Chủ Nhật, 22/07/2012 18:49

Vietstock Weekly 23 - 27/07: Mua thăm dò

Các chỉ số thị trường vẫn chưa vượt được những ngưỡng kháng cự quan trọng nên tâm lý giới đầu tư thận trọng là điều dễ hiểu.

Lạc quan nhưng chưa thể vượt ngưỡng kháng cự!

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN 23 – 27.07.2012

Dòng tiền đầu cơ tiếp tục được kích hoạt mạnh mẽ nhờ vào thông tin KQKD quý 2 của một số CTCK vẫn tích cực, cùng với thông tin CPI tháng 7 của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM thấp.

Thị trường đã có một tuần giao dịch sôi động bất chấp trước đó có một số lo ngại về việc tăng giá xăng dầu (đã trở thành hiện thực vào cuối tuần).

Tâm lý giới đầu tư đã được cải thiện rất nhiều, tuy vậy mức độ lan tỏa của dòng tiền là chưa cao và vẫn mang nặng tính đầu cơ. Đây là nguyên nhân chính khiến sự hưng phấn hiện có là chưa đủ để các chỉ số vượt được ngưỡng kháng cự và áp lực chốt lời trở nên mạnh hơn trong phiên cuối tuần.

Yếu tố ảnh hưởng tiêu cực trong tuần giao dịch tới gồm:

(1) KQKD quý 2 được công bố vào cuối tuần bắt đầu có tác động lên thị trường. Lẽ thường thì doanh nghiệp có kết quả tích cực sẽ hồ hởi công bố trước, trong khi các tin xuất hiện sau thường ”màu xám”. Đây sẽ là một thách thức không nhỏ cho đà hưng phấn của thị trường trong tuần sau, vì hiện tại đây vẫn là động lực chính.

(2) Giá xăng dầu tăng thêm 300 - 400 đồng/lít từ tối ngày 20/07. Mặc dù đã được thị trường thảo luận trong tuần khi giá dầu thế giới liên tục tăng cao, nhưng việc tăng giá xăng dầu vẫn có thể tác động lên tâm lý giới đầu tư trước các lo lắng KQKD của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Đợt tăng giá dầu thế giới đợt này chủ yếu do tình hình căng thẳng ở Trung Đông chứ không xuất phát từ đà hồi phục của nền kinh tế thế giới.

(3) Thông tin CPI tháng 7 của cả nước sẽ chính thức được công bố trong tuần sau. Với việc CPI của hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM tiếp tục giảm, có thể dự đoán CPI cả nước trong tháng 7 sẽ lại ở mức âm. Thông tin CPI tăng trưởng âm nay đang được giới đầu tư diễn giải như là một tín hiệu tiêu cực, thể hiện sức cầu rất yếu của nền kinh tế.

(4) Các chỉ số thị trường tiếp tục đối diện với những ngưỡng kháng cự kỹ thuật mạnh, và khiến tâm lý giới đầu tư trở nên cẩn trọng, sẵn sàng hiện thực hóa lợi nhuận khi có cơ hội.

Yếu tố ảnh hưởng tích cực gồm:

(1) Tâm lý hưng phấn của giới đầu tư vẫn đang duy trì khá tốt sau vài phiên tăng mạnh trong tuần qua. Rất có thể dòng tiền đến sau vẫn sẽ giao dịch mạnh để ”đánh cược” với cơ hội trading ngắn hạn.

(2) Khối ngoại trở lại mua ròng mạnh, trong khi mảng tự doanh CTCK vẫn duy trì lực mua ròng tất cả các phiên trong tuần.

(3) Thống kê lệnh cho thấy độ rộng thị trường được cải thiện liên tục trong tuần qua, và bên mua vẫn đang chiếm ưu thế mạnh mẽ.

(4) Có dấu hiệu nền kinh tế đang đứng trước cơ hội hồi phục nhẹ trong quý 3 khi tín dụng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Nhiều ngân hàng cũng đang sẵn sàng nhập cuộc để cải thiện tăng trưởng tín dụng. Xem thêm thông tin trong báo cáo kinh tế vĩ mô của chúng tôi.

Tín hiệu cần theo dõi: Các chỉ số thị trường vẫn chưa vượt được những ngưỡng kháng cự quan trọng nên tâm lý giới đầu tư thận trọng là điều dễ hiểu. Chúng tôi cho rằng cần theo dõi kỹ sự dịch chuyển của dòng tiền đầu cơ, và mức độ lan tỏa càng rộng sẽ giúp đà tăng thị trường kéo dài hơn. Tương tự như vậy là yếu tố khối lượng.

Danh mục đầu tư nắm nhiều tiền mặt nay đã có thể chấp nhận thêm rủi ro để mua thăm dò, nhưng với quan điểm sẵn sàng bán cắt lỗ nếu thị trường không vượt ngưỡng kháng cự thành công.

Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Vẫn chưa thể vượt qua vùng kháng cự 415 – 430 điểm. Chỉ số VN-Index tăng điểm khá mạnh vào đầu và giữa tuần vừa qua nhưng bất ngờ sụt giảm mạnh vào cuối tuần khiến cho giới phân tích bắt đầu lo ngại về nguy cơ đảo chiều của xu hướng ngắn hạn. 

Hiện tại, chỉ số vẫn chưa thể vượt qua được vùng kháng cự 415 – 430 điểm nên lo ngại về đà giảm điểm quay trở lại không phải là không có cơ sở; khi mà vùng này hội tụ rất nhiều yếu tố kháng cự dài hạn như SMA 300, SMA 200, trendline...

Middle của Bollinger Bands đã bị vượt qua nên VN-Index sẽ nhận được sự hỗ trợ của ngưỡng này vào đầu tuần sau. Đây có thể coi là một trong những dấu hiệu quan trọng của việc cải thiện xu hướng ngắn hạn.

Khối lượng cũng có bước bứt phá sau nhiều tuần liên tiếp giảm mạnh xuống mức thấp. Khả năng hồi phục theo đánh giá của chúng tôi sẽ phụ thuộc vào vấn đề thanh khoản có duy trì được hay không. Nếu trong những phiên đầu tuần sau, thanh khoản vẫn duy trì trên mức 40 triệu đơn vị/phiên thì khả năng hồi phục trong ngắn hạn là khá cao.  

HNX-Index – Thanh khoản tăng đều. Sau sự xuất hiện của mẫu hình nến engulfing bull và tín hiệu mua với Linear Regression Indicator, HNX-Index đã có sự bứt phá đang kể. Điều này giúp cho sự thận trọng trên thị trường được giảm bớt khá nhiều.

Giới phân tích kỹ thuật đánh giá khá cao sự tăng trưởng của thanh khoản. Khối lượng khớp lệnh đã bước sang phiên thứ 7 liên tiếp duy trì trên đường trung bình 20 phiên gần nhất. Nếu thanh khoản tiếp tục duy trì tình trạng như hiện nay thì khả năng tạo đáy và bứt phá tiếp sẽ được nâng cao.

Nếu tăng tiếp, nhiều khả năng HNX-Index sẽ gặp lực cản khá mạnh từ internal trendline trung hạn. Quan điểm thận trọng vẫn được duy trì nhưng việc bắt đáy ở mức độ vừa phải nếu thanh khoản tiếp tục hồi phục là có thể xem xét.

VIETSTOCK INDEX

VS 100: Giảm mạnh (-1.16%) trong phiên giao dịch ngày 20/07/2012, VS 100 chững lại đà tăng của các phiên giao dịch trước đó.

Khối lượng giao dịch đã có cải thiện khá nhiều. Nếu tình trạng này tiếp tục trong thời gian tới thì khả năng hồi phục là khá cao.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 20/07/2012, VS-A/D HOSE đạt mức 0.71, tức số mã tăng giá bằng 0.71 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.93, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.93 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.52 lần và VS-U/D HNX bằng 0.57 lần.

VS-Arms VN ngày 20/07/2012 đạt giá trị 0.84 chứng tỏ cung cầu cân bằng trong phiên này. EMA 5 ngày của VS-Arms VN duy trì ở mức 1.02 và cho thấy cung cầu dần trở nên cân bằng nếu tính trong 5 phiên gần đây.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

FFN

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật