S-Fone: Cuối đường hầm chưa thấy ánh sáng
VimpelCom rút lui, EVN Telecom bị xóa sổ sau khi FPT “rút dù” khỏi thương vụ đầu tư, Đông Dương Telecom dù có giấy phép nhưng vẫn chưa dám triển khai dịch vụ thông tin di động... Nhưng những thất bại hay khó khăn này có lẽ vẫn không bằng nỗi ê chề mà S-Fone đang chịu đựng.
Khó tìm được người mua
Việc S-Fone chấm dứt hợp đồng lao động với tất cả nhân viên với lý do chấm dứt mô hình hoạt động hợp tác kinh doanh (BCC) để chuyển sang mô hình Cty TNHH thông tin và viễn thông di động S-Telecom, trên thực tế sự “thay áo” này không cứu được S-Fone khỏi “cái chết lâm sàng”. Bởi cùng với thông báo này, S-Fone còn đóng cửa nhiều cửa hàng chi nhánh, trước đó chủ động cắt giảm nhân sự, rồi việc nợ lương nhân viên cùng với BHXH, BHYT... liên tục diễn ra, bị nhân viên khiếu nại. Nguyên nhân đơn giản là, nguồn thu của S-Fone chủ yếu trông chờ vào việc bán thẻ cào cho số thuê bao ít ỏi còn lại không bù đắp nổi cho chi phí vận hành mạng lưới và trả lương nhân viên.
Ông Phạm Tiến Thịnh - một Việt kiều Đức - được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành S-Fone từ tháng 9.2010 nhưng cũng không thể vực dậy được cỗ xe đang lao dốc S-Fone. Thực ra, SPT (sở hữu S-Fone) đưa ông Thịnh về với kỳ vọng giúp tìm mối lái mua S-Fone vì ông có nhiều mối quan hệ quốc tế trong cùng lĩnh vực. Nhưng gần 2 năm qua, khi S-Fone luôn trong thế rao bán song vẫn khó tìm được ai mua. SaigonTel do đại gia Đặng Thành Tâm thống lĩnh nhảy vào mua SPT được dư luận cho rằng nhằm vào khoảng chục miếng đất đẹp của DN này, đồng thời chờ thời cơ bán lại cổ phần mảng di động cho nước ngoài để kiếm lời.
Hutchison đã đổ cả tỉ USD vào mạng Vietnamobile mà khó vẫn hoàn khó. VimpelCom (thương hiệu Beeline) sau khi tiêu hết hơn 250 triệu USD tại VN đành phải cay đắng rút lui. Vậy thì, chỉ với vài trăm tỉ đồng từ việc bán cổ phần SPT cho SGT, dù có đổ hết vào S-Fone cũng chẳng làm được gì. S-Fone lâu nay kéo dài “đời sống thực vật” là nhằm chờ cơ hội có nhà đầu tư nhảy vào, nhưng cuối đường hầm vẫn chưa thấy ánh sáng.
Được liên doanh thì đã muộn
Hai bên SPT và SK Telecom thường xung đột với nhau khi S-Fone trong giai đoạn khó khăn và một trong những nguyên nhân được đưa ra là chiếc áo BCC quá chật khó phát triển kinh doanh. Đến bây giờ, dù thua lỗ cả trăm triệu USD tại dự án S-Fone nhưng sự rút lui của SK Telecom vẫn được xem là sáng suốt. Năm, bảy năm về trước, nếu S-Fone được sớm sủa cho chuyển đổi sang mô hình liên doanh thì có thể mạng này đã rẽ theo hướng khác.
Bây giờ, cho dù S-Fone được chấp nhận cho chuyển lên 3G hay được cho thay “áo mới” liên doanh đi nữa, thì mọi thứ có lẽ đã muộn. Gtel là liên doanh đó thôi mà còn thất bại. Các chuyên gia cho rằng, trong thế cuộc ba mạng MobiFone, VinaPhone và Viettel chiếm đến hơn 95% thị phần như hiện nay, thực sự các nhà mạng khác khó có thể tìm được đất sống. Chính vì thế mà FPT, từ việc đầu tư vào EVN Telecom, rồi rút lui, giờ ông Tổng giám đốc Trương Đình Anh cho rằng nếu có đầu tư vào mạng di động thì cũng làm ở nước ngoài chứ không thấy có cơ hội làm ở VN. Vậy thì S-Fone còn có không cơ hội lôi kéo được nhà đầu tư nước ngoài tham gia liên doanh?
Thế Lâm
lao động
|