Nhịp đập Thị trường 12/07: Cổ phiếu nhỏ "lên hương", dòng tiền đầu cơ quay trở lại
Trào lưu “đánh” cổ phiếu vừa và nhỏ bất ngờ dâng cao trong những phút cuối phiên tạo nên sức hút mạnh đối với nhà đầu tư.
Dòng tiền đầu cơ từ HOSE nhanh chóng dịch chuyển sang HNX giúp cho giao dịch tại sàn này trở nên sôi động. Thanh khoản đã cải thiện đáng kể.
Cuối phiên, HNX-Index tăng mạnh đến 0.73 điểm, tương ứng 1.06% chốt phiên 69.32 điểm. Thanh khoản cải thiện so với phiên trước, đạt 34.5 triệu đơn vị, trị giá 294.74 tỷ đồng.
Thị trường ghi nhận đến 180 mã tăng giá, trong đó 54 mã tăng kịch trần. Ở chiều ngược lại có 51 mã giảm và 169 mã đứng yên.
Đặc biệt, DCS và SHS tăng kịch trần với dư mua áp đảo, giao dịch cả phiên đều đạt trên 1 triệu đơn vị. Các mã chủ chốt cũng tăng khá mạnh và giao dịch sôi động với vài triệu đơn vị trở lên như VND, PVX, KLS, SCR, HBB…
Ngoài các mã trên thì HPT, AGC, CMI, PVV, KHL, CVN, PDC, MAC, NVC, PHH… cũng tăng trần với dư bán được vét sạch.
Tuy vậy, cũng có không ít mã cổ phiếu tăng giá nhưng lượng bán giá vẫn chiếm tỷ trọng lớn như IDJ, PVL, APS, VGS, THV… cho thấy nhu cầu xả hàng là mục tiêu chính của nhiều nhà đầu tư giai đoạn hiện nay.
Diễn biến này tương tự những gì đã xảy ra trong phiên tăng mạnh ở cuối tuần trước.
Đà tăng xuất phát tại HOSE nhưng mức tăng của VN-Index lại khá khiêm tốn, chỉ cò 0.35%, tức 1.44 điểm và đóng cửa tại 408.72 điểm.
Cổ phiếu chủ chốt và bluechips do không nhận được lực cầu mạnh nên chỉ tăng nhẹ hoặc đứng yên ở mốc tham chiếu. Do vậy lực đỡ đối với thị trường không lớn. Trong số 162 mã tăng giá, đa số đều là các mã vốn hóa vừa và nhỏ, tổng cộng có 47 mã tăng kịch trần.
Thanh khoản toàn phiên đạt 43.56 triệu đơn vị, tương đương 661 tỷ đồng nhưng có đến 19.36 triệu đơn vị giao dịch thỏa thuận, trị giá 360.82 tỷ đồng.
13h45: Sôi động cổ phiếu nhỏ
Đà tăng vẫn giữ vững trong hơn ½ thời gian của buổi chiều, không những vậy HNX-Index cũng đảo chiều tăng trở lại khi bên mua nhận thấy lượng bán ra không ồ ạt như các phiên trước. Điểm đặc biệt khi EIB lại bất ngờ có giao dịch thỏa thuận 15 triệu cổ phiếu giá sàn.
Thanh khoản của HOSE bất ngờ tăng vọt vào khoảng 13h30 đạt khoảng 39 triệu đơn vị, trị giá 600 tỷ đồng, nhưng thực chất trong đó có đến 19 triệu đơn vị thỏa thuận, tương đương 360 tỷ đồng mà dẫn đầu là 15.9 triệu cổ phiếu EIB chuyển nhượng với giá sàn 17,600 đồng/cp, ứng với khoảng 280 tỷ đồng. Ngoài ra, VNM, VIC cũng có vài chục tỷ đồng giá trị cổ phiếu thỏa thuận.
Kết thúc đợt 2, VN-Index tiếp tục cải thiện khi tăng 1.85 điểm, tức 0.45% lên 409.13 điểm, tổng giao dịch đã đạt trên 40 triệu đơn vị, tương đương 618 tỷ đồng.
Đà tăng chủ yếu lại không đến từ nhóm bluechips mà chủ yếu đến từ các mã vốn hóa lớn và vừa với khá nhiều mã tăng giá, thậm chí tăng kịch trần như AGR, DLG, VIP, IDI, BGM, PVT, VPK, ASM, OGC, SBT, ITA, VNE… với lực mua áp đảo. Trên sàn có hơn 140 mã tăng giá, chỉ có 48 mã giảm.
Sàn HNX cũng chứng kiến sự bứt phát của SHS, DCS, AGC, THV, HPR, CVN… cũng tăng mạnh dù lượng bán ra là không nhỏ.
Phiên sáng: Bluechips đỡ giá, VN-Index tăng nhẹ phiên thứ 2
Cuối buổi sáng, đà tăng trở lại đối với các trụ cột BVH, VIC, VCB, SSI, GAS giúp VN-Index mở rộng biên độ tăng lên 408.81 điểm, trái lại HNX-Index vẫn giảm với biên độ hẹp. Thanh khoản chỉ nhích nhẹ so với 30 phút trước.
Theo đó, VN-Index tạm tăng 1.53 điểm, tương ứng 0.38% so với tham chiếu. Còn HNX-Index giảm 0.02 điểm, tương đương 0.03% xuống 68.57 điểm..
Thanh khoản hai sàn đạt 34.5 triệu đơn vị, trong đó HOSE chiếm 17.5 triệu đơn vị, trị giá 237.54 tỷ đồng còn HNX đạt gần 17 triệu đơn vị, tương ứng 141 tỷ đồng.
Nhìn chung, lượng cổ phiếu tăng giá vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 131 mã tại HOSE và 95 mã tại HNX. Số mã giảm lần lượt là 51 và 65 mã.
Một vài mã tiếp tục tăng kịch trần nhờ vào sự kỳ vọng lợi nhuận quý 2 khả quan nhưng cũng không loại trừ yếu tố đầu cơ ở các mã này như VIP, THG, ASM, BGM, IDI, VPK, PTC. Một vài mã trước đó tăng trần nhưng vì lượng bán ra mạnh nên có phần thu hẹp biên độ.
Cổ phiếu ngân hàng giữ được sắc xanh đến hết buổi như CTG, VCB, STB, EIB, MBB và cả PVF cũng hưởng ứng sự tích cực này.
Tuy nhiên, VNM giảm nhẹ 0.58% xuống 85,500 đồng/cp. Nhóm cổ phiếu dầu khí có sự phân hóa đáng kể khi DPM đứng giá, PXT tăng nhẹ với thanh khoản thấp, PVF cũng tăng chưa đến 1%.
11h00: Thanh khoản thấp, nhà đầu tư bắt đầu do dự
Lực cầu yếu, thanh khoản thấp có thể là nguyên nhân khiến nhà đầu tư lo ngại. Kết quả là đà tăng yếu dần về cuối buổi sáng. HNX-Index đảo chiều giảm còn VN-Index tăng yếu ớt khi nhiều mã chủ chốt lần lượt giảm điểm.
Đến 11h00 thanh khoản hai sàn chỉ đạt hơn 30 triệu đơn vị, trị giá chưa đến 350 tỷ đồng, trong khi lượng bán ra với giá cao lại chiếm tỷ trọng lớn. Điều này cho thấy tâm lý bán vẫn chiếm đa số trên thị trường làm cho bên mua có phần dè dặt hơn.
Các mã trụ cột và có giao dịch sôi động tại HNX lần lượt quay về mốc tham chiếu hoặc còn tăng rất nhẹ, những mã vốn hóa vừa và nhỏ giảm giá đã kéo HNX-Index đảo chiều đi xuống dưới mốc tham chiếu. Cụ thể, chỉ số này mất 0.25 điểm, tương đương 0.36% xuống 408.05 điểm.
Hàng loạt bluechips tại HOSE cũng giảm giá như CTG, BVH, DPM, QCG, PVD… nên lực đỡ cho VN-Index cũng giảm sút. Với gần 60 mã giảm giá đối đầu với khoảng 115 mã tăng. VN-Index thu hẹp biên độ tăng còn khoảng 0.77 điểm. Tuy nhiên, nhiều mã bluechips khác lẫn cổ phiếu vừa và nhỏ giữ được sắc xanh như GAS, VIC, PVF, VCB, SSI, STB, ASM, PVT, VIP, THG. VPK, LM8, OPC… nên cũng không quá lo ngại về một sự sụt giảm mạnh ở sàn này.
10h00: Sóng tăng vẫn đang chờ thanh khoản
Sau khoảng 1 giờ giao dịch, sắc xanh tiếp tục được duy trì ở cả hai sàn. Có lúc cả hai chỉ số bật tăng khá mạnh do được nhiều bluechips đỡ giá. Nhiều mã cổ phiếu tăng giá, thậm chí tăng trần nhưng lượng bán giá cao chiếm tỷ trọng lớn hơn mua vào.
Những cổ phiếu nâng đỡ chính cho HNX như VND, PVX, KLS, SHS, DCS, SCR, KSD, IDJ, BVS… có mức tăng nhẹ từ 100 -300 đồng/cp. Đây hầu hết đều là những mã thuộc rổ HNX30. Tổng cộng tại HNX lúc 10h00 có hơn 90 mã tăng giá, chỉ có 25 mã giảm giúp HNX-Index tăng 0.25 điểm, tương đương 0.35% lên 68.83 điểm.
Giao dịch lúc này đạt 8.6 triệu đơn vị, tương đương 72 tỷ đồng. VND là mã duy nhất đạt trên 1 triệu đơn vị.
Chỉ có 3 mã giữ được mức tăng trần và lực mua áp đảo là AGC, TAG, CVN. Trong đó, AGC dù tăng trần nhưng đã bị khối ngoại bán ra hơn 27,000 đơn vị.
Sàn HOSE cũng khá tích cực khi có đến gần 130 mã tăng giá, khoảng 20 mã tăng kịch trần trong khi có 40 mã giảm làm cho VN-Index trụ khá vững trên mốc 408 điểm. Có lúc chỉ số này tăng lên trên 409 điểm. Tuy vậy, thanh khoản lại rất thấp, chỉ có 8 triệu đơn vị.
Một vài mã tăng trần với lực cầu áp đảo như VIP, BGM, PVT, PTC, . Vài mã khác ghi nhận mức tăng khá và lực cầu vững chắc, cũng như giao dịch khá sôi động lúc này như ITA, ASM, VNE, KBC, KSS, SSI, . DLG cũng góp mặt vài nhóm những cổ phiếu tăng giá và giao dịch sôi động.
Mở cửa: Sóng lợi nhuận quý 2 thực sự tồn tại?
Kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý 2 khả quan đã giúp một số mã cổ phiếu tăng giá. Tuy nhiên, mức biến động trên thị trường vẫn khá hẹp. Thanh khoản chưa có nhiều cải thiện.
Mặc dù một vài mã vốn hóa vừa và nhỏ tăng giá như AGR, ASM, BRC, BSI, CCI, CII… tổng cộng hơn 50 mã sau 15 phút mở cửa, nhưng sự phân hóa mạnh của các mã trụ cột như VIC, HAG giảm giá, BVH, MSN, VNM, SSI… đứng yên nhưng cũng có nguy cơ giảm điểm vì bên bán khá mạnh. Điều này làm cho VN-Index đánh mất 0.78 điểm trong đợt khớp lệnh thứ nhất, tương ứng 0.19% xuống 406.5 điểm.
Giao dịch chỉ vỏn vẹn 856,000 đơn vị, tương đương 11.55 tỷ đồng.
Những cổ phiếu tăng giá nhờ kỳ vọng vào kết quả kinh doanh như VIP tăng trần với dư mua áp đảo, dẫn đầu thị trường về thanh khoản, VCB, PTC, PVT, VPK, VID, BTT… cũng là những mã tăng giá. DLG trở về mốc tham chiếu sau thời gian bán tháo.
HNX-Index lại tăng điểm từ ngay khi mở cửa do được các mã vốn hóa lớn hỗ trợ như VND, SHS, KLS, ACB, BVS… Đáng chú ý là việc AGC bất ngờ tăng trần sau hàng chục phiên bị bán tháo và ngày hủy niêm yết của cổ phiếu này không còn xa.
Một số mã cổ phiếu nhỏ tăng giá hoặc tăng kịch trần nhưng bên bán vẫn chiếm ưu thế hơn.
Tuy nhiên, lượng giao dịch khiếm tốn, số mã tăng lại lần át các mã giảm (38/12) làm cho HNX-Index tăng 0.08 điểm sau 15 phút mở cửa lên mức 68.67 điểm. Giao dịch đạt 1.9 triệu đơn vị, tương đương 17.27 tỷ đồng.
Bước sang đợt liên tục, VN-Index tìm lại sắc xanh nhẹ và vượt lên trên 408 điểm nhờ một vài bluechips tăng giá trở lại như GAS, MSN, VCB, DPM, PVF…
Mã PXT sau khi tăng trần ở phiên trước đang tạm thời giữ mốc tham chiếu và chưa giao dịch được thực hiện.
Được biết, trước khi phiên này diễn ra nhiều công ty chứng khoán đều nhận định khó có khả năng tăng tiếp, trong khi nhiều nhà đầu tư lại đưa ra dự đoán ngược lại, chỉ có một số ít cho rằng thị trường sẽ giảm.
Viết Vinh (Vietstock)
ffn
|