Bộ Công thương đang 'chiều' doanh nghiệp xăng dầu
“Đã là độc quyền thì không thể để cho doanh nghiệp tự định giá được. Bộ Công thương thường có suy nghĩ là phải đảm bảo đủ nguồn năng lượng cung cấp cho nền kinh tế, nên họ có xu hướng chiều theo ý của doanh nghiệp”, TS. Ngô Trí Long (Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả, Bộ Tài chính) nhấn mạnh.
“Bắt tay” một giá?
Lần tăng giá xăng dầu mức 300-400 đồng/lít từ ngày 20/7 vừa qua là hành động đầu tiên được các doanh nghiệp thực hiện theo tinh thần của quyết định 8412 (trao quyền quyết định giá cho doanh nghiệp đầu mối) mà Bộ Tài chính ban hành trong tháng 6/2012.
Tuy nhiên, một điều có phần bất ngờ trong điều hành giá xăng dầu ngày 20/7, mặc dù để cho các doanh nghiệp tự định giá bán lẻ nhưng trước đó Bộ Tài chính lại ban hành công văn mang tính định hướng thông báo cho các doanh nghiệp với mức chênh lệch giữa giá cơ sở và bán lẻ dao động từ 300-400 đồng/lít. Ngay lập tức các doanh nghiệp đầu mối đều đồng loạt tăng giá cùng một mức 400 đồng/lít xăng.
Theo công văn 9794 gửi các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc các doanh nghiệp đăng ký giá để tự quy định giá bán trong biên độ cho phép theo quy định tại Nghị định số 84 là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Tài chính, trên cơ sở diễn biến của giá xăng dầu thế giới hiện nay, giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động rà soát lại phương án giá, cách tính giá đã đăng ký để quy định giá bán xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá cơ sở và phù hợp với các quy định tại Nghị định số 84. Đồng thời doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về quyết định giá và kết quả kinh doanh của mình.
Dễ dàng để thấy, quyền tự quyết về giá được trao cho các doanh nghiệp xăng dầu song vẫn không tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vì đồng loạt các mức giá các doanh nghiệp đưa ra đều như nhau.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc thị trường độc quyền, mà để cho các doanh nghiệp tự quyết về giá, chỉ có lợi cho doanh nghiệp.
TS. Ngô Trí Long (Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả, Bộ Tài chính) cho rằng, nguyên tắc của quản lý giá trong nền kinh tế thị trường là phải phân theo tính chất của thị trường để quyết định xem sản phẩm thuộc loại nào. Nếu thuộc loại tự do cạnh tranh thì phải để cho thị trường quyết định. Còn nếu thuộc lĩnh vực độc quyền thì Nhà nước phải quyết định. Từ đó mới có hình thức quản lý phù hợp.
Ở Việt Nam, xăng sản xuất trong nước mới đáp ứng được 30% nhu cầu, còn 70% phải nhập khẩu và do 11 doanh nghiệp đầu mối thực hiện, trong đó riêng Petrolimex chiếm trên 60% thị phần.
Trong khi đó, theo Luật Cạnh tranh, nếu một doanh nghiệp chiếm trên 30% thì đó là thống lĩnh thị trường, mà thống lĩnh thị trường chính là độc quyền. Như vậy, thực chất thị trường xăng dầu Việt Nam mang tính độc quyền.
Doanh nghiệp đang được “chiều”
“Đã là độc quyền thì không thể để cho doanh nghiệp tự định giá được. Bộ Công Thương thường có suy nghĩ là phải đảm bảo đủ nguồn năng lượng cung cấp cho nền kinh tế, nên họ có xu hướng chiều theo ý của doanh nghiệp”, ông Long nhấn mạnh.
Theo TS. Ngô Trí Long, bất cập lớn nhất của Nghị định 84 là không xác định được thị trường xăng dầu hiện nay là thị trường độc quyền hay cạnh tranh. Nếu độc quyền mà để cho doanh nghiệp tự định giá là không đúng.
Ngoài ra, theo ông Ngô Trí Long, việc điều hành giá xăng dầu như hiện nay là trái với Luật quản lý giá. Luật quản lý giá quy định rõ, những sản phẩm độc quyền, nhà nước phải quyết định giá.
Trả lời báo giới mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận, hiện nay trên thị trường xăng dầu Việt Nam, Petrolimex chiếm đến hơn 60% thị phần nên khó có cạnh tranh đối với các doanh nghiệp khác. Đây là cái gốc của vấn đề xăng dầu.
Trong khi đó một số nước phát triển, doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất cũng chỉ chiếm tối đa 12% thị phần, nếu vượt quá sẽ phải chịu giám sát hoặc giải thể. Do đó, về lâu dài chúng ta phải để mặt hàng xăng dầu và điện theo thị trường cạnh tranh.
Ông Tuấn cho rằng, Bộ Tài chính chọn giải pháp giao quyền cho doanh nghiệp "chỉ mang tính tình thế" vì chưa giải quyết được vấn đề gốc nêu trên.
Việc giao quyền đó phải trên cơ sở quản lý của Nhà nước, bởi đây là mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, nếu không giám sát, không đăng ký là không được.
Bộ Tài chính sẽ có biện pháp chống xin - cho, giám sát chặt việc đăng ký giá của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã được giao quyền thì phải có nghĩa vụ công khai nội dung và thời điểm điều chỉnh giá trên các phương tiện thông tin. Việc giám sát này sẽ tránh được hiện tượng các doanh nghiệp cùng bắt tay ấn định giá.
TS. Ngô Trí Long thì nhấn mạnh, dù Nhà nước hay doanh nghiệp quyết định giá thì cũng phải phù hợp với giá thị trường. Bản chất kinh tế thị trường là cạnh tranh và cạnh tranh “đẻ” ra độc quyền. Đây là hai “người anh em sinh đôi của kinh tế thị trường”. Nhà nước không thể xóa bỏ, không thể cấm được độc quyền mà chỉ có thể kiểm soát.
Tuy nhiên, việc quản lý xăng dầu ở Việt Nam hiện nay vẫn đang hết sức “nửa vời”. Nhà nước để cho doanh nghiệp tự định giá theo cơ chế thị trường rồi mỗi lần điều chỉnh lại phải báo cáo để xin phép. Trong nền kinh tế thị trường không có cơ chế nào mà “song trùng” định giá như vậy.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng nhấn mạnh, dù đã có sự điều chỉnh là chuyển công thức bỏ lợi nhuận ra khỏi chi phí, nhưng sự minh bạch về giá bán ở Việt Nam vẫn là một ẩn số, vì vậy không thể để doanh nghiệp tự định giá theo thị trường.
Nhóm phóng viên
vtc
|