Nhịp đập Thị trường 23/07: Áp lực bán mạnh, hai sàn mất hết trụ đỡ
Thị trường vẫn kém tích cực cho đến hết phiên buổi chiều. Áp lực bán gia tăng, ngay cả cả nhiều bluechips trụ cột cũng quay đầu giảm làm cho nhà đầu tư trở nên bất an. Lượng bán ra tiếp tục được đẩy mạnh.
VN-Index có lúc giảm mạnh xuống sát 420 điểm, tuy nhiên gần cuối phiên mức giảm thu hẹp nhờ sự nâng đỡ của một số mã như STB, DPM, PGD, HPG, CII… Cụ thể, kết thúc phiên, chỉ số giảm 2.48 điểm, tức 0.58% chốt tại 421.99 điểm.
Thanh khoản lại giảm đáng kể so với phiên cuối tuần, còn khoảng 51 triệu đơn vị, tương ứng 785 tỷ đồng.
Số lượng chứng khoán giảm giá tiếp tục áp đảo với gần 170 mã, không ít mã bị bán sàn. Trong đó có cả PVF, PXT, AGR, ATA, BGM, BMC, BMI, DLG… vì kết quả kinh doanh kém khả quan hoặc vì nhà đầu tư bán tháo để bảo toàn vốn, tránh rủi ro trong ngắn hạn.
HNX-Index cũng lùi về 71.46 điểm, tức mất hơn 1% so với tham chiếu khi gần như toàn bộ các mã trụ cột như VND, PVX, SCR, HBB, VCG… quay đầu giảm giá ngoại trừ ACB, và KLS đứng ở mốc tham chiếu.
Thanh khoản vẫn đạt mức khác, nhưng giảm đáng kể so với phiên trước, đạt 43.56 triệu đơn vị, ứng với 509 tỷ đồng.
Phiên sáng: Hai sàn giảm nhẹ, dấu hiệu của ngưỡng kháng cự?
Giằng co suốt phiên giao dịch, nhưng bên bán ngày càng mạnh trong khi bên mua yếu dần. Điều này khiến thị trường khó bật trở lại mà tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Thanh khoản cũng giảm đáng kể cho thấy người mua đang do dự.
Nhờ đà tăng của một vài trụ cột như BVH, MSN, DPM và một vài mã nhỏ hơn như STB, HPG, CII, KDH…nên đà giảm của VN-Index được kiềm hãm dù thị trường có đến 154 mã giảm giá, trong đó không ít mã giảm sàn, có cả PVF. Theo đó, VN-Index tạm thời giảm 0.31 điểm, ứng với 0.07% xuống 424.16 điểm.
Giao dịch thận trọng nên thanh khoản chỉ đạt 33 triệu đơn vị, trị giá 532.32 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu SAM bất ngờ có giao dịch tích cực với 4.23 triệu đơn vị và giá tăng kịch trần lên 8,800 đồng/cp. Trái lại, PVF giảm sàn nhưng cũng được mua và mạnh với 2 triệu đơn vị xếp sau SAM.
ITA có lúc tăng giá mạnh, nhưng từ giữa phiên đảo chiều giảm đến cuối buổi mất 100 đồng xuống 7,300 đồng/cp, giao dịch xếp thứ 3 với gần 1.6 triệu đơn vị. Trong khi đó, VNE luôn tạo hứng thú cho nhà đầu tư khi giá tăng 1.28% và giao dịch đạt 1.36 triệu đơn vị.
Một loạt cổ phiếu tăng trần như PGD, TAC, HTV, NSC, THG… nhờ kết quả kinh doanh quý 2 khả quan. Đặc biệt, TAC chỉ có 20 cổ phiếu chuyển nhượng.
Kết quả kinh doanh kém khả quan làm cho cổ phiếu ngân hàng giao dịch lình xình, khi CTG, MBB đứng giá, EIB và VCB giảm nhẹ còn STB nhích nhẹ trên mốc tham chiếu.
Sàn HNX giao dịch ảm đạm hơn nhiều, với 26 triệu đơn vị chuyển nhượng, trị giá 270 tỷ đồng. Trên sàn có đến 144 mã giảm, chỉ có 54 mã tăng và khoảng 200 mã vẫn còn đứng yên.
Cổ phiếu bluechips tiếp tục phân hóa làm cho HNX-Index không có lực đỡ. Chỉ số này giảm điểm trong phần lớn thời gian. Đến cuối buổi, HNX-Index tạm thời mất 0.38 điểm, ứng với 0.53% xuống 71.81 điểm.
VND giao dịch sôi động nhất cũng chỉ đạt 3 triệu đơn vị. KLS giữ được sắc xanh đến hết buổi nhưng giá cổ phiếu chỉ tăng 100 đồng.
Có khá nhiều cổ phiếu giảm sàn vì kết quả kinh doanh kém như PSG, THV, V11… Trái lại, FLC và CMI tiếp tục tăng trần với dư mua hàng trăm ngàn đơn vị.
10h00: Cung cầu lưỡng lự, giao dịch giằng co
Thị trường có dấu hiệu giằng co và phân hóa mạnh trong khoảng 1 giờ giao dịch đầu phiên. Chỉ số liên tục có những đợt tăng giảm trái chiều nhau, đặc biệt tại sàn HOSE giao dịch có phần sôi động hơn.
Đến khoảng 10h00, Vn-Index duy trì mức tăng nhẹ chủ yếu được nâng đỡ bởi nhóm cổ phiếu trụ cột như DPM (+4.44%), BVH (+1.67%0, MSN 9+2.07%), VNM (+0.57%), đồng thời còn có SAM, ITA, OGC, PGD, TAC, HTV… tổng cộng gần 60 mã tăng giá.
Trái lại cũng có gần 100 mã giảm trước áp lực chốt lời. Tuy vậy, VN-Index tiếp tục tăng 0.66 điểm, ứng với 0.16% đạt 425.13 điểm. Lượng bán ra luôn chực chờ nên đà tăng chưa được chắc chắn.
Giao dịch cổ phiếu nhỏ kém sôi động nên thanh khoản vẫn chưa được mong muốn, khi giao dịch khoảng 1 giờ nhưng chỉ có 13 triệu đơn vị, tương đương 192 tỷ đồng. Trong đó, SAM và PVF đạt gần 1 triệu đơn vị mỗi mã.
Sàn HNX giảm điểm từ sau 9h30 và chưa có dấu hiệu phục hồi trở lại, nhưng mốc 72 điểm tạm thời được giữ vững. Giao dịch cũng loay hoay ở mức 13 triệu đơn vị, tương ứng 140 tỷ đồng.
Các mã chủ chốt có sự phân hóa đáng kể. Mã CMI nhờ kết quả kinh doanh đột biến giá cổ phiếu tiếp tục tăng trần với lực mua áp đảo.
Mở cửa: Thanh khoản tích cực, niềm tin được củng cố
Thị trường tiếp tục xu hướng điều chỉnh nhẹ trong phiên mở cửa đầu tuần mới. Thông tin tăng giá xăng dầu vào cuối tuần qua cũng góp phần kiềm hãm đà hồi phục. Tuy nhiên, thanh khoản duy trì ở mức khá.
Những cổ phiếu có kết quả kinh doanh lỗ nặng trong quý 2 và 6 tháng đầu năm đều bị nhà đầu tư bán mạnh ở mức giá sàn như PTL, VHG, THV, PHS, PSG…Một số mã đầu cơ thu hút được lực mua giá trần khá áp đảo như FLC và CMI…
Tại sàn HOSE, một vài mã chủ chốt tăng nhẹ như BVH tăng 0.84% sau hai phiên tăng trần liên tục, DPM tăng đến 4.17% lên 37,400 đồng/cp nhờ kết quả kinh doanh hết sức khả quan. Các cổ phiếu ngân hàng như VCB, CTG, EIB… giảm nhẹ do kết quả kinh doanh quý 2 có sự sụt giảm do tình hình khó khăn của hệ thống ngân hàng.
Kết thúc 15 phút khớp lệnh, VN-Index giảm nhẹ 1.16 điểm, ứng với 0.27% xuống 423.31 điểm. Giao dịch đạt khoảng 1.7 triệu đơn vị, tương đương 26.7 tỷ đồng. Trên sàn có 31 mã tăng, 80 mã giảm và 43 mã giao dịch ở mức tham chiếu.
Tuy nhiên, lực cầu dần quay trở lại, các mã bluechips lần lượt trở về mốc tham chiếu, hoặc tăng trở lại như OGC, SAM, TAC, REE… giúp VN-Index đảo chiều quay lại mốc 425 điểm và có khả năng tiếp tục bứt phá.
Kết quả kinh doanh tích cực đã nhanh chóng kéo PGD, DPM, HTV, BT6… tăng kịch trần.
Sàn HNX cũng có dấu hiệu tích cực cùng với HOSE. Sau khi giảm nhẹ đầu phiên, HNX-index cũng bật xanh khoảng 0.06 điểm khi các mã bluechips như KLS, VND, SCR, PVX, VCG… lần lượt chuyển biến từ đỏ sang xanh
Thị trường lúc 9h25 có khoảng 50 mã tăng giá, 36 mã giảm và 310 mã vẫn còn đứng yên. Tuy nhiên thanh khoản đã vọt lên 5 triệu đơn vị, trị giá hơn 48 tỷ đồng.
Viết Vinh (Vietstock)
ffn
|