Xem xét thành lập cơ quan ngang bộ quản lý DNNN
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu mô hình thành lập cơ quan ngang bộ làm đầu mối quản lý DNNN.
Đó là thông điệp nổi bật được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam phát đi tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, diễn ra chiều 3/7. Các giải pháp điều hành cụ thể mà Chính phủ ưu tiên chỉ đạo để gỡ khó cho DN, theo ông Đam là, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… NHNN có biện pháp quyết liệt xử lý nợ xấu; điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu cả năm là 7 - 8%; nhanh chóng khơi thông dòng vốn cho các DN. NHNN cần sớm đưa ra những chính sách và biện pháp tháo gỡ cụ thể để các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, sử dụng nhiều lao động tiếp cận được nguồn vốn.
“Việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, chứ không có chuyện đợi NHNN thành lập công ty mua bán nợ xong mới tiến hành. Quá trình xử lý nợ xấu đang được triển khai theo hướng các NHTM trực tiếp làm việc với DN dưới sự hỗ trợ hợp lý của chính quyền các cấp, để sớm khơi thông dòng vốn cho DN phát triển sản xuất - kinh doanh...”, ông Đam nói.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia…, nhằm kích thích nhu cầu trong nước. Tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiêu thụ hàng tồn kho, khuyến khích sản xuất đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế. Trong tháng 6 vừa qua, lượng vốn đầu tư từ ngân sách đã được giải ngân mạnh theo đúng tư tưởng đổi mới đầu tư công. Tốc độ giải ngân vốn từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng mạnh, nên sẽ góp phần kích cầu nội địa, tiêu thụ sản phẩm cho DN.
“Đặc biệt, Chính phủ có chủ trương, với những dự án hiệu quả cao, có thể hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2013, sẽ cho phép ứng vốn trước để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Điều này cũng sẽ góp phần kích thích sức cầu của thị trường, qua đó thiết thực tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho DN…”, ông Đam nhấn mạnh.
Với định hướng điều hành như vậy, Chính phủ tin tưởng sẽ kiềm chế lạm phát thành công ở một con số và GDP tăng trưởng khoảng 6% trong năm nay. Trên cơ sở này, sẽ đưa lạm phát tiếp tục giảm ở mức hợp lý trong năm 2013, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn 6%.
Tại kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Chính phủ cũng đã cho ý kiến sửa đổi Nghị định 132 về quản lý DNNN. Điểm mới của lần sửa đổi này, theo ông Đam là Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty phải tập trung vào ngành kinh doanh chính. Những ngành nghề ngoài lĩnh vực chính, nhất là ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản mà các DNNN đã đầu tư, thì phải khẩn trương thoái vốn. Dự thảo sửa đổi Nghị định cũng đưa ra các quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của Bộ Tài chính và các Bộ quản lý chuyên ngành, của hội đồng thành viên DNNN, đặc biệt là trách nhiệm của Bộ quản lý chuyên ngành về chiến lược phát triển, bổ nhiệm cán bộ tại DNNN. Để nâng cao chất lượng quản lý DNNN, trước mắt Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn thiện phương án nâng cấp Cục Tài chính DN thuộc Bộ, để đảm đương tốt hơn nhiệm vụ. Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình thành lập một cơ quan ngang bộ làm đầu mối quản lý DNNN…, để trình Chính phủ xem xét.
Hữu Đạo
Đầu tư chứng khoán
|