 30% trong 4 nhà phân phối của Nokia và đến cuối 2008, PSD và FPT đã ngang ngửa nhau về thị phần; cùng đảm đương tổng cộng 95% sản lượng bán ra của Nokia tại Việt Nam.

Chia tay với Nokia…

Ít ai biết được, Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thi trước khi về PSD đã từng làm cho Boston Consulting Group – một công ty tư vấn về chiến lược kinh doanh có tiếng trên thế giới, đồng thời là nhà tư vấn cho Nokia tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Sự am hiểu của ông Thi về thị trường, về các nhà phân phối hiện có của Nokia cũng góp phần không nhỏ vào sự thành công của cả PSD lẫn Nokia tại Việt Nam sau đó. Khi PSD bắt đầu tham gia vào thị trường, thị phần của Nokia tại Việt Nam là 53 - 54% và đang có xu hướng giảm dần. Sau 2 - 3 tháng thì "gió đổi chiều" và khoảng nửa năm sau khi PSD có mặt, thị phần của Nokia đã lên tới trên 60%. Theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu thị trường GFK vào tháng 1/2009, thị phần của Nokia tại Việt Nam ở thời điểm đó là 62%. Thời hoàng kim, Nokia chiếm tới xấp xỉ 70% thị phần điện thoại di động tại Việt Nam.

Nhưng để giữ được vinh quang đã có cũng đòi hỏi nỗ lực lao động và cải tiến để vượt qua chính mình. Sự chậm trễ đổi mới về sản phẩm của Nokia trên toàn cầu đã khiến nhà sản xuất điện thoại di động danh tiếng này dần tụt hạng ở nhiều thị trường khi phải đua tranh khốc liệt với Apple, Samsung, HTC… Đặc biệt, ở dòng sản phẩm điện thoại thông minh, Nokia hoàn toàn lép vế so với iPhone của Apple hay các smartphone sử dụng hệ điều hành Android của Samsung, HTC hay Google. Trong quý I/2012, doanh thu ròng từ các mẫu điện thoại thông thường của Nokia giảm 40% và giảm tới 50% với dòng sản phẩm smartphone. Ở châu Âu, thị trường lớn nhất của Nokia, doanh số bán cũng giảm đến 35%. Trong khi đó tại Trung Quốc - thị trường lớn thứ hai của Hãng - sụt giảm đến hơn 70%. Tình hình càng ảm đạm hơn khi vào tháng 6 vừa qua Nokia tuyên bố đóng cửa các nhà máy tại Đức, Phần Lan và Canada, đồng thời sa thải khoảng 10.000 lao động đang làm việc tại các cơ sở này.

Vậy mà, mặc dù không có sản phẩm công nghệ hấp dẫn khách hàng, không có nhiều tiền để hỗ trợ hoạt động quảng bá, Nokia vẫn giữ được vị trí số 1 trên thị trường điện thoại di động tại Việt Nam! Nguyên nhân được cho là bởi các nhà phân phối bận giành giật lẫn nhau để có được lợi thế trong phân phối các sản phẩm Nokia nên giúp Nokia đắc lợi. Ngoài ra, việc có nhiều sản phẩm giá rất rẻ đã đánh trúng tâm lý "thương hiệu lớn, giá bèo" của người tiêu dùng ở khu vực nông thôn cũng giúp Nokia (dù lãi rất ít trên từng sản phẩm) có được lợi thế về số lượng bán ra.

Các nghiên cứu không chính thức cho hay, Nokia hiện vẫn chiếm khoảng 50% thị phần trên thị trường điện thoại di động tại Việt Nam, cả về số lượng lẫn trị giá, trong khi con số này ở Samsung là khoảng 25%.

Tuy nhiên, việc phải bán sản phẩm không có nhiều lựa chọn, đổi mới về công nghệ cộng thêm các áp lực khác từ hoạt động không hiệu quả của Nokia trên toàn cầu cũng khiến các nhà phân phối phải đưa ra những tính toán cho riêng mình. Cùng một công bỏ ra, nhưng lợi ích thu được khi bán sản phẩm Nokia ngày càng ít đi, nỗi ấm ức vì Nokia vẫn luôn coi FPT là nhà phân phối chính để dành cho nhiều ưu ái; cộng thêm những bất đồng giữa hai bên không được giải quyết trong một thời gian dài… đã dẫn đến cuộc chia tay của PSD với Nokia.

Và mặc dù Nokia đơn phương họp báo, tuyên bố chấm dứt hợp đồng với PSD sau 1 tháng, nhưng trên thực tế, trước đó Petrosetco (công ty mẹ của PSD) đã chủ động đề cập tới việc sẽ dừng cuộc chơi với Nokia Việt Nam để chuyển sang hợp tác với Samsung trong một cuộc gặp gỡ thân mật.

Ông Phùng Tuấn Hà, Tổng Giám đốc Petrosetco nói với Doanh Nhân: "Chúng tôi muốn đàng hoàng bước vào mối lương duyên mới, bởi Nokia và Samsung dẫu sao cũng là những đối thủ của nhau. Chúng tôi cũng phải có những tính toán của mình và rất thận trọng, bởi đây là lĩnh vực mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cho Petrosetco".

Kết hôn với Samsung

Khi mới bước chân vào thị trường này, Samsung đã đặt nhiều hy vọng vào FPT. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, FPT đang là nhà phân phối chính cho Nokia và Nokia thì đang ở giai đoạn hoàng kim. Tháng 2/2009, Samsung có thêm mối lương duyên khác với Tập đoàn Phú Thái với mong muốn tạo ra bước chuyển mạnh mẽ. Tuy nhiên, các cuộc kết hôn này đều chưa mang lại kết quả mong đợi, khiến Samsung phải tự mình tiến hành phân phối sản phẩm tại Việt Nam. Mặc dù vậy, Samsung mới chỉ "về nhì" ở Việt Nam, dù ở nhiều thị trường tương tự và mới nổi khác, Samsung đứng số 1. Các nghiên cứu không chính thức cho thấy, doanh thu từ điện thoại di động và máy tính bảng của Samsung tại Việt Nam hiện vào khoảng 500 triệu USD. Con số này chỉ chiếm chưa đến 10% kim ngạch xuất khẩu từ nhà máy tại Việt Nam của Samsung. Khả năng cung cấp sản phẩm nhanh, sửa chữa nhanh, giúp nhà phân phối quay vòng vốn nhanh hơn… chính là những ưu thế đáng kể của Samsung, bởi nhà máy của Nokia tại Bắc Ninh nhanh nhất phải tới cuối năm 2013 mới có sản phẩm. Hiện các nhà phân phối sản phẩm của Nokia vẫn phải nhập hàng từ nước ngoài, khiến vòng quay của vốn kéo dài tới 3-4 tuần.

Hiện tại, Samsung đã có những điện thoại di động giá chỉ từ 400.000 đến 500.000 đồng/chiếc, cạnh tranh ngang ngửa với Nokia. Ở dòng điện thoại smartphone, ưu thế của Samsung vượt trội hơn Nokia với Samsung S3 đang trở thành sản phẩm yêu thích của giới trẻ. Trong quan hệ hợp tác với Samsung, PSD sẽ đảm nhận phân phối ở các thị trường khu vực mà Samsung chưa tự làm được.

Vẫn ông Phùng Tuấn Hà cho hay, niềm tin này được dựa trên thế mạnh về logistic và hệ thống 1.600 đại lý bán hàng, thông qua 11 chi nhánh trên toàn quốc của PSD.

Kỳ vọng còn dựa trên cơ sở là Samsung đang ăn nên làm ra trên toàn cầu. Đặc biệt, thị trường Việt Nam đang được Samsung đặt mục tiêu vươn lên vị trí số 1.

Samsung - Nokia đang đối đầu nhau

Quý I vừa qua, Samsung xuất xưởng 93,8 triệu chiếc điện thoại di động, vượt qua Nokia để trở thành nhà sản xuất điện thoại di động số một trên thế giới (số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường IDG). Trong phân khúc điện thoại thông minh, hãng này tiếp tục giành vị trí dẫn đầu khi bán ra được 38 triệu chiếc, chiếm hơn 40% tổng số điện thoại di động sử dụng hệ điều hành Android. Tại Việt Nam, Samsung cũng đang giữ vị trí số 1 trên thị trường điện thoại thông minh.


 Yên Hưng

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp nhỏ chưa được lợi từ đề án cứu trợ (26/07/2012)

>   'Phải tức khắc giảm tồn kho để cứu doanh nghiệp' (26/07/2012)

>   Doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang "đuối" dần? (26/07/2012)

>   Bộ Công thương đang 'chiều' doanh nghiệp xăng dầu (26/07/2012)

>   Đem tiền ra nước ngoài buôn bán, Petrolimex lãi lớn (26/07/2012)

>   Chưa có doanh nghiệp nào đăng ký vay gói giải cứu cá tra (26/07/2012)

>   EVN lờ giá rẻ, mua giá mắc (26/07/2012)

>   Kiểm soát chặt chất lượng hạt điều xuất khẩu (25/07/2012)

>   Sắp có đề án cứu doanh nghiệp (25/07/2012)

>   Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 16 tỷ USD (25/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật