Mía đường Miền Tây: Lo "hiệu ứng gà gáy"
Theo thống kê của Tiểu vùng đồng bằng sông Cửu Long (Hiệp hội mía đường Việt Nam – HHMĐVN), năm nay, toàn vùng trồng trên 52.000 ha mía, ước thu khoảng 3,5 triệu tấn mía nguyên liệu, riêng tỉnh Hậu Giang có khoảng 14.000 ha mía. Ngành nông nghiệp Hậu Giang cảnh báo, có khoảng 9.000ha mía nguyên liệu vùng Phụng Hiệp nằm trong vòng đe dọa của nước lũ năm nay và ước tính có khoảng 800.000 tấn mía nguyên liệu ở đây phải thu hoạch chạy lũ.
"Một con gà gáy làm cả đàn phải thức giấc"
Tại cuộc họp chuẩn bị vào vụ mía mới cho khu vực ĐBSCL do HHMĐVN vừa tổ chức tại TP. Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), bà Bùi Thị Quy, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Mía – Đường – Cồn Long Mỹ Phát (Hậu Giang), cho biết dự kiến sẽ bắt đầu vận hành nhà máy vào ngày 10.8 tới để kịp thời xử lý vùng nguyên liệu mía mà UBND tỉnh Hậu Giang đã giao cho đơn vị này thu mua chạy lũ. Trong khi đó, theo kế hoạch đề xuất của HHMĐVN, ba nhà máy gần vùng nguyên liệu Phụng Hiệp (Nhà máy đường Vị Thanh, Phụng Hiệp, Long Mỹ Phát) sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối tuần đầu tháng 9, bảy nhà máy còn lại sẽ lần lượt khởi động tiếp theo thành hai đợt, mỗi đợt cách nhau mười ngày.
Quyết định vận hành máy sớm gần một tháng của Long Mỹ Phát so với lịch đề xuất được bà Quy lý giải: “Long Mỹ Phát có công suất nhỏ, không thể cạnh tranh nguyên liệu với các công ty khác ở những vùng nguyên liệu khác, nên phải hoạt động sớm khi vùng nguyên liệu Phụng Hiệp còn mới nguyên để khai thác sản lượng”.
Theo ông Lê Văn Hiệu, giám đốc nhà máy đường Tây Nam (Cà Mau), các nhà máy ở gần vùng nguyên liệu Phụng Hiệp nên hoạt động vào cuối tháng 8, đầu tháng 9, bởi vì, nếu sản xuất sớm, nông dân sẽ mất sản lượng, chữ đường (độ % lượng đường trong nước mía ép ra) và cả nhà máy cũng thiệt.
Ông Nguyễn Thanh San, giám đốc nhà máy đường Ấn Độ - NILV (tỉnh Long An), đơn vị có công nghệ cũng như công suất hàng đầu nhóm mười nhà máy đường ở ĐBSCL, lưu ý: “Nên cân nhắc thêm chất lượng nguyên liệu để tính toán thời điểm khởi động niên vụ mới và tối thiểu cũng cần phải chờ mía đạt 8 CCS (chữ đường). Nếu lo tới chuyện chạy lũ cũng cần nhận thấy rằng, cây mía ngập nước trong tuần đầu, chữ đường sẽ tăng vọt”.
Theo ông San, nếu không có bị áp lực thu hoạch mía chạy lũ, nhà máy NILV sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu tháng 10 để dưỡng thêm chữ đường.
Còn theo ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch HHMĐVN, khi vào đầu vụ, cứ có một nhà máy đường bắt đầu hoạt động sớm hơn dự kiến, thì lần lượt các nhà máy khác cũng sẽ phải hoạt động sớm hơn để đảm bảo không bị mất nguyên liệu tại những vùng họ đã đầu tư, do thương lái thu mua tràn lan. Một con gà gáy làm cả đàn phải thức giấc!
Cảnh báo “chết chùm”
Ông Nguyễn Hải, tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam, cho biết cả nước có 42 nhà máy đường với tổng công suất ước khoảng 135.400 tấn mía/ngày. Hiệu quả hoạt động trong niên vụ mía 2011 – 2012 thu hồi khoảng hai triệu tấn đường, riêng các nhà máy đường ở ĐBSCL khoảng 300.000 tấn.
Với sản lượng này, có thể cân đối đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.Tuy nhiên, trong quá trình vận động thị trường, lượng đường trong nước tăng cao so với tổng sản lượng sản xuất. Tham khảo số liệu xuất khẩu đường của nhiều quốc gia, ông Hải ước tính, tổng lượng đường nhập khẩu bằng nhiều hình thức trong năm 2012 lên trên 300.000 tấn. Do vậy, lượng đường tồn kho trong cả nước hiện có trên 250.000 tấn, chưa tính có khoảng 70.000 tấn đường sẽ nhập khẩu trong năm 2012, theo cân đối nhu cầu của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và bộ Công Thương nhưng chưa có văn bản chính thức. Bên cạnh đó, sản lượng đường được thế giới dự báo trong năm tới sẽ đạt mức 174 triệu tấn, nhu cầu tiêu dùng theo cân đối khoảng 160 triệu tấn, lượng đường vượt nhu cầu khoảng 10 triệu tấn. Chính vì vậy, giá đường thế giới nhiều khả năng sẽ giảm trong năm 2013.
Ông Nguyễn Thành Long, nói: “Đến năm 2015, ở Việt Nam sẽ không còn khái niệm đường lậu, hàng rào thuế quan sẽ bị xóa theo khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Nông dân trồng mía và các nhà máy đường sẽ làm gì để đương đầu với đường nhập khẩu? Nông dân phải tính đến năng suất, sản lượng, chất lượng… nguyên liệu. Nhà máy phải hoạt động đảm bảo hiệu quả cho ngành và cho cả người trồng mía. Rồi sản lượng đường ở niên vụ tới sẽ tăng, trong khi phải mất ít nhất gần 3 tháng mới tiêu thụ hết lượng đường tồn kho hiện tại”.
Theo kết quả kiểm tra mẫu nguyên liệu của các nhà máy đường, hiện tại mía chỉ ở độ 7 – 8 tháng tuổi, chất lượng nguyên liệu đang ở mức thấp: vùng mía Sóc Trăng khoảng 3,5 – 5,5 CCS; vùng Phụng Hiệp (Hậu Giang) khoảng 5 – 6,5 CCS. Với kết quả này, Hiệp hội mía đường đề xuất chỉ nên thu hoạch vào đầu tháng 9 tới để giảm lượng mía non, tăng hiệu quả sản xuất của người trồng lẫn nhà máy đường.
Nếu ba nhà máy đường thuộc vùng nguyên liệu Hậu Giang bắt đầu hoạt động khoảng ngày 15.8, vẫn đảm bảo tiêu thụ hết lượng mía cần chạy lũ đúng thời hạn chạy lũ cho vùng mía Phụng Hiệp (tối đa đến 30.11.2012). Nếu tới đầu tháng 9, ba nhà máy này mới bắt đầu hoạt động, thì cần thiết chia sẻ vùng nguyên liệu Phụng Hiệp cho các nhà máy khác khoảng 150.000 tấn mía chạy lũ. Theo HHMĐVN, bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn đã khuyến cáo các nhà máy đường nên đợi mía đạt 9 CCS mới sử dụng làm nguyên liệu. Riêng nhà máy Long Mỹ Phát, trong niên vụ mía trước, tỷ lệ thu hồi đường ở mức 14 nguyên liệu – 1 đường, đây là mức thấp nhất của cả nước do nguyên liệu mía có chữ đường thấp.
Ông Cổ Chí Dũng, tổng giám đốc công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng bày tỏ lo ngại khi đầu niên vụ mía năm ngoái, giá đường giảm, nhưng còn ở mức 18 triệu đồng/tấn, giá mía mua tại ruộng 900.000đồng/tấn; còn năm nay, chuẩn bị vào vụ sản xuất đường, giá đường chỉ ở mức 15 – 15,5 triệu đồng/tấn, trong khi giá nguyên liệu tại ruộng dự kiến đã là 1 triệu đồng/tấn. “Nếu nhà máy hoạt động sớm bằng nguyên liệu mía non, có chữ đường thấp: 6 – 7 CCS, sẽ dẫn tới việc trong cả vụ sản xuất đường,các nhà máy đều phải sử dụng nguyên liệu mía non. Nếu thực tế này xảy ra, thì khỏi phải bàn tới tính hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành mía đường ĐBSCL nữa,” ông Dũng khẳng định.
Theo ước tính của hiệp hội Mía đường Việt Nam, đầu niên vụ mía đường năm nay 2012 – 2013, mía đạt chữ đường khoảng 8 CCS, dự kiến giá thu mua đầu vụ đối với mía 10 CCS khoảng 1000đồng/kg (mua tại ruộng), giá mua thực tế tại cảng nhà máy sẽ cộng thêm phí vận chuyển 90 – 180đồng/kg - tùy cự ly từ vùng nguyên liệu tới nhà máy. Lượng tạp chất được các nhà máy chấp nhận khi không vượt quá 3% khối lượng nguyên liệu. Bên cạnh đó, hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng đồng thuận với các nhà máy trong việc lưu ý với những nhà cung cấp, nhà máy sẽ không mua mía dưới 6 CCS, nhưng nếu đã trót chở tới nhà máy thì giá mua sẽ không quá 600đồng/kg (tại nhà máy).
Ngọc Tùng
sài gòn tiếp thị
|