Phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL: Tứ bề khốn khó
Ngày 19-7, tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức hội nghị sơ kết tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và bàn giải pháp phát triển 6 tháng cuối năm 2012. Hàng loạt vấn đề kinh tế - xã hội của vùng đã được các đại biểu bàn thảo, tìm giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy ĐBSCL phát triển.
Giải bài toán nông thủy sản
Ngay sau bài phát biểu sơ kết tình hình KT-XH vùng ĐBSCL 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, các đại biểu đã “vào cuộc” quyết liệt. Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn đã “làm nóng” hội nghị bằng thông tin: “Sản xuất công nghiệp của Cần Thơ có hướng chững lại, sản xuất nông nghiệp khó khăn trong tiêu thụ, đời sống cán bộ công chức, người lao động, nông dân tiếp tục gặp nhiều khó khăn”.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết Cần Thơ hiện có 9.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (NVV) nhưng 600 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động và 150 doanh nghiệp khác đóng mã số thuế. 6 tháng đầu năm, Cần Thơ xuất khẩu 608 triệu USD (kế hoạch 750 triệu USD); huy động vốn toàn xã hội 17.000 tỷ đồng (kế hoạch 37.000 tỷ đồng); thu ngân sách chỉ đạt hơn 37% kế hoạch. Nói chung, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều khó đạt yêu cầu do phần lớn doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. “Dù lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp ngại đi vay, vì vay không biết để làm gì, sản xuất hàng hóa không biết bán cho ai”, đồng chí Trần Thanh Mẫn chia sẻ.
Cần Thơ là thành phố có quy mô công nghiệp lớn nhất vùng nhưng phải đang đối mặt với nhiều thách thức như vậy, tình hình KT-XH ở các địa phương khác, đa phần thuần nông, còn khó khăn hơn. Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết: “Từ cuối 2011 đến nay, giá dừa giảm 9 lần, có lúc chỉ còn 10.000 đồng/chục, rớt thê thảm, trong khi Bến Tre có hơn 40% dân số sống bằng cây dừa, đời sống nông dân gặp rất nhiều khó khăn”.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong kiến nghị: Bến Tre vừa triển khai gói hỗ trợ nông dân trồng dừa, nhưng đề xuất Chính phủ hỗ trợ Bến Tre 70 tỷ đồng vì ngân sách tỉnh không kham nổi. Đưa các sản phẩm từ dừa vào chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, xây dựng cây dừa thành cây công nghiệp. Xây dựng Bến Tre thành trung tâm công nghiệp dừa, du lịch dừa, giảm thuế xuất khẩu từ 3% xuống còn 0% để cứu nông dân trồng dừa.
Bức xúc hạ tầng, liên kết vùng
Thời gian qua, Chính phủ đã đầu tư nhiều nguồn lực phát triển KT-XH ở ĐBSCL nhưng đến nay, hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện.
Đồng chí Dương Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, cho biết: “Cà Mau đang có dự án đường Hồ Chí Minh nối dài đến đất Mũi. Trong đó đoạn từ Năm Căn đến Đất Mũi khoảng 50km đang triển khai. Nếu tiếp tục ngừng thi công như hiện nay, cát sẽ trôi hết, sắt thép hư hỏng hết”. Đây là một trong những dự án tạm ngừng thi công theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ và không chỉ riêng Cà Mau, ĐBSCL đang còn nhiều dự án tạm dừng nửa chừng như đường Quang Trung - Cái Cui ở TP Cần Thơ, dự án nâng cấp QL 91 (Cần Thơ - An Giang), dự án QL 54 nối Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, dự án cầu Cổ Chiên, dự án kênh Quan Chánh Bố mở luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu... “Các dự án này nếu không tiếp tục thi công, e rằng phần đã thi công bị hư hỏng lớn, gây thiệt hại nhiều hơn”, Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh kiến nghị.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, nguồn vốn bố trí cho Bộ GTVT càng hạn hẹp. Nhiều dự án, gói thầu phải giãn tiến độ đến sau 2015 để ưu tiên vốn các dự án trọng điểm, cấp bách hoàn thành trong năm 2012, 2013. Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng bố trí nguồn vốn để thực hiện dứt điểm các công trình dở dang. Tạo cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách, mở rộng nguồn vay thương mại, nhượng bán quyền thu phí…
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đã đề cập sâu đến vấn đề liên kết vùng. Vừa qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã hoàn thành đề án “Liên kết vùng với sự tham gia của 4 nhà” về các mặt hàng chủ lực lúa gạo, tôm sú, cá tra, cá ba sa và cây ăn trái, nhưng đề án này đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ các bộ, ngành liên quan. Để giải quyết bài toán nông thủy sản, việc tổng kết Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về “liên kết 4 nhà” cần làm ngay. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, đây là vấn đề gốc rễ của nông thủy sản.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ: Bằng sự đồng sức, đồng lòng, chúng ta đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, duy trì được tốc độ tăng trưởng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ KT-XH từ nay đến cuối năm, các tỉnh, thành cần quan tâm và triển khai một số nội dung: Phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo tập trung và duy trì mục tiêu đã đặt ra (kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì an sinh xã hội). Phó Thủ tướng khẳng định mục tiêu này không những cho năm nay mà cả các năm tới. Hiện nay, tín dụng cho xuất khẩu, cho doanh nghiệp vẫn là ưu tiên hàng đầu, cả lượng vốn lẫn lãi suất. Sắp tới sẽ có hỗ trợ tín dụng tiêu thụ các sản phẩm nông sản khác.
Các tỉnh, thành sớm rà soát lại tất cả các quy hoạch, từ quy hoạch ngành gắn với quy hoạch địa phương và quy hoạch vùng; Bộ KH-ĐT khẩn trương trình Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Chính phủ chương trình liên kết vùng, có quy chế, có chế tài. Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ lập kế hoạch tiếp tục triển khai Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển ĐBSCL, hạn chế tối đa những bất lợi và phát huy tối đa tiềm năng, đề xuất cơ chế đặc thù đối với vùng ĐBSCL và Phú Quốc.
Để ĐBSCL phát huy được hết tiềm năng, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, nhất là về sản xuất, tiêu thụ nông thủy sản, hạ tầng giao thông, thủy lợi; phát triển giáo dục - đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực; chuẩn bị các điều kiện cơ bản và cần thiết để tháo nút thắt KT-XH của vùng, thúc đẩy ĐBSCL phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Minh Trường - Bình Đại
Sài gòn giải phóng
|