Doanh nghiệp FDI bình tĩnh tăng vốn
Lượng vốn đăng ký tăng thêm trong khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang cho thấy tín hiệu khả quan hơn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của khu vực này.
Khoản đầu tư 30 triệu USD tăng thêm của Công ty TNHH Hansae Việt Nam đang gần tới đích, khi chỉ trong vòng tháng tới, nhà máy thứ ba của của Công ty tại Khu công nghiệp Tân Hương (Tiền Giang) sẽ được hoàn tất và đi vào hoạt động.
Ông Kim Chul Ho, Tổng giám đốc Công ty Hansae Việt Nam không mấy băn khoăn về khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu gần 400 triệu USD trong năm nay, vì thị trường đầu ra, cũng như nguồn vốn của doanh nghiệp, hai trở lực lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam, vẫn nhận được hậu thuẫn tốt từ công ty mẹ.
Có thể nói, đây là một trong những lợi thế so sánh rất lớn của doanh nghiệp FDI, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang ghi nhận tháng thứ hai có dấu hiệu giảm phát. Dường như sự chậm lại của các doanh nghiệp Việt Nam đang tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp FDI tranh thủ mở rộng hoạt động, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.
Không những thế, trong báo cáo "Giám sát hội nhập kinh tế châu Á" (AEIM) vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố cuối tuần trước, FDI toàn cầu đổ vào 13/15 nền kinh tế Đông Á và Đông Nam Á (ASEAN) vẫn trong xu hướng tăng, bất chấp sự suy giảm toàn cầu. Đặc biệt, ADB dự báo, đang có một dòng vốn FDI lớn sắp chảy vào Việt Nam, Indonesia, Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Trong phát biểu trước khi rời Việt Nam cuối tuần trước, cả ông Ken Allen, Tổng giám đốc DHL Express và ông Jerry K. Hsu, Tổng giám đốc DHL Express khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng tái khẳng định kế hoạch đầu tư thêm vốn vào Việt Nam để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Lý do được đưa ra cho kế hoạch này là cơ hội của thị trường Việt Nam lớn, mức tăng trưởng của liên doanh DHL - VNPT Express luôn đạt mức 2 con số trong nhiều năm, kể từ khi thành lập vào năm 2007.
Đặc biệt, số liệu thống kê tháng 7 về hoạt động FDI trên cả nước cũng ghi nhận mức 1,2 tỷ USD tăng thêm (chiếm đa số trong 2,8 tỷ USD tăng thêm trong 7 tháng đầu năm 2012). Trong đó, tới 1,19 tỷ USD thuộc về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Tính chung 7 tháng đầu năm, đã có 160 dự án công nghiệp chế biến, chế tạo tăng vốn, với 2,2 tỷ USD. Đây là con số rất đáng kể nếu so với 814 triệu USD vốn tăng thêm trong cùng kỳ năm ngoái của 121 dự án công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tại Hà Nội, vốn FDI tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp Hà Nội cũng tăng mạnh với 17 dự án đăng ký tăng vốn mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp thay đổi thiết bị với vốn đăng ký đạt trên 153,4 triệu USD. Nếu so với tổng vốn đầu tư mới đạt 112,4 triệu USD của 9 dự án FDI, có thể nói, vốn tăng thêm lớn đã khiến các khu công nghiệp Hà Nội về đích sớm trong chỉ tiêu thu hút vốn FDI năm 2012. Hiện tại, Ban quản lý các khu công nghiệp Hà Nội cho biết đang tăng chỉ tiêu này lên 20%, có nghĩa là khoảng 300 triệu USD vốn FDI thu hút trong năm 2012.
Cũng phải nói thêm, lâu nay, vốn đăng ký tăng thêm thường chiếm khá nhỏ nếu so với số vốn đăng ký mới cùng thời kỳ. Năm 2011, vốn đăng ký tăng thêm chỉ khoảng 3,13 tỷ USD, so với 11,56 tỷ USD vốn đăng ký mới. Tình hình tương tự vào năm 2010, chỉ có 1,7 tỷ USD vốn tăng thêm so với 17,2 tỷ USD vốn đăng ký mới.
Bảo Duy
Đầu tư
|