Thứ Năm, 19/07/2012 14:45

Thuế nhập khẩu gây khó ngành dầu thực vật

Thị trường dầu thực vật Việt Nam trong những năm qua tăng trưởng tốt, nhưng do còn vướng phải các vấn đề như phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu và các mức thuế suất thay đổi, nên các DN kinh doanh dầu thực vật chưa có được vị thế ổn định trên nội địa lẫn thị trường xuất khẩu.

Tăng trưởng tốt

Theo thống kê của Bộ Công Thương, giai đoạn 2000-2010, nhập khẩu dầu thực vật thô và dầu tinh tại Việt Nam tăng khoảng 12,6%/năm. Đến năm 2010, kim ngạch nhập khẩu dầu thực vật lên đến 800 triệu USD. Hiện nay, toàn ngành có khoảng 35 DN tham gia cung cấp sản phẩm cho thị trường nội địa với hơn 70 thương hiệu đang lưu hành trên thị trường.

Vì là một trong những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nên trong thời điểm này mức tiêu thụ sản phẩm vẫn đạt tăng trưởng cao, trên 15% so cùng kỳ 2011. Tốc độ tiêu thụ dầu ăn của thị trường Việt Nam tăng khá nhanh trong các năm qua: năm 2009 khoảng 590.000 tấn; năm 2010: 700.000 tấn; năm 2011: 805.000 tấn và dự kiến năm 2012 khoảng gần 1 triệu tấn.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, năm 2015 mức tiêu thụ dầu ăn trên đầu người tại Việt Nam sẽ tăng lên 16,2-17,4 kg/người/năm; năm 2020 là 18,6-19,9 kg/người/năm so với 7,3-8,3 kg/người hiện nay.

Nắm bắt được nhu cầu trên, các DN trong nước đã đẩy mạnh sản xuất để chiếm ưu thế chi phối thị trường. Hiện nay, DN lớn nhất trong ngành là Công ty Dầu thực vật hương liệu mỹ phẩm Việt Nam (Vocarimex) và các công ty con, công ty liên doanh, liên kết, chiếm 78,74% năng lực sản xuất dầu tinh luyện và 23,24% năng lực sản xuất dầu thô toàn ngành.

Các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường như Neptune, Mezan và Simply đều là sản phẩm liên doanh của Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân và Vocarimex. Trong khi đó, đi vào hoạt động từ giữa năm 2011, nhà máy Quang Minh của Tập đoàn Quang Minh và Công ty Vinacommodities đã sản xuất được 40.000 tấn dầu thực vật tinh luyện với các thương hiệu nổi tiếng như Mr. Bean, Oila, Soon Soon và Otran, trong đó 50% cung cấp cho thị trường nội địa và 50% còn lại được xuất khẩu sang Triều Tiên, Singapore, Indonesia, Malaysia và Hồng Công.

Bunge Việt Nam cũng cung cấp 95.000 tấn dầu nành thô, trong đó khoảng 35% sản lượng được xuất khẩu sang Hàn Quốc và một số nước ASEAN. Trong kế hoạch phát triển năm 2012, Bunge Việt Nam cho biết sẽ nâng sản lượng lên 170.000 tấn và Quang Minh sẽ thực hiện kế hoạch sản xuất khoảng 60.000 tấn.

Cạnh tranh gay gắt

Theo nhận định của các DN trong ngành, công suất toàn ngành cho đến nay đã đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thị trường nội địa trong khoảng 5 năm tới. Do đó, khi các nhà máy đang ngày càng nâng cao năng suất và sản lượng có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, DN sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc cạnh trạnh giành thị phần.

Thêm vào đó, nhiều chuyên gia nhận định sức cạnh tranh của ngành dầu thực vật Việt Nam còn yếu vì nguồn nguyên liệu để sản xuất chủ yếu chỉ là dầu mè, dầu lạc và cám gạo, còn lại 90% nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Điều này khiến DN phải đối mặt với nhiều rủi ro do biến động giá nguyên liệu, tỷ giá trong khi giá thành đầu ra phải tùy theo sức ép cạnh tranh và cơ chế giá của thị trường. Việc phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu cũng ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh dầu thực vật Việt Nam so với các sản phẩm cùng chủng loại của các nước ASEAN.

Khi chào hàng với nhà nhập khẩu, dầu ăn Việt Nam liên tục đổi giá theo sự tăng giảm của giá nguyên liệu và mức giá bao bì đóng gói cao khiến giá thành sản bị đẩy lên so với các nước khác. Giá nguyên liệu trên thị trường thường thay đổi rất nhanh, đòi hỏi DN phải theo dõi, cập nhật kịp thời nhằm điều chỉnh giá linh hoạt theo thị trường.

Bắt đầu từ ngày 1-1-2012, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi các mặt hàng dầu thực vật giảm xuống 0%. Theo một đại diện của Vocarimex, việc hạ thuế về 0% là theo cam kết khi gia nhập WTO nhưng hạ thuế một cách đột ngột, không đề ra lộ trình khiến DN trong nước không kịp chuẩn bị biện pháp đối phó. Hiện các DN đã kiến nghị cơ quan quản lý giữ thuế suất nhập khẩu dầu thô là 3%, các loại khác là 5% cho đến năm 2018.

Trong cơ cấu giá thành sản phẩm, chi phí cho nguyên liệu dầu thô chiếm khoảng 97% giá thành sản phẩm tinh luyện và chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu giữa dầu thô và dầu tinh, giúp giá thành sản xuất trong nước cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Bởi thế, khi thuế suất bị đánh đồng vào thời điểm này, DN trong nước phải chịu nhiều áp lực do mất ưu đãi và khó cạnh tranh về giá thành do nhiều nhà máy chưa khấu hao được chi phí đầu tư.

Nhất là các DN mới tham gia đầu tư vào ngành chưa kịp thu hồi vốn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi nhiều công ty sản xuất dầu thực vật ở ASEAN đang có kế hoạch tăng cường xuất khẩu vào thị trường Việt Nam.

Nhìn về những khó khăn trước mắt, ông Shuichi Sata, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bunge Việt Nam, cho biết việc thuế suất nhập khẩu dầu thực vật giảm xuống 0% có thể khiến công ty phải ngừng sản xuất.

Hiện nay, nhà máy được Bunge đầu tư 130 triệu USD vẫn chưa có lãi cũng như chưa khấu hao vốn đầu tư, nên với dự án này dự báo công ty sẽ mất khoảng 13 triệu USD trong năm nay và hàng năm sẽ lỗ khoảng 20 triệu USD do nhiều khách hàng của công ty đã yêu cầu giảm 5% giá bán.

Trước tình hình này, Công ty Dầu Cái Lân cũng tạm ngưng thực hiện kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất mới. Vì vậy, việc xem xét lại mức thuế suất và đề ra lộ trình giảm thuế cụ thể sẽ giúp DN có bước chuẩn bị để thu hồi vốn và có thể cạnh tranh ngang sức với các DN nước ngoại tại thị trường nội địa.

Đỗ Linh

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Đục nước, béo... ngân hàng ! (19/07/2012)

>   Đầu tư ngoài ngành - Nợ cao, hiệu quả thấp (19/07/2012)

>   Thuế xuất khẩu dừa còn 0% (18/07/2012)

>   Đưa hàng Việt tới người Việt giúp "cứu" doanh nghiệp (18/07/2012)

>   ADB tài trợ 1 triệu USD hỗ trợ VN phát triển đô thị (18/07/2012)

>   EVN, Vinalines ‘làm ngoài’ còn lãi hơn ngành chính (18/07/2012)

>   Ngành xi măng than ế (18/07/2012)

>   Puma Energy mua lại công ty nhựa đường Chevron Vietnam (18/07/2012)

>   Từ chuyện BTS nghĩ về số phận Vietnamobile (18/07/2012)

>   VNPT không được sở hữu đồng thời cả MobiFone và VinaPhone (18/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật