Thứ Bảy, 21/07/2012 15:04

Doanh nghiệp VN liên tục bị kiện bán phá giá: Quá bị động

"Hiện nay đã xuất hiện thêm nhiều quốc gia khác nhau kiện doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bán phá giá, trong đó nguyên nhân chủ yếu do chính các doanh nghiệp trong nước chưa nắm bắt đầy đủ "luật chơi” của WTO – Ông Trịnh Anh Tuấn, Trưởng ban hợp tác quốc tế (Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương) cho biết tại buổi tập huấn về khai thác và sử dụng hệ thống cảnh báo sớm từ các vụ kiện chống bán phá giá, tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 20-7.

Các nước nhỏ cũng kiện hàng Việt Nam

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, ngoài Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU là các thị trường xuất khẩu hàng chủ lực của Việt Nam thường xuyên xảy ra các vụ kiện doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bán phá giá thì đã thêm một số quốc gia theo đuổi các vụ kiện hàng Việt Nam, như: Ca-na-đa, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Ba Lan, Colombia, Pêru,…Đáng lo ngại là tại các nước mà hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ, cũng đã bắt đầu xảy ra các vụ kiện hàng hóa của chúng ta, như Pêru và Colombia.

Trước thực trạng nêu trên, Cục Quản lý Cạnh tranh đã đưa danh sách các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị kiện bán phá giá để cảnh báo, trong đó có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, như: Giày dép các loại, thủy hải sản, kim loại, nông sản, đồ gia dụng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện,…Trong số này, giày dép và thủy hải sản là các mặt hàng bị kiện nhiều nhất.

Theo thống kê, thiệt hại từ các vụ kiện chống bán phá giá đối với Việt Nam là hết sức nặng nề. Ngoài thiệt hại về tài chính (chi phí theo đuổi các vụ kiện, thuê luật sư tại quốc gia sở tại, kim ngạch xuất khẩu giảm,…), còn chịu thiệt hại vô hình về thời gian (thời gian áp thuế 5 năm, cộng với việc doanh nghiệp phải gia hạn áp thuế, cũng như không có cơ hội quay lại thị trường). Ngoài ra, doanh nghiệp bị kiện còn thiệt hại lớn về sản xuất - doanh thu, như: người lao động mất việc làm, buộc phải cắt giảm lương, cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp, giảm nguồn thu ngoại tệ,….Điển hình như như đối với mặt hàng mũ da Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU, các công ty Liên Phát, Việt Phát, Vĩnh Thông cho biết họ đã bị sụt giảm lợi nhuận từ 40 – 60% sau các vụ kiện. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu giày mũ da của Việt Nam vào EU cũng liên tục sụt giảm trong vòng 5 năm trở lại đây.

Vì sao bị kiện?

Ông Trịnh Anh Tuấn đã nêu ra một loạt các điểm yếu mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp phải, dẫn đến các vụ kiện liên tiếp xảy ra trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm nay. "Đó là doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam rất bị động trước các vụ kiện. Do không có thông tin, không có luật sư riêng, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn không hiểu ngôn ngữ của nước nhập khẩu hàng hóa của mình, dẫn tới chuyện thật như đùa là họ kiện mà mình cũng không biết”.

Theo Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập WTO TP. Hồ Chí Minh, để phòng tránh các vụ kiện chống phá giá, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần thiết phải tìm hiểu luật chống bán phá giá của nước nhập khẩu hàng hóa của mình, sau đó có sự điều chỉnh giá cả hợp lý, tránh bị lợi dụng để lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Mặt khác, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thông tin và đa dạng hóa thị trường để xây dựng thương hiệu cũng như uy tín, niềm tin của người tiêu dùng trên các thị trường.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, hiện Cục Quản lý Cạnh tranh cũng đã đưa vào hoạt động Hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá, với chức năng cảnh báo nguy cơ bị kiện tại những thị trường trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp thông tin điều tra và rà soát; cung cấp dữ liệu xuất nhập khẩu; thông tin về thị trường cũng như các quy định pháp lý của thị trường xuất khẩu. Theo thống kê, hiện hệ thống đã cập nhật 10 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (thủy sản, chất dẻo, cao su, giấy, may mặc, dày dép, máy móc,…), với tổng số 1.512 mặt hàng (mã 6 số) và 25.150 mặt hàng (mã chi tiết). Cùng với việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm trên website cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, Cục Quản lý Cạnh tranh cũng lập văn phòng hỗ trợ tại Hà Nội (25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp.

Theo bà Phạm Châu Giang – Phó ban Hợp tác Quốc tế (Cục Quản lý cạnh tranh), việc cập nhật các thông tin cảnh báo chống bán phá giá là cần thiết đối với doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, bởi vì trong bối cảnh hội nhập, thương mại hàng hóa, cạnh tranh ngày càng gay gắt, đa dạng và phức tạp hơn. Ngoài ra, thủ tục tố tụng các vụ kiện do cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu tiến hành điều tra nên doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ lâm vào tình thế bị động và phải theo đuổi các vụ kiện trong một thời gian rất dài. Trong khi đó, "một cách dễ dàng để các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước có thể phòng tránh các vụ kiện bằng việc chủ động tìm hiểu thông tin pháp luật quốc tế, không để xảy ra tình trạng do không hiểu luật mà bị kiện” - ông Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh.

Lê Anh

Đại Đoàn Kết

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 50% nợ thuế (21/07/2012)

>   Muôn kiểu xoay vốn của doanh nghiệp (21/07/2012)

>   Ấn Độ cam kết khai thác dầu khí tại VN (20/07/2012)

>   Thị trường thép 3 giảm, 1 tăng (20/07/2012)

>   Thống đốc: 'Không thể cứu doanh nghiệp bằng mọi giá' (20/07/2012)

>   Giấy xuất sang Mỹ có nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá (20/07/2012)

>   Đến 15/7: Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 115,5 tỷ USD (20/07/2012)

>   Phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL: Tứ bề khốn khó (20/07/2012)

>   Thời khó khăn: Nhiều tập đoàn Mỹ vẫn vào Việt Nam (20/07/2012)

>   “Tiếp sức” cho doanh nghiệp tái chế (19/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật