Thứ Tư, 25/07/2012 15:37

Khi người giàu gặp khó

Việc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tăng 300% giá thuê kênh đối với các mạng nhỏ như Vietnamobile chính là giọt nước tràn ly đối với Hanoi Telecom và đối tác Hutchison.

Chuyện ông Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hanoi Telecom phải viết đơn kêu cứu mới đây cũng là việc làm bất khả kháng, bởi họ và đối tác đến từ Hồng Kông đều đã cùng đường. Nếu so với các nhà đầu tư nước ngoài khác, số tiền mà Hutchison đã đổ vào mạng di động Vietnamobile là quá lớn với con số lên đến cả tỉ USD. Viễn cảnh Hutchison có thể thoái được thành công số vốn trên vào thời điểm hiện nay gần như là không tưởng.

Theo một nghiên cứu gần đây của NCĐT, thị trường viễn thông Việt Nam vẫn chưa đến mức bão hòa khi số thuê bao thật của toàn thị trường chỉ mới đạt 40-50 triệu. Viettel từng thành công khi tập trung khai thác đối tượng học sinh, sinh viên. Họ từng lãi 20.000 tỉ đồng trên doanh thu 116.000 tỉ đồng trong năm 2011 nhờ vào chiến lược trên. Ngoài ra, doanh nghiệp trong ngành viễn thông còn thu lợi từ nhạc chờ, nhạc chuông, trò chơi.

Đó có lẽ là những lý do khiến cho các công ty như VimpelCom (Nga) hay Hutchison đầu tư vào những nhà mạng nhỏ Beeline và Vietnamobile. Nhưng vừa qua, VimpelCom đã quyết định cắt lỗ cho khoản đầu tư của mình vào mạng di động Beeline dù đã thành công tại một số quốc gia ở Đông Âu và Trung Á. Ở Việt Nam, VimpelCom đã đầu tư 1 tỉ USD và họ cũng đã có phép thử cuối cùng trước khi quyết định rút khỏi Việt Nam với gói cước Tỉ Phú, nhưng không thành.

Không xâm nhập thị trường thông qua các mạng nhỏ, Orange France Telecom (Pháp) đã theo đuổi việc mua cổ phần của MobiFone hơn 5 năm qua. Khi MobiFone công bố tiến trình cổ phần hóa vào năm 2006, Orange đã bày tỏ ý muốn trở thành đối tác chiến lược của MobiFone. Orange đã xúc tiến các hoạt động hỗ trợ, hợp tác với VNPT để tiến tới thực hiện kế hoạch này. Theo đánh giá của ông Jacques Fulcrant, nguyên Giám đốc Quốc gia của Orange tại Việt Nam, chưa thấy thị trường viễn thông di động nào lại năng động và phát triển nhanh như ở Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường viễn thông Việt Nam có quá nhiều nhà khai thác, trong khi ở các thị trường khác chỉ có khoảng 3-4 nhà khai thác dịch vụ, quá lắm là 5, đồng thời có sự phân chia thị phần khá đồng đều. Ở Việt Nam, thị phần lại thuộc 3 nhà mạng lớn, trong đó có 2 nhà mạng thuộc VNPT, những mạng nhỏ còn lại chỉ chiếm một thị phần quá ít.

Tân Giám đốc của Orange tại Việt Nam, ông Laurent Zylberberg, cho rằng thị trường di động Việt Nam đã đạt ngưỡng bão hòa. Vì vậy, theo ông, đã đến lúc phải chuyển sang giai đoạn tập trung vào các ứng dụng và dịch vụ giá trị gia tăng để nâng cao lợi ích cho người sử dụng.

Kế hoạch mua cổ phần MobiFone dưới thời ông Laurent Zylberberg có vẻ như sẽ sáng sủa hơn so với trước đó, do những tín hiệu chính sách về quyết tâm cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có MobiFone, đang ngày càng tích cực. Trong cuộc gặp các chuyên gia quốc tế vào năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước sẽ được thúc đẩy trở lại trong năm 2012.

Tuy nhiên khi nhìn vào những rắc rối EVN Telecom vướng phải, có nhiều lý do để tin rằng việc cổ phần hóa của MobiFone sẽ không hề dễ dàng. Năm 2010, EVN Telecom thông báo sẽ bán cổ phần cho các nhà đầu tư và đã có sẵn 2 đối tác nước ngoài quan tâm là STT (Singapore) và Axiata (Malaysia). Đến cuối năm, FPT bất ngờ công bố họ đã đặt cọc 700 tỉ đồng để mua 51% cổ phần của EVN Telecom. Nhưng không lâu sau đó, FPT lại thông báo chấm dứt việc đầu tư vào EVN Telecom vì lý do chính sách của Chính phủ.

Một doanh nghiệp Nhà nước khác là VTC cũng đã đặt cọc 120 tỉ đồng để đàm phán mua lại 30% vốn EVN Telecom, nhưng rồi cũng phải ngưng vì có thông tin Chính phủ giao cho Viettel tiếp quản EVN Telecom. Tập đoàn Viettel khi đó tự tin rằng, EVN Telecom sẽ sáp nhập vào Viettel một cách nhanh chóng vì được đã Chính phủ bật đèn xanh.

Vậy mà đến cuối tháng 10.2011, Hanoi Telecom và đối tác Hutchison đã lên tiếng đề nghị Chính phủ ưu tiên cho họ mua lại EVN Telecom. Nếu không, cần cho họ mua lại phần sở hữu của EVN Telecom trong mảng băng tần 3G đang được EVN Telecom và Hanoi Telecom sở hữu chung. Theo họ, nếu để EVN Telecom sáp nhập vào Viettel sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh.

Với một thị trường luôn được đánh giá là hấp dẫn, những công ty viễn thông lớn ở châu Á như STT hay Axiata lẽ ra đã có mặt tại Việt Nam từ lâu. Tuy nhiên, vì những lý do liên quan đến an ninh quốc phòng nên việc hạn chế sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực viễn thông cũng là dễ hiểu. Chỉ tiếc cho người tiêu dùng dịch vụ viễn thông chưa được hưởng những quyền lợi tốt nhất như ở các thị trường khác.

Hà Nguyễn

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Cần nới lỏng thị trường, cứu xuất khẩu gạo (25/07/2012)

>   Nhập siêu giảm, đừng vội mừng (25/07/2012)

>   Mía đường Miền Tây: Lo "hiệu ứng gà gáy" (24/07/2012)

>   Giấy có nguy cơ bị kiện chống bán phá giá tại Mỹ (24/07/2012)

>   Tìm giải pháp cứu đà giảm của xuất khẩu tôm sú (24/07/2012)

>   Doanh nghiệp bán lẻ tự tin vươn hạng hấp dẫn nhất (24/07/2012)

>   Không để EVN tăng giá tùy tiện (24/07/2012)

>   Đã có phương án tái cơ cấu Tổng công ty Lương thực miền Bắc (24/07/2012)

>   Nga gia nhập WTO: Thuận lợi và khó khăn với hàng Việt (24/07/2012)

>   Bị từ chối, Tập đoàn Than nài nỉ xin giảm thuế (24/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật