Nhịp đập Thị trường 13/07: Giao dịch ngàn tỷ, thanh khoản đã được giải tỏa?
Không giữ được mốc 71 điểm nhưng thanh khoản của HNX lại tăng rất mạnh so với các phiên trước. Đây cũng là phiên hiếm hoi trong 2 tháng trở lại đây lượng khớp lệnh của thị trường vượt qua mốc 1,000 tỷ đồng.
Sau phiên giao dịch này, vẫn không ít người còn bày tỏ vẻ nghi ngờ về đà tăng của 3 phiên gần đây do vậy họ chọn cách bán ra ở gia tốt hơn là tham gia mua vào để tránh rủi ro. Tuy vậy, lượng người tự tin thị trường sẽ tiếp tục bứt phá cũng không nhỏ. Tâm lý hiện tại khá giống với những gì đã xảy ra trước và sau Tết nguyên đán năm 2012.
Diễn biến của HNX những phút cuối phiên hết sức sôi động với lượng bán ra và mua vào dồn dập, nhưng lượng bán ra có phần chiếm ưu thế nên HNX-Index thu hẹp biên độ tăng còn 1.25 điểm, tương ứng 1.8% và đóng cửa tại 70.57 điểm.
Trước áp lực bán này, HNX-Index đã bị VN-Index vượt qua mặt khi chỉ số này ghi nhận mức tăng đến 8.26 điểm, tương ứng 2.02% lên 416.98 điểm. Như vậy, nếu đà tăng tiếp tục duy trì thì việc VN-Index tiến xa hơn 420 điểm là hoàn toàn có thể.
Thị trường cuối phiên vẫn hết sức tích cực với 220 mã tăng giá tại HOSE, nhưng số mã tăng trần chỉ còn 99. Tại HNX, có 97 mã tăng tần trong tổng số 238 mã tăng giá. Còn lại có 74 mã giảm, và trên 160 mã đứng yên ở cả hai sàn.
Thanh khoản là yếu tố kích thích bên mua quay trở lại khi HOSE đạt 55.74 triệu đơn vị, tương đương 763 tỷ đồng, còn HNX có 57 triệu đơn vị, ứng với 493 tỷ đồng.
Đóng góp tích cực cho thị trường phải kể đến các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa (Mid Cap) tăng đến 2.64%, kế đến là cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ (Small Cap, Micro Cap) lần lượt tăng 2.15% và 2.12%.
Cổ phiếu bluechips mà chủ yếu ở sàn HOSE (Large Cap) dù khá nhiều mã tăng trên 2%, thậm chí tăng 4.35% như BVH, tăng 4.2% như DPM, tăng 4.12% như SSI… nhưng toàn nhóm chỉ cộng thêm được 1.75%.
Cũng giống như nhóm cổ phiếu chứng khoán, hay khoáng sản, thì cổ phiếu dầu khí phiên này ghi nhận khá nhiều mã tăng giá tích cực. Không ít mã tăng kịch trần như PXT, PGC, PTL, PXI, PXL, PXM, PXS tại HOSE và PDL, PFL, PDG, PGT, PHH, PSG tại HNX đóng góp đáng kể và sức mua của thị trường.
Trước sức tăng mạnh của thị trường, nhà đầu tư nước ngoài mua vào hết sức nhỏ giọt, chỉ có hơn 2 triệu đơn vị tại HOSE, trong đó chủ yếu mua MBB với gần 900 ngàn đơn vị, các mã khác mua vào rất ít. Tại HNX họ bán ròng gần 8 tỷ đồng khi bán ra tổng cộng 1.55 triệu cổ phiếu, tương đương 14.38 tỷ đồng.
13h30: Sợ mất cơ hội, bên mua quyết liệt đua trần
Với diễn biến hết sức tích cực của thị trường phiên buổi sáng cả về điểm số lẫn thanh khoản, bên mua đã không thể ngồi yên để bỏ lỡ con sóng mới. Lệnh mua giá trần dồn dập đổ vào khiến cả hai sàn tiếp tục bứt phá quyết liệt.
Trong vòng chưa đầy 30 phút, VN-Index đã ghi nhận mức tăng hơn 8 điểm, tức gần 2% lên sát mốc 417 điểm. Toàn sàn có đến 212 mã tăng giá, trong đó hơn ½ tăng kịch trần và có không ít là cổ phiếu bluechips như DPM, PVF, SSI, OGC, ITA… rồi đến cổ phiếu khoáng sản (BGM, KSA, KTB, KSS…) cổ phiếu dầu khí (PXT, PXL, PXS...) với lực cầu dồn dập.
Giao dịch trong khoảng 20 phút đạt gần 47 triệu đơn vị, tương đương 630 tỷ đồng.
HNX-Index cũng không kém cạnh thậm chí còn bứt xa hơn khi tăng đến 2.47%, tức 1.71 điểm lên hơn 71 điểm. Thị trường cũng ghi nhận hơn 200 mã tăng giá, với khoảng 90 mã tăng kịch trần.
Giao dịch bám sát HOSE, với khoảng 42 triệu đơn vị, tương đương 361 tỷ đồng.
Các mã bluechips lần lượt tăng trần như VND, HBB, SCR trở thành lực kéo cho các mã khác tiếp tục bứt phá. Giao dịch của các mã cũng hết sức sôi động khi VND có trên 5.5 triệu đơn vị, PVX hơn 4 triệu đơn vị, và KLS cũng xấp xỉ mức này.
Phiên sáng: Bứt phá "điệu nghệ"
Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng, thị trường tăng điểm một cách “điệu nghệ”, vượt qua những chuyển biến tâm lý để tạm đóng cửa ở mốc cao nhất. Thanh khoản phục hồi khá mạnh, mặc dù chưa đạt được như thời kỳ “đỉnh cao”.
Nhiều nhà đầu tư được hỏi đều tin rằng thị trường sẽ tiếp tục phục hồi và có thể bứt phá mạnh mặc dù biết kết quả kinh doanh quý 2 nhiều doanh nghiệp sắp công bố sẽ kém khả quan.
Trong khi đó, một vài môi giới chứng khoán lại tỏ ra khá thận trọng và chưa tin vào khả năng bứt phá của thị trường. Lời khuyên mà họ đưa ra là nhà đầu tư nên bán ra cổ phiếu khi đạt giá tốt.
Trở lại với phiên giao dịch buổi sáng, cú đánh mạnh ở nửa cuối phiên giúp VN-Index bứt phá mạnh, với mức tăng 6.73 điểm, tương ứng 1.65% lên 415.45 điểm. Thị trường có đến 203 mã tăng giá, gần 90 mã tăng kịch trần. Còn lại chỉ vỏn vẹn 18 mạ giảm và 45 mã giao dịch ở tham chiếu.
Nhiều bluechips tăng giá mạnh như BVH (+3.38%), SSI (+4.12%), DPM (+3.6%) hay PVF tăng kịch trần. Một vài mã khác tăng khiêm tốn với trên dưới 1% mỗi mã như CTG, GAS, VCB, MSN, VIC, HAG…
Trái lại, cổ phiếu hạng ruồi và các mã vốn hóa vừa và nhỏ đón dòng tiền đầu cơ mạnh. Rất nhiều mã tăng trần với dư bán trống rỗng như SBS, PXL, BGM, IDI, SAM, ASM, KTB, PVT, HQC, VNE, KSS, VIP, DLG, VPK, PXT… đều là những mã quen thuộc với nhà đầu tư lướt sóng.
Giao dịch buổi sáng đã vượt qua các phiên trước, đạt 41 triệu đơn vị tương đương 551 tỷ đồng. Trong đó, SBS, ITA, VNE, SSI, MBB có giao dịch khá sôi động.
Sàn HNX tiếp tục bứt phá mạnh khi HNX-Index tăng đến 1.34 điểm, tức 1.93% lên 70.66 điểm, giao dịch vượt xa các phiên, đạt 33.94 triệu đơn vị, tương ứng 288 tỷ đồng. Các mã chủ chốt vẫn giữ mức tăng so với ít phút trước, trong khi các mã đầu cơ tiếp tục có tăng mạnh và hút dư mua giá trần với số lượng lớn.
Tổng cộng toàn sàn có 190 mã tăng giá, trong đó gần 60 mã tăng trần, thấp hơn nhiều so với sàn HOSE. Còn lại có 41 mã giảm và 167 mã đứng yên.
11h00: Vượt rào cản tâm lý, hai sàn đồng loạt tăng mạnh
Bên mua tự tin hơn đã giúp thị trường vượt qua giai đoạn giằng co và thận trọng để đạt được mức tăng cao hơn vào cuối buổi sáng. Thanh khoản cải thiện chính là tín hiệu tốt để nhà đầu tư cân nhắc mua vào.
Chỉ trong vài phút, từ mức lình xình 412 điểm, VN-Index tăng gần 6 điểm và dễ dàng vượt qua mức 414 điểm. Đến 11h05, chỉ số này đạt mức 414.51 điểm, giao dịch đạt 35.77 triệu đơn vị, tương đương gần 465 tỷ đồng.
Thị trường ghi nhận đến 195 mã tăng giá, chỉ có khoảng 20 mã giảm và vài chục mã đứng giá. Số mã tăng hết biên độ với dư mua trần chiếm số lượng khá lớn nhưng hầu hết là cổ phiếu đầu cơ như HQC, KSS, VNE, DLG, PXL, PXT, PVT, DRC, KTB, AVF, KSA, VIP, KBC, CSM… tuy vậy trong số này không ít mã được nhà đầu tư kỳ vọng thực sự về lợi nhuận quý 2.
Cùng lúc này, HNX-Index cũng bật khá mạnh, với trên 1.7%, tương ứng 1.2 điểm vượt xa mốc 70 điểm. Thị trường cũng hết sức tích cực với trên 170 mã tăng giá, hàng chục mã tăng kịch trần.
Thanh khoản cải thiện nhưng vẫn còn khiêm tốn với 27 triệu đơn vị, tương đương 235 tỷ đồng do một số nhà đầu tư vẫn chưa thực sự tự tin vào đà tăng này.
Những cổ phiếu chủ chốt đã đạt mức tăng khá mạnh, với trên dưới 4% mỗi mã. Giao dịch cao nhất đạt gần 3 triệu đơn vị thuộc về VND, kế đến là KLS gần 2.7 triệu đơn vị.
Thị trường cũng ghi nhận nhiều mã thuộc ngành chứng khoán, khoáng sản và bất động sản tăng giá mạnh.
10h00: Tăng mạnh sẽ gặp nhiều rủi ro?
Lực cầu giá cao được đẩy mạnh khi người mua không muốn bỏ lỡ một con sóng tăng mới của thị trường. Tuy nhiên, dấu hiệu điều chỉnh xuất hiện khi thị trường sắp bước qua 10h00.
Trước đó, lúc 9h50, với 165 mã tăng giá, trong đó hàng chục mã tăng kịch trần đồng thời cổ phiếu vốn hóa lớn cũng có diễn biến tích cực đã đẩy VN-Index tăng hơn 5 điểm, vượt qua mốc 413 điểm. Thanh khoản đạt xấp xỉ 15 triệu đơn vị và giá trị hơn 200 tỷ đồng.
Sàn HNX cũng tăng mạnh với trên 120 mã khởi sắc, cũng như tăng hết biên độ giúp HNX-Index vượt ngưỡng 70 điểm. Giao dịch cải thiện nhưng cũng có phần do dự, với 11.5 triệu đơn vị, đạt 101 tỷ đồng.
Thị trường có dấu hiệu giằng co giữ bên mua và bên bán. Kết quả là các chỉ số lần lượt thu hẹp biên độ. VN-Index tăng dưới 413 điểm và HNX-Index cũng rớt mốc 70 điểm.
Những mã vốn hóa lớn tăng yếu hơn, chỉ xoay quanh mức 1-2% mỗi mã. Giao dịch cũng chưa thực sự đột biến.
Với SBS, lượng bán mạnh đã “nuốt” hết lượng mua vào với giá trần, tuy vậy lực cầu vẫn còn khá mạnh giúp SBS giữ đợc mức tăng 3.33% đạt 3,100 đồng/cp.
Mở cửa: Tiền đã mạnh hơn, SBS đột biến với dư mua trần
Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, thị trường tiếp tục xu hướng tích cực từ hai phiên trước. Thị trường tăng điểm chủ yếu nhờ cổ phiếu lớn và lực cầu từ một vài mã đầu cơ. VN-Index nhanh chóng tiếp cận ngưỡng 410 điểm.
Kỳ vọng tốt về kết quả kinh doanh quý 2 của một số doanh nghiệp tiếp tục tạo nên sự phân hóa cho thị trường.
Quan sát những phút đầu phiên, hầu hết cổ phiếu chủ chốt đều tăng giá như GAS, VIC, VNM, HAG, DPM hoặc chí ít cũng giữ được mốc tham chiếu như BVH, MSN, SSI, VCB, CTG…
Trái lại, những cổ phiếu được nhà đầu tư kỳ vọng vẫn tăng kịch trần như GIL, VPK, VIP, IDI, LGL… đặc biệt một số mã khoáng sản như BGM cũng tăng hết biên độ với lực cầu áp đảo.
Đáng chú ý nhất là SBS, cổ phiếu này tăng hết biên độ với dư mua trần áp đảo, khối lượng giao dịch gần 1.7 triệu đơn vị sau hàng chục phiên giảm sàn liên tục. Diễn biến này tương tự đã xảy ra với AGC hai phiên trở lại đây.
Với khoảng 50 mã tăng giá đợt 1, VN-Index tăng 1.15 điểm, tương ứng 0.28% lên 409.87 điểm. Giao dịch đạt khoảng 2.6 triệu đơn vị, trị giá 71 tỷ đồng.
Đà tăng được củng cố những phút sau đó, VN-Index vận động mạnh hơn và vượt qua mốc 410 điểm. Số lượng chứng khoán tăng giá cũng đạt xấp 90 mã. Số mã giảm vẫn dừng dưới 20 mã. Giao dịch đã cải thiện đáng kể, đạt trên 5 triệu đơn vị, với hơn 90 tỷ đồng.
HNX-Index cũng mở rộng biên độ tăng điểm, tốc độ khá chậm so với VN-Index. Tuy nhiên, chỉ số này cũng đang tiếp cận với ngưỡng 70 điểm. Giao dịch lúc 9h28 cũng đạt hơn 4.4 triệu đơn vị, tương đương 44 tỷ đồng.
Thị trường ghi nhận 74 mã tăng, 304 mã đứng yên và 20 mã mất điểm.
Những cổ phiếu chủ chốt tăng giá là lực đỡ chính cho sàn này. Đặc biệt, cổ phiếu DCS tiếp tục tăng kịch trần với lượng mua vào mạnh. Một vài mã cổ phiếu họ chứng khoán cũng tăng giá tích cực như APG, HPC, PSI… nhờ kỳ vọng của nhà đầu tư.
Các cổ phiếu AGC, CVN, HPR, DHL, THB tăng kịch trần nhưng lượng giao dịch đạt khá thấp. Riêng AGC, cổ phiếu này có dư mua trên hơn 20,000 đơn vị và khối ngoại tiếp tục bán ra hơn 17,000 cp này chỉ trong vài phút.
Viết Vinh (Vietstock)
FFN
|