DNNN và nguyên tắc “bốn có-ba không”
Tìm kiếm mô hình cho DNNN trong kinh tế thị trường, PGS.TS.Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng đây là công việc không dễ dàng vì sự khó khăn mang tính bản chất còn nhân bội lên bởi sự phản kháng từ các nhóm lợi ích cũng đã lớn lên, mạnh lên trên mọi phương diện. Để vượt qua khó khăn này, đương nhiên như nhiều người vẫn nói: “phải có quyết tâm chính trị”.
Kỳ vọng nhiều và thất vọng sâu sắc
Qua nhiều lần cải cách, đến nay DNNN vẫn chiếm giữ các vị trí quan trọng của nền kinh tế. Mục tiêu đổi mới DNNN là để tìm kiếm mô hình hoạt động hiệu quả cho DNNN trong môi trường kinh tế thị trường hội nhập quốc tế và tìm kiếm mô hình cho hiện thực hóa quan hệ sản xuất XHCN trong điều kiện kinh tế thị trường.
Bên cạnh việc sắp xếp, đổi mới DNNN, các Tập đoàn kinh tế nhà nước, các Tổng công ty nhà nước, DNNN được thành lập với nhiều kỳ vọng sẽ có những tập đoàn mạnh, giữ vững vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, tiến đến có những tập đoàn mạnh có tầm quốc tế. Các Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước như Dầu khí, Than và khoáng sản, Viễn thông, Dệt may… cũng đã đáp ứng được phần nào những kỳ vọng này.
Song, thực tế “đổi mới DNNN không đạt mục tiêu mong muốn”. Các số liệu đo lường hiệu quả hoạt động của nhiều DNNN đã gây ra sự thất vọng sâu sắc của dân chúng với nhiều tiêu chí “quá cao ngoài ý muốn” như thua lỗ, tỷ lệ Icor, tổng số nợ, nợ xấu… Đã vậy, từ Vinashin lại tiếp đến Vinalines có nguy cơ phá sản. Gần đây hé lộ thêm những thông tin hạn chế được công bố: Tập đoàn Dầu khí được coi là “hùng mạnh” được Nhà nước dành nhiều ưu đãi nhưng lại gian dối tới 19.000 tỷ đồng không nộp vào ngân sách nhà nước… Những DN này, những hiện tượng này càng khiến dư luận bức xúc.
Cho dù đã có nhiều bức xúc và không ít thất vọng, nhưng Việt Nam sẽ có những tập đoàn kinh tế mạnh và hệ thống DNNN chủ đạo vẫn tiếp tục là kỳ vọng. Kỳ vọng còn đó khiến Nhà nước, các cơ quan quản lý và các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tiếp tục đổi mới để nâng cao hiệu quả cho DNNN. Rất nhiều ý kiến phân tích đồng tình với giải pháp phải hoạch định rõ hơn giới hạn các lĩnh vực cần có DNNN nói chung và tập đoàn kinh tế nhà nước nói riêng.
Giải pháp hướng đến tương lai
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị “chỉ cho phép duy trì các tập đoàn theo nguyên tắc “bốn có ba không”. Bốn có gồm: duy trì DN có phục vụ quốc phòng, an ninh; lĩnh vực tạo ra hàng hóa cực kỳ thiết yếu cho nền kinh tế; trong ngành có áp dụng công nghệ mới nhưng có thể có nhiều rủi ro; trong ngành đặc thù như chất độc, thuốc lá, rượu… Ba không gồm: không đầu tư vào những ngành vì lợi nhuận đơn thuần; không đầu tư vào những ngành vì địa tô đơn thuần; không đầu tư tạo ra DN cạnh tranh không bình đẳng với các thành phần kinh tế khác cùng ngành, cùng lĩnh vực…
TS.Trần Tiến Cường - nguyên Trưởng Ban nghiên cứu Cải cách và Phát triển DN (Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế TƯ) cho rằng: “Trong bối cảnh đẩy mạnh thể chế kinh tế thị trường và hội nhập, cần tăng cường sử dụng các chính sách vĩ mô do Nhà nước ban hành thay cho việc sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết”. Theo ông, trong trường hợp đặc biệt như khủng hoảng cần phải sử dụng đến DNNN thì chỉ sử dụng DNNN như một công cụ hỗ trợ cùng với công cụ chính sách để điều tiết vĩ mô và phải minh bạch hóa và thể chế hóa vai trò này của DNNN. Một số ý kiến phụ họa cho rằng phải làm rõ hơn về phạm vi sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết vĩ mô, mức độ và thời điểm sử dụng, bối cảnh sử dụng. Đặc biệt phải chứng minh được lợi ích đánh đổi giữa việc sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết vĩ mô bình ổn thị trường với sử dụng các công cụ vĩ mô khác như chính sách tỷ giá, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và đầu tư…
Tái cấu trúc DNNN lại được thúc giục thực hiện quyết liệt. Nhưng PGS.TS.Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng đây là công việc không dễ dàng vì sự khó khăn mang tính bản chất của quá trình chuyển đổi trải qua năm tháng lớn mạnh của các tập đoàn kinh tế nhà nước còn nhân bội lên bởi sự phản kháng từ các nhóm lợi ích cũng đã lớn lên, mạnh lên trên mọi phương diện. Để vượt qua khó khăn này, đương nhiên như nhiều người vẫn nói: “phải có quyết tâm chính trị”.
Tri Nhân
Thời báo ngân hàng
|