Nhịp đập Thị trường 16/07: Giá giảm mạnh, chứng khoán trở lại cảnh "chợ chiều"
Áp lực bán những phút cuối phiên có phần nhẹ nhàng hơn, giúp các chỉ số thu hẹp biên độ giảm. Tuy vậy, so với tham chiếu thì đó vẫn là mức giảm khá lớn, không những vậy số lượng mã giảm cũng gia tăng đáng kể.
Thanh khoản toàn thị trường giảm khoảng 1/3 so với phiên cuối tuần trước, nhưng vẫn còn cao hơn một số phiên ảm đạm trước đó.
Theo đó, HOSE có 41.73 triệu đơn vị, tương đương 560.62 tỷ đồng, với một số mã giao dịch sôi động gồm MBB, PXL, ITA, OGC, ASM, DLG, VNE, DRC… đều là những cổ phiếu “có tiếng” trên thị trường. Đặc biệt, MBB được khối ngoại gom vào mạnh với hơn 1.62 triệu đơn vị, trong tổng số 2.03 triệu đơn vị toàn phiên. MBB tăng nhẹ 1.45% chốt tại 14,000 đồng/cp.
Cùng với MBB thì STB, CTG cũng tăng giá đáng kể tạo sự tích cực cho nhóm cổ phiếu ngân hàng mặc dù VCB giảm và EIB đứng giá. CTG bứt phá những phút cuối phiên khi tăng gần 3% lên 21,200 đồng/cp và có gần 480 ngàn đơn vị chuyển nhượng.
Trái lại, rất nhiều mã đầu cơ lẫn bluechips giảm giá mạnh. VTO, VOS, VNI, VNE, VLF, VHG, VIP, UDC, TTF, TCO, SMA, SAM, PXS, PXT, PXI, PTL, PTC, PHT, PJT, KSA, ITA, HLA… giảm kịch sàn, không ít mã có dư bán chiếm áp đảo.
Nhiều bluechips tiếp tục duy trì mức giảm thậm chí mở rộng hơn như BVH (-2.55%), MSN, VNM, VIC, VCB, SSI, DPM, PVF…
Tổng cộng 162 mã giảm giá làm cho VN-Index mất 3 điểm, tương ứng 0.72% xuống 413.98 điểm.
Với sàn HNX, chỉ số thu hẹp biên độ nhưng cũng giảm đến 1.12% so với tham chiếu còn 69.78 điểm. Thanh khoản đạt mức 34.4 triệu đơn vị, tương đương 305 tỷ đồng.
Trong khi nhiều mã giảm giá, bao gồm cả các mã bluechips với mức giảm từ xấp xỉ 3% trở lên thì APS vẫn tăng trần, đạt 3,800 đồng và có giao dịch gần 2 triệu đơn vị. AVS, THV, CVN, PHS… cũng tăng hết biên độ nhưng dư bán giá trần lại chiếm ưu thế.
Còn lại có tổng cộng 154 mã giảm giá, trong đó 37 mã giảm kịch sàn.
Khối ngoại mua khoảng 3.4 triệu đơn vị tại HOSE và đồng thời cũng mua ròng khoảng 3.6 tỷ đồng tại HNX.
13h40: Cung nhiều tiền ít, hai sàn quay đầu giảm mạnh
Áp lực bán tiếp tục được đẩy mạnh trong buổi chiếu đặc biệt ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cho thấy dòng tiền đầu cơ đang trong trạng thái “bất an”. Các chỉ số lần lượt giảm mạnh xuống dưới mốc tham chiếu, thanh khoản lâm vào cảnh “chợ chiều”.
Trong vòng 30 phút đầu phiên chiều, VN-Index rớt mất mốc 415 điểm, ít phút sau đó chỉ số này giảm 3.45 điểm, tức 0.83% xuống sát mức 413 điểm với nhiều khả năng xuyên thủng mức này.
Trên bảng điện tử, số lượng cổ phiếu giảm giá không ngừng nâng lên, 150 rồi đến 155 mã. Nhiều mã trong số này là bluechips như BVH, MSN, CTG, VNM, VIC, HAG, VCB… thậm chí ITA còn giảm kịch sàn dù lượng giao dịch đạt cả triệu đơn vị.
Một số mã giữ được sắc và giao dịch sôi động như MBB, ASM, DRC, DLG, KTB, STB, KMR… tuy vậy nhu cầu bán ra ở các mã này cũng không nhỏ.
Thanh khoản lúc 13h40 đạt vào khoảng 35.5 triệu đơn vị, tương đương 484 tỷ đồng.
Sàn HNX, áp lực bán mạnh hơn nhiều làm cho giá cổ phiếu lẫn chỉ số đều giảm khá mạnh. HNX-Index lúc này mất đến 3.7 điểm, tức khoảng 1.35% xuống 69.62 điểm. Giao dịch ì ạch mới lên được 27.68 triệu đơn vị, trị giá 240 tỷ đồng. Trong khi đó, bảng điện tử sắc đỏ tràn ngập, với gần 160 mã giảm giá.
Trong lúc nhiều mã chủ chốt sụt giảm thì APS vẫn tăng kịch trần với giao dịch cả triệu đơn vị, cùng với đó là AVS cũng tăng hết biên độ, thanh khoản khá dồi dào.
Phiên sáng: Dòng tiền yếu, lực cầu hụt hơi
Chỉ khởi sắc được một vài phút giữa buổi, thị trường chìm hoàn toàn trong sắc giảm khi hàng trăm mã bị lượng cung chiếm đa số và lực cầu thận trọng mua vào với giá thấp. Thanh khoản lại giảm mạnh so với cuối tuần trước.
Khi mà hầu hết cổ phiếu chủ chốt đều giảm như BVH, VIC, VNM, HAG, SSI, DPM, PVF… chỉ một vài mã tăng giá (GAS, MBB, STB…) không hỗ trợ được nhiều cho tâm lý nhà đầu tư.
Dòng tiền đầu cơ vẫn còn nhưng chỉ tập trung ở một số ít mã như AVF, BGM, DLG, IDI, SBS, VPK… Các mã khác vẫn tăng trần nhưng lượng dư mua rất ít như PXT, UIC, TV1, TLG, SHI, OPC, CNT…
Với gần 120 mã giảm giá, chỉ còn 74 mã tăng nhẹ làm cho VN-Index giảm 1.7 điểm, tức 0.41% xuống 415.28 tỷ đồng. Hầu hết các mã trong rổ VN30 đều giảm dẫn đến chỉ số này giảm 2.83 điểm, tương đương 0.57% xuống 489.53 điểm. Chỉ có 6.2 triệu cổ phiếu trong rổ VN30 được chuyển nhượng, trị giá 114.8 tỷ dẫn đầu là OGC gần 950 ngàn đơn vị.
Toàn sàn chỉ có 27.65 triệu đơn vị, trị giá gần 387 tỷ đồng.
HNX-Index giảm về sát 70 điểm khi mất 0.47 điểm, tương ứng 0.67% so với tham chiếu. Giao dịch chỉ đạt 22.43 triệu đơn vị, trị giá chưa đến 200 tỷ đồng. Trong khi đó, toàn sàn có 135 mã giảm, 56 mã tăng giá và 207 mã đứng yên.
Hầu hết các mã trụ cột tại sàn này đều giảm với biên độ trên dưới 2% mỗi mã. Lượng dư bán giá cao vẫn chiếm chủ yếu.
Một số cổ phiếu chứng khoán tiếp tục tăng trần nhờ những thông tin tốt về kết quả kinh doanh quý 2 như APG, APS, PHS. Cổ phiếu AGC cũng tiếp tục tăng kịch trần, với lực cầu áp đảo lên 900 đồng/cp dù thời điểm hủy niêm yết đang đến rất gần.
9h45: Tiền đầu cơ chấp nhận ở lại?
Dấu hiệu của một đợt suy giảm xuất hiện sau vài phút mở cửa, nhưng nhờ sự cứu vãn của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, thị trường đã bật trở lại từ sau 9h45. Dòng tiền đầu cơ bắt đầu khởi sắc với gần 200 mã tăng giá ở cả hai sàn.
Thống kê đến 9h52, VN-Index từ mức giảm nhẹ dưới tham chiếu đã bật tăng trở lại 0.38 điểm, tức gần 0.1% lên 417.36 điểm. Giao dịch dần tích cực với 12.4 triệu đơn vị, tương đương 181 tỷ đồng. Toàn sàn ghi nhận 110 mã tăng giá, chỉ có 46 mã giảm và 54 mã giao dịch ở mức tham chiếu.
Một số bluechips ngừng giảm như BVH, VBM hoặc tăng nhẹ như GAS, SSI, VCB, CTG, PVF, DPM… cùng với một loạt cổ phiếu vừa và nhỏ khác PXL, PXT, DRC, ASM, DLG, KTB, LCM, KMR, CNT… giúp thị trường tích cực hơn.
Một số mã tăng giá với lực cầu áp đảo như KTB, IDI, HAP, DRC, BGM, DXG, ASM, AVF, PXL, SBS, VPK, VPH…
Tiếp tục đà hồi phục này, đến 10h00, VN-Index đã nới rộng gần 1.5 điểm, tức 0.35% lên 418.44 điểm.
HNX-Index lúc 10h00 cũng khá tích cực với 0.27 điểm cộng thêm, tương đương 0.38% lên 70.84 điểm với nhiều mã bluechips tăng giá như VND, KLS, SCR, ACB, DCS… một vài mã cổ hiếu chứng khoán tăng mạnh như AVS, APS, APG, HPC...nhờ những thông tin bên lề về lợi nhuận quý 2 khả quan.
Mở cửa: Tiền đầu cơ yếu dần, dấu hiệu giảm lại xuất hiện
Thị trường đã có dấu hiệu chựng lại khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần. Dòng tiền đầu cơ không còn dồn dập như phiên cuối tuần trước. Cả VN-Index và HNX-Index đều khó tiếp cận ngưỡng 420 điểm và 71 điểm. Nhà đầu tư giao dịch khá thận trọng.
Khép lại đợt khớp lệnh thứ nhất, sắc xanh vẫn được duy trì ở hai chỉ số nhưng phần lớn các mã chứng khoán đều chưa khớp lệnh. Mỗi sàn chỉ có khoảng 150 mã chứng khoán được thực hiện.
VN-Index tăng nhẹ 0.56 điểm, tương ứng 0.13% đạt 417.54 điểm nhờ sự hỗ trợ của một vài bluechips tăng giá như CTG, MSN, VCB… trái lại BVH, GAS, VNM, HAG, VNM đều quay đầu giảm nhẹ. Tổng cộng thị trường có 68 mã tăng, 24 mã giảm và 51 mã giao dịch tham chiếu.
DPM và PVF đứng giá nhưng sau đó DPM nhích nhẹ 100 đồng trong khi PVF đảo chiều giảm ở mức tương tự.
Một vài mã đầu cơ tiếp tục tăng trần như BGM, ASM, SBS, DLG, PXL, PXT, BGM, GMC, TYA, GDT… nhưng lượng khớp lệnh khá thấp và không có cổ phiếu nào giảm sàn.
Thanh khoản đạt trung bình với 1.85 triệu đơn vị, tương đương 21.66 tỷ đồng.
HNX-Index tăng trên 0.2 điểm, tức hơn 0.3% đạt khoảng 70.8 điểm nhưng giao dịch yếu dần và đà tăng cũng có xu hướng thu hẹp.
Toàn sàn chỉ có 58 mã tăng giá, 24 mã giảm và 316 mã đứng yên. Các mã chủ chốt cũng đứng yên hoặc giảm nhẽ như VND, SCR trong khi một vài mã đầu cơ như THV, ACG, CVN, AVS, APG… tăng kịch trần. ORS có kết quả kinh doanh quý 2 lỗ nên giá giảm kịch sàn.
Giao dịch tính đến 9h15 của sàn HNX đạt 2.49 triệu đơn vị, trị giá khoảng 17.8 tỷ đồng.
Viết Vinh (Vietstock)
FFN
|