Nga gia nhập WTO: Thuận lợi và khó khăn với hàng Việt
Nếu Nga thực thi đúng những cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thì sẽ xuất hiện những thuận lợi mà Việt Nam có thể khai thác trong xuất nhập khẩu.
Thuận lợi về thuế
Duma quốc gia Nga (tức Hạ viện Nga) đã phê chuẩn việc nước này gia nhập WTO. Như vậy, sau ngày 10/8, Nga sẽ chính thức trở thành thành viên thứ 155 của WTO. Sự kiện này tác động như thế nào đến quan hệ thương mại Việt Nam - Nga?
Ông Dương Hoàng Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) nhận định, Nga là thành viên của WTO, nhưng không phải là thành viên bình thường, bởi đó là nền kinh tế mạnh về tài chính, thị trường rộng, có nhiều tài nguyên thiên nhiên... “Nếu Nga thực thi đúng những cam kết gia nhập WTO, thì sẽ xuất hiện những thuận lợi mà Việt Nam có thể khai thác trong xuất nhập khẩu”, ông Minh nói và nhận định, Nga đã cam kết giảm thuế nhập khẩu trung bình từ 10% xuống 7,8%. Thuế suất thuế nhập khẩu đối với hàng nông - lâm - thủy sản của Việt Nam vào Nga (chiếm khoảng 50% hàng xuất khẩu vào thị trường này) sẽ giảm khá mạnh, từ 13,2% xuống 10,8%. Đối với với hàng công nghiệp, mức thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 9,5% xuống 7,3%. Ngoài ra, Việt Nam và Nga có một gói cam kết sẽ có hiệu lực khi Nga là thành viên đầy đủ của WTO.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác lớn nhất của Nga ở khu vực Đông Nam Á. Phân bón, sắt thép… chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hoá mà Việt Nam nhập khẩu từ Nga sẽ được hưởng lợi vì thuế nhập khẩu thấp của nước ta.
Và những khó khăn...
Nhiều doanh nghiệp đã và đang làm ăn tại thị trường Nga cho hay, những cơ hội nêu trên chỉ mở rộng cửa hơn đối với những doanh nghiệp có nguồn tài chính khá dồi dào, mối quan hệ tốt.
Công ty Satra Thái Sơn (TP.HCM) là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã từng có thành công tại Nga. Với kinh nghiệm hơn 10 năm, tạo được chỗ đứng khá vững trên thị trường Nga, Satra Thái Sơn đã nâng cao sản lượng, đa dạng chủng loại các mặt hàng xuất khẩu… Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây, Công ty đã rút lui hẳn khỏi thị trường này và chuyển sang xuất hàng vào Trung Quốc.
Biết tin Nga sắp gia nhập WTO, sản phẩm của Công ty lại nằm trong nhóm sản phẩm được miễn giảm thuế, nhưng trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó giám đốc Công ty Satra Thái Sơn khẳng định, sẽ không có ý định quay lại thị trường này. “Thị trường Nga khó tính hơn, vòng quay đồng tiền phải mất ít nhất 6 tháng (trong khi với Trung Quốc thì chỉ trong vòng mấy tuần), tốn nhiều chi phí xin giấy phép… Đó là chưa kể đến hàng rào kỹ thuật, kiểm dịch mà chúng tôi khó có thể lách qua, nếu không có nhiều tiền”, ông Hùng nói.
Một trường hợp khác là Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định. Từ năm 1994 đến năm 2004, Công ty này đã xuất khẩu sản phẩm thịt lợn, gia cầm vào thị trường Nga, với tổng giá trị khoảng 800.000 USD/năm. Tuy nhiên, sau năm 2004, Cục Thú y Nga đã cấm những sản phẩm này của các doanh nghiệp Việt Nam không được xuất khẩu vào Nga do bị dịch bệnh. Ông Nguyễn Trung Kiểu, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: “Sau khi bị vướng phải hàng rào kỹ thuật đó, chúng tôi đã rà soát, cải thiện rất nhiều, đã gửi hồ sơ, giấy tờ chứng minh sản phẩm sạch đến Cục Thú y Việt Nam và làm thủ tục để mời Cục Thú y Nga sang kiểm tra lại quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm. Song suốt từ đó đến nay, phía Nga vẫn không có hồi âm”.
Đề cập những khó khăn trên, ông Golikov Maxim Urievic, Trưởng đại diện thương mại Nga tại Việt Nam, cũng thừa nhận: “Điều khiến doanh nghiệp hai nước quan ngại là hiện vẫn chưa ngồi lại với nhau để làm việc về khâu thanh toán và thủ tục nhập phức tạp với quá nhiều giấy tờ”.
Ngoài ra, các doanh nghiệp chưa có thông tin cập nhật thường xuyên về thị trường, thiếu đầu mối giao dịch thương mại tập trung, ổn định, mạng lưới đại diện, chi nhánh của các doanh nghiệp còn mỏng.
Anh Hoa
Đầu tư
|