Đường đang bị làm giá?
Thị trường đang tồn tại những dư luận trái chiều về mặt hàng đường. DN sản xuất cho rằng đường tồn kho nhưng đang bị làm giá nên buộc phải mua với giá cao hơn đường nhập. Ngược lại, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) lại cho rằng DN kêu khó để được cấp hạn ngạch nhập khẩu đường giá rẻ.
Đường nội cao hơn ngoại
Theo khẳng định của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, niên vụ 2012 sản lượng đường thành phẩm đạt khoảng 1,4 triệu tấn, đủ cung ứng cho thị trường, thậm chí còn dư thừa.
Tuy nhiên, tại cuộc họp giao ban 6 tháng đầu năm do Bộ Công Thương tổ chức, Vinamilk cho biết nhận được bảng chào giá từ các nhà máy đường trong nước với mức giá gần 19.000 đồng/kg, trong khi đường nhập về Việt Nam cộng các chi phí chỉ có giá từ 15.000-16.000 đồng/kg.
Không chỉ Vinamilk, hàng loạt công ty khác như Nestle, Coca Cola, Pepsi, URC Việt Nam đã đồng loạt lên tiếng về việc giá đường của Việt Nam đang cao hơn so với giá đường thế giới nhưng muốn mua cũng không dễ. Nestle Việt Nam cho biết đã không thể mua được đường tinh luyện RE cho kế hoạch sản xuất quý III từ các nhà máy đường trong nước; URC Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị lên Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VSSA về việc khó mua đường từ các nhà cung cấp và đề nghị các bộ hướng dẫn địa chỉ để mua được đường.
Ông Santa Robles Edwin, Tổng giám đốc URC Việt Nam, cho biết mỗi tháng công ty cần khoảng 4.000 tấn đường để sản xuất các sản phẩm bánh kẹo, nước giải khát không cồn, nhưng khi liên hệ với các nhà máy đường ở Việt Nam, chỉ có 2 đơn vị đồng ý cung cấp 400 tấn và 1.000 tấn/tháng, các công ty mía đường khác từ chối yêu cầu mua với lý do hết hàng.
Do không thể mua được đường trong nước, các DN thực phẩm đã đề nghị Bộ Công Thương sớm cấp quota nhập khẩu để giải quyết nhu cầu mua đường trước mắt để DN tiếp tục sản xuất. Đại diện Coca Cola Việt Nam cho biết, thông thường vào khoảng tháng 11 đến tháng 12 của năm trước, Bộ Công Thương yêu cầu các công ty có nhu cầu sử dụng đường nộp hồ sơ đăng ký nhập khẩu cho năm sau.
Tuy nhiên, dù đã đăng ký nhập khẩu đường từ cuối năm 2011, nhưng cho đến thời điểm này công ty vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi về việc cấp quota nhập khẩu đường từ phía Bộ Công Thương.
Ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc CTCP Bánh kẹo Biên Hòa (Bibica), cho rằng vào thời điểm Tết Trung thu và Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng đường của các DN thường tăng đột biến nên Bibica luôn đăng ký nhập khẩu từ năm trước. Nhưng đến lúc này, quota nhập khẩu đường vẫn chưa được giao, trong khi đường thành phẩm tồn kho lại nằm trong tay các công ty thương mại.
Nhận định theo chiều ngược lại, VSSA cho biết tính đến thời điểm này các nhà máy đường trên cả nước đã kết thúc niên vụ 2011-2012 với sản lượng đường thành phẩm đạt 1.373.601 tấn, nhưng thống kê đến ngày 2-7 các DN mía đường còn tồn kho 314.600 tấn đường.
Lượng đường tồn kho này cộng với 70.000 tấn đường nhập khẩu theo cam kết WTO sẽ đảm bảo đáp ứng nguồn cung đủ đến tháng 9 năm nay, thời điểm vụ đường mới được bắt đầu.
Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA, cho rằng các DN phản ánh giá đường trong nước cao hơn giá đường thế giới là không chính xác. Bởi giá đường ở Thái Lan hiện nay xấp xỉ giá tại Việt Nam, thậm chí tại Trung Quốc mỗi kg đường còn có giá từ 28.000-30.000 đồng. VSSA cho rằng các DN thực phẩm đang kêu cứu chỉ vì muốn được cấp quota nhập khẩu để được ưu đãi thuế, vì năm 2011 nhiều DN đã nhập được nguồn đường giá rẻ.
VSSA khẳng định không hề có chuyện một số DN lớn đang lũng đoạn thị trường đường hay neo hàng tồn kho để làm giá, nhưng vẫn chưa có câu trả lời về việc DN sản xuất không mua được đường.
Ai làm giá?
Để làm rõ vấn đề này, ĐTTC đã tìm hiểu một số chỉ tiêu trong báo cáo tài chính của các DN chuyên sản xuất đường đang niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK). Đối với các DN đường đang niêm yết trên TTCK, mặc dù khối lượng tồn kho là một chỉ tiêu rất quan trọng nhưng hầu hết đều không công bố rõ ràng, mà chỉ ghi nhận giá trị đơn thuần.
Chẳng hạn, đầu năm 2012, giá trị tồn kho của CTCP Bourbon Tây Ninh (SBT) đạt hơn 280 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm kết thúc quý II con số đã tăng lên hơn 325 tỷ đồng.
Giá trị tồn kho tăng có thể gợi ra các hướng suy nghĩ như công ty chậm tiêu thụ hoặc giá thành tăng. Không rõ SBT thuộc trường hợp nào nhưng điều đáng nói ở đây là khoản mục hàng tồn kho của SBT vào thời điểm cuối quý II chiếm đến hơn 13% tổng tài sản, có giá trị hơn 2.400 tỷ đồng, nhưng lại được thuyết minh khá sơ sài: “Thành phẩm có giá trị xấp xỉ 260 tỷ đồng, còn lại là công cụ, dụng cụ, nguyên liệu, vật liệu, chi phí dở dang…”.
Trong khi đó, 6 tháng đầu năm, SBT đã đạt hơn 230 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành khoảng 58% kế hoạch 2012, một kết quả kinh doanh khá ổn.
Nhóm cổ phiếu (CP) ngành đường có thể nói là nhóm đặc biệt với rất nhiều lợi thế. Một thí dụ đơn giản, nếu giá đường tăng, với trữ lượng tồn kho lớn, tất nhiên giá trị của nhóm CP này sẽ tăng. Ngược lại, khi giá đường giảm, việc không công bố rõ ràng giá trị tồn kho có thể khiến các DN niêm yết tìm cách "lấp liếm" việc giảm giá trị hàng hóa của mình.
Ở một trường hợp khác, nếu một DN đủ sức vừa "đánh" CP ngành đường, vừa có thể chi phối giá đường sẽ tạo ra lợi nhuận kép cho chính mình. Đầu tiên, giá đường tăng, DN đường sẽ có lợi nhuận, điều này sẽ khiến gia tăng kỳ vọng và làm cho giá CP tăng. Và lúc này, nếu giữ CP ngành đường và bán ra thì sẽ có thêm khoản lợi nhuận từ chênh lệch giá chứng khoán.
Lợi thế các DN ngành đường đang niêm yết trên TTCK là không bắt buộc phải công bố cụ thể sản lượng tồn kho của mình, nhưng như vậy không có nghĩa các DN “ém” luôn các con số. Bởi lẽ khi đã niêm yết, mục tiêu hướng đến chính là việc công khai minh bạch. Nếu trong trường hợp các DN ngành đường “kêu” giá thành cao khiến cho giá bán cao tại sao không có những giải trình cụ thể hơn nữa để nhà đầu tư và các đối tác có thể hiểu được.
Nếu các DN ngành đường vẫn tiếp tục "ém nhẹm" những số liệu, về lâu dài sẽ chỉ có thiệt, vì khi không thể dự báo một cách có cơ sở về kết quả kinh doanh của DN thì việc mua vào CP sẽ rất rủi ro. Khi đó, cho dù CP đường có đợt sóng mạnh cũng chưa chắc có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư vì rủi ro lúc này còn cao hơn cả lợi nhuận.
Trước mắt, có thể thấy rất rõ một số CP đường đang niêm yết trên sàn được định giá khá thấp nhưng cũng không mấy thu hút nhà đầu tư. Chẳng hạn, chỉ số P/E của LSS (Đường Lam Sơn) thấp hơn 3 lần, nhưng tại vùng giá 2.0-2.5 hiện nay có những phiên LSS chỉ có vài nghìn CP được giao dịch.
Yên Lam - Thái Ca
Sài gòn đầu tư tài chính
|